Trước thực tế nợ công tăng cao, ngày 14/2/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 02/CT-TTg, trong đó yêu cầu quản lý chặt chẽ các khoản vay có bảo lãnh của Chính phủ. Thưa ông, kết quả thực hiện Chỉ thị này thế nào?
Nợ công nói chung, nợ BLCP nói riêng là nguồn vốn cần thiết và rất quan trọng bổ sung cho đầu tư phát triển, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, thúc đẩy phát triển sản xuất… Tạo điều kiện cho doanh nghiệp huy động vốn cho đầu tư phát triển đã góp phần đưa rất nhiều công trình, dự án hoàn thành, phát huy hiệu quả, bởi nếu không BLCP, doanh nghiệp rất khó tiếp cận được với nguồn vốn này, cho dù dự án đầu tư được đánh giá là có hiệu quả.
Ông Hoàng Hải, Phó cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) |
Tuy nhiên, trước áp lực nợ công tăng nhanh và đã áp sát trần, Chính phủ đã có lộ trình hạn chế nợ công, trong đó, đối với khoản vay BLCP được quản lý theo hướng siết chặt điều kiện cấp bảo lãnh, không mở rộng diện, chọn lọc có mục tiêu ưu tiên, tiến tới thu hẹp bảo lãnh, kiểm soát việc trả nợ đối với khoản vay được bảo lãnh…
Thực hiện chỉ đạo này, năm 2016, Bộ Tài chính không cấp một khoản bảo lãnh vay trong nước nào, chỉ cấp bảo lãnh cho dự án truyền tải điện vay nước ngoài trị giá 170 triệu USD, nên mức rút vốn ròng các khoản vay nước ngoài năm 2016 chỉ bằng khoảng 20% so với hạn mức dự kiến. Vì vậy, nợ BLCP/GDP đã giảm xuống chỉ còn tương đương 10,2% GDP tính đến cuối năm 2016.
Từ kết quả này, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 04/2017/NĐ-CP về cấp và quản lý bảo lãnh chính phủ theo hướng tiếp tục siết chặt cấp BLCP.
Siết chặt theo hướng nào, thưa ông?
Nâng phí bảo lãnh tối thiểu; quy định chặt chẽ quy trình, thủ tục thẩm định cấp bảo lãnh, thế chấp tài sản và quản lý rủi ro; nâng cao trách nhiệm của các bên liên quan trong toàn bộ quá trình cấp và quản lý BLCP; tăng trách nhiệm đối với ngân hàng phục vụ… Đặc biệt, kể từ tháng 3/2017, mức BLCP giảm từ 80% tổng mức đầu tư xuống còn không vượt quá 70% đối với dự án được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư; không quá 60% đối với dự án nhóm A có tổng mức đầu tư từ 2.300 tỷ đồng trở lên được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư và tối đa 50% đối với các dự án còn lại.
Đây là yêu cầu rất quan trọng, bởi một trong những yêu cầu tiên quyết để đảm bảo cam kết của chủ dự án khi được bảo lãnh là phải chứng minh được năng lực tài chính. Năng lực tài chính thể hiện không gì rõ bằng việc chủ dự án chứng minh được khả năng đóng góp về tài chính, nếu không bảo đảm được số vốn tối thiểu 30%, 40%, 50% tổng mức đầu tư dứt khoát không được cấp bảo lãnh.
Ngoài điều kiện phải đáp ứng vốn tối thiểu tham gia vào dự án, muốn được bảo lãnh, chủ dự án phải trả phí tối thiểu lên tới 2%/năm. Ông có nghĩ rằng, những điều kiện này quá ngặt nghèo?
Trước kia Việt Nam trong giai đoạn chậm phát triển, cần nguồn vốn đầu tư rất lớn để ra khỏi danh sách chậm phát triển, nên các điều kiện BLCP được nới lỏng với mục đích hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp tiếp cận với nguồn vốn chi phí thấp, thời gian vay dài. Nhưng hiện nay, Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình, đến giữa năm nay không còn cơ hội tiếp cận với nguồn vốn giá rẻ của Ngân hàng Thế giới và đến hết năm 2018, nguồn vốn giá rẻ của Ngân hàng Phát triển châu Á dành cho Việt Nam cũng chấp dứt.
Vì thế, quan điểm tiếp cận nợ công phải có sự thay đổi, doanh nghiệp thay vì dựa vào sự hỗ trợ của Nhà nước, muốn được BLCP buộc phải đáp ứng nhiều điều kiện, trong đó có vấn đề tài chính. Các ngân hàng cũng không thể tiếp tục dựa vào sự bảo lãnh vô điều kiện của Chính phủ, mà buộc phải có trách nhiệm hơn đối với khoản vay của doanh nghiệp nếu muốn trở thành ngân hàng phục vụ.
Với những điều kiện ngặt nghèo này thì doanh nghiệp tự đi vay sẽ chủ động hơn bảo lãnh?
Quan điểm của Chính phủ là khuyến khích doanh nghiệp tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về khoản vay của mình. Theo tôi được biết, EVN đang tiếp cận với các ngân hàng trong và ngoài nước vay vốn để đầu tư dự án mà trước kia trông chờ vào sự bảo lãnh của Chính phủ.
Mục đích của việc đưa ra những điều kiện khắt khe này nhằm duy trì tỷ trọng nợ Chính phủ bảo lãnh trong cơ cấu nợ công tối đa 12% và giảm xuống còn 10% vào năm 2020.
Tôi cũng xin nói thêm rằng, không phải dự án nào đáp ứng điều kiện cũng được bảo lãnh, mà Bộ Tài chính chỉ xem xét cấp bảo lãnh đối với dự án được Quốc hội hoặc Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư; dự án ứng dụng công nghệ cao; dự án trong lĩnh vực năng lượng, khai thác, chế biến khoáng sản hoặc sản xuất hàng hoá, cung ứng dịch vụ xuất khẩu phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội; dự án thuộc lĩnh vực, địa bàn khuyến khích đầu tư.
Đối tượng được cấp bảo lãnh tương đối rộng. Vậy ông giải thích thế nào khi mà hầu như chỉ có doanh nghiệp nhà nước mới được cấp BLCP?
Trong danh mục BLCP hiện nay thì PVN, EVN, Vinacomin… được cấp nhiều nhất và chiếm tỷ trọng lớn nhất, vì các doanh nghiệp này bên cạnh nhiệm vụ kinh doanh bình đẳng như các thành phần kinh tế khác, còn phải thực hiện nhiệm vụ chính trị. Vì thế, Bộ Tài chính có trách nhiệm hỗ trợ các doanh nghiệp này thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên nguyên tắc phải bảo đảm an toàn tài chính.
Nói như thế không phải chúng tôi không bảo lãnh cho doanh nghiệp tư nhân vay vốn. Thực tế, Bộ Tài chính đã bảo lãnh cho doanh nghiệp tư nhân thực hiện Dự án Nhiệt điện Thăng Long trị giá khoảng 1 tỷ USD, một số dự án nhiệt điện ở Thanh Hóa, một số dự án thủy điện quy mô vừa ở các tỉnh Tây Bắc.
Về nguyên tắc, BLCP không phân biệt thành phần kinh tế. Tuy nhiên, bảo lãnh là công cụ hỗ trợ phát triển của Chính phủ, chứ không phải thương mại thuần túy, bởi nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước, như tôi nói, bên cạnh sản xuất, kinh doanh bình đẳng như các thành phần kinh tế khác, còn phải thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội theo yêu cầu của Chính phủ nên được BLCP nhiều hơn thành phần kinh tế khác cũng là hợp lý.