| ||
ông Đỗ Quang Khánh, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội TP.HCM |
Xin ông cho biết về tình hình nợ đọng bảo hiểm xã hội của các doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM tính đến hết quý 1/2013?
TP.HCM là địa bàn có đông doanh nghiệp doanh nghiệp tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH).
Tính đến hết tháng 3/2013, toàn Thành phố có gần 50.000 cơ quan, doanh nghiệp đóng BHXH cho gần 1,8 triệu lao động tham gia BHXH.
Trong tình hình kinh tế khó khăn chung như hiện nay và một phần là chính sách pháp luật của ta còn chưa nghiêm khắc cho nên tình hình nợ đọng BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) vẫn còn khá phổ biến.
Theo thống kê của chúng tôi, đến hết tháng 3/2013 có đến hơn 10.000 doanh nghiệp nợ BHXH từ ba tháng trở lên, ảnh hưởng đến hàng chục ngàn người lao động tham gia BHXH liên quan đến việc giải quyết các chế độ ngắn hạn: ốm đau thai sản, hay trợ cấp thất nghiệp, thậm chí cả những người về hưu...
Nếu so với cùng kỳ năm ngoái thì số doanh nghiệp nợ BHXH có sự tăng, giảm thế nào, thưa ông?
So với cùng thời điểm này của năm ngoái thì tình hình nợ BHXH của cả khối doanh nghiệp trong nước cũng như doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vẫn không hề giảm. Lẽ ra, việc thực hiện Luật BHXH (có hiệu lực từ 2007), Luật BHYT (có hiệu lực từ tháng 6/2009) trong điều kiện Nhà nước đã tăng cường công tác chỉ đạo, lãnh đạo, quản lý thì tình trạng nợ bảo hiểm phải giảm đi, nhưng theo tôi, do chế tài không nghiêm, doanh nghiệp thấy rằng nợ cũng được nên gần như họ đã “lờn thuốc”.
Trên thực tế, doanh nghiệp nợ BHXH nhưng có chăng chỉ phải đóng một khoản tiền lãi chậm đóng rất nhẹ, chỉ khoảng 10%/năm, so với tiền mà người ta phải đi vay ngân hàng thì chênh lệch rất nhiều, nên nếu tính toán thì doanh nghiệp sẽ chọn cách là lựa chọn nợ BHXH. Đã đến lúc cần phải xem lại chính sách xử lý doanh nghiệp nợ BHXH; xem lại mức độ xử lý vi phạm hành chính về nợ BHXH. Mức phạt nợ BHXH hiện nay nặng nhất chỉ có 30 triêu đồng nếu so với số nợ hàng chục tỷ đồng như trường hợp hãng taxi MaiLinh nợ hơn 50 tỷ đồng mà chỉ phạt 30 triệu đồng thì quá nhẹ.
Vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 21-NQ/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012 – 2030, thực hiện tốt việc này thì tôi nghĩ UBND các địa phương cần vào cuộc để cùng với ngành BHXH thực hiện, chứ nếu để riêng ngành BHXH thực hiện thì rất khó làm nổi.
Nói đi cũng phải nói lại, hiện nay đa số doanh nghiệp vẫn còn khó khăn quá, vậy BHXH Thành phố có cơ chế gì để hỗ trợ doanh nghiệp?
Trên thực tế chúng tôi theo chỉ đạo của ngành BHXH thì cũng có rất nhiều cách thức để giải quyết vấn đề này.
Chẳng hạn, đối với người lao động đến tuổi nghỉ hưu mà DN nợ đến mức phải ra hạn thẻ y tế cho người lao động, hay là có những người thôi việc hưởng chế độ thất nghiệp… thì chúng tôi bằng mọi cách thức, có thể cho doanh nghiệp đóng trước một phần bảo hiểm để đáp ứng được yêu cầu, và cũng để tạo điều kiện cho việc giải quyết chế độ cho người lao động được tốt hơn;
Đồng thời chúng tôi cũng phối hợp với ngành Thương binh và Xã hội, thanh tra Sở Lao động để đôn đốc, nhắc nhở doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ về BHXH.
Vừa qua có thông tin cho rằng có nguy cơ quỹ BHXH, ông có bình luận gì về vấn đề này?
Tôi cho rằng, chuyện vỡ quỹ bảo hiểm hay không thì không phải là do chuyện nợ hay không nợ bảo hiểm. Mà đây là bài toán kinh tế của các nhà hoạch định chính sách. Các nước khác cân đối quỹ BHXH theo từng phương thức trả, dựa trên mức đóng như thế nào, mức trả ra sao.
Ở Việt Nam, nếu mức thu bảo hiểm thấp mà mức chi trả cao thì sẽ dẫn đến vỡ quỹ. Do đó cần chú ý yếu tổ bảo toàn và quản lý quỹ như thế nào cho chặt chẽ.
Thanh Tân