Đầu tư
Nỗ lực đến ngày cuối cùng để giải ngân vốn đầu tư công
Hà Nguyễn - 20/12/2021 08:40
Tất cả 6 đoàn công tác đốc thúc giải ngân vốn đầu tư công đã hoàn thành nhiệm vụ. Quan điểm thống nhất được đưa ra là, nỗ lực giải ngân vốn đầu tư công ở mức cao nhất.
Một nguyên nhân chính làm chậm giải ngân vốn đầu tư công là vướng mắc trong giải phóng mặt bằng. Ảnh: Đức Thanh

Đã đến chặng nước rút, nhưng… vẫn chậm

Tổ công tác số 3 của Chính phủ về kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2021, do Phó thủ tướng Lê Văn Thành làm Tổ trưởng, vào giữa tuần trước, đã hoàn tất việc “đốc thúc” giải ngân vốn đầu tư công tại 3 bộ, 5 cơ quan và 4 địa phương, gồm TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Khánh Hòa.

Như vậy, cả 6 tổ công tác đã hoàn thành nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao, thực hiện việc kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong nửa đầu tháng 12/2021.

Tuy nhiên, tình hình chung cho thấy, dù đã có nhiều cải thiện, song giải ngân vốn đầu tư công ở nhiều bộ, ngành, địa phương vẫn rất chậm. Chỉ tính riêng ở các bộ, ngành, địa phương do Tổ công tác số 3 kiểm tra, đốc thúc, thì tỷ lệ giải ngân chung của 12 đơn vị mới đạt gần 37% tổng vốn được phân bổ cho năm nay (76.000 tỷ đồng).

Trong đó, TP.HCM mới giải ngân được 42%; Đồng Nai cũng đang “gặp khó” với Dự án giải phóng mặt bằng cho sân bay Long Thành, khiến tuần trước, một cuộc họp riêng về thúc đẩy giải ngân dự án này đã được tổ chức.

Tại nhiều địa phương khác, tỷ lệ giải ngân cũng còn rất thấp. Chẳng hạn. An Giang mới chỉ giải ngân được 33,8%, Quảng Bình đạt 58,8%... Đặc biệt, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong khi tỷ lệ giải ngân chung của cả nước đạt 64%, thì vẫn có tới 19 bộ và 2 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 30%. Trong đó, Ủy ban Dân tộc, Ủy ban toàn quốc Liên hiệp Các hội văn học - nghệ thuật Việt Nam và Liên hiệp Các hội khoa học - kỹ thuật Việt Nam còn chưa giải ngân được đồng vốn nào.

“Hiện nay, hàng tuần, chúng tôi đều làm việc với các ban quản lý dự án lớn để kiểm tra, đôn đốc tiến độ”, ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP.HCM nói. Cũng theo ông Hoan, TP.HCM phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân 70% kế hoạch trong năm 2021.

Trong khi đó, Bình Dương phấn đấu đến cuối năm đạt tỷ lệ giải ngân 75,6%; Khánh Hòa phấn đấu giải ngân 96-100%.

Không phải địa phương nào cũng đạt kế hoạch, do đó, khó có thể kỳ vọng giải ngân vốn đầu tư công sẽ đạt tỷ lệ cao như năm ngoái.

Dẫu vậy, theo chỉ đạo của Phó thủ tướng Lê Văn Thành, phải nỗ lực làm ngày làm đêm, với mục tiêu là đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành các công trình, phát huy hiệu quả vốn đầu tư. Tuy vậy, Phó thủ tướng cũng nhấn mạnh: “Phải phấn đấu giải ngân ở mức cao nhất, nhưng không chạy theo chỉ tiêu mà buông lỏng, để xảy ra sai phạm”.

Trên thực tế, đây là quan điểm thống nhất từ cả 6 tổ công tác. Trong chặng đua nước rút, phải quyết liệt tập trung giai ngân, nhưng vẫn phải đảm bảo chất lượng công trình và hiệu quả đầu tư.

Nhìn năm 2021, rút kinh nghiệm cho năm 2022

Không nằm ngoài dự đoán, cũng giống như khi làm việc với Tổ công tác số 6, do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng làm Tổ trưởng, rất nhiều bộ, ngành, địa phương đã đề nghị “trả lại” vốn kế hoạch năm 2021, cũng như kéo dài sang năm 2022.

Tuy nhiên, trả lời nhất quán từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư là việc chuyển nguồn vốn đầu tư từ năm 2021 sang năm 2022 phải tuân thủ theo Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước. Có nghĩa là, không giải ngân hết thì sẽ bị cắt vốn và không được bố trí lại trong vốn đầu tư công trung hạn nữa.

Qua kinh nghiệm của năm 2021, các địa phương cũng phải lưu ý việc xây dựng kế hoạch năm 2022, không nên xây dựng quá khả năng giải ngân của mình. Năm 2022, công tác điều hành đầu tư công của Chính phủ sẽ rất quyết liệt và sẽ quy trách nhiệm rất rõ ràng, nhất là với người đứng đầu.

- Ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư

“Trường hợp bất khả kháng, Chính phủ phải báo cáo Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nói và cho biết, không hề đơn giản để các địa phương chứng minh được rằng, việc chậm giải ngân là do “trường hợp bất khả kháng”.

Vừa qua, Chính phủ cũng đã đề xuất việc kéo dài vốn sang năm 2022 cho một số dự án, song Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng chỉ đồng ý với các dự án thật sự cấp bách và là bất khả kháng. Chính phủ cũng đã đề xuất việc cắt giảm vốn kế hoạch đối với phần vốn nước ngoài (ODA), song Ủy ban Thường vụ Quốc hội không đồng ý.

Thực tế thời gian qua cho thấy, không ít địa phương viện cớ “cấp bách” để xin dùng vốn dự phòng Trung ương cho các dự án đầu tư công. Song do giải phóng mặt bằng chậm trễ, giải ngân không được. Trong trường hợp này, cũng rất dễ dẫn đến tình trạng bị cắt vốn, ảnh hưởng đến nguồn lực thực hiện dự án trong những năm sau, cũng như ảnh hưởng đến cả phần vốn đầu tư công trung hạn của địa phương.

Thông tin cho biết, cùng với việc quyết nghị phần vốn đầu tư công cho năm 2022, thì Quốc hội cũng đã có những “ràng buộc” rất rõ ràng về tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trong năm tới. Do đó, năm 2022, chuyện đốc thúc giải ngân vốn đầu tư công sẽ quyết liệt hơn nhiều.

Tin liên quan
Tin khác