Tuy nhiên, các ngân hàng đã có sự chuẩn bị và đang quyết liệt triển khai nhiều giải pháp xử lý, nhằm đạt mục tiêu đưa nợ xấu về dưới 3% vào cuối năm 2015.
Nợ xấu tăng, song sẽ minh bạch hơn
Một chuyên gia ngân hàng cho rằng, lo ngại nợ xấu tăng trở lại sau khi quy định cho phép các TCTD được giữ nguyên nhóm nợ đối với các khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo khoản 3a, Điều 10, Thông tư 09/2014/TT-NHNN sẽ hết hiệu lực thi hành từ 1/4/2015 không phải là không có cơ sở. Theo vị chuyên gia này, trước đây, để hãm lại đà tăng của nợ xấu cũng như góp phần tháo gỡ khó khăn cho các DN trong việc tiếp cận tín dụng khi nền kinh tế rơi vào suy giảm, NHNN đã ban hành Quyết định 780/QĐ-NHNN cho phép các TCTD được giữ nguyên nhóm nợ đối với các khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ nếu DN có triển vọng phục hồi sản xuất.
Quy định này đã giúp nhiều khoản nợ không bị rơi vào nợ xấu. Trả lời chất vấn tại phiên họp thường kỳ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hồi cuối tháng 9/2014, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết, trong số hơn 300.000 tỷ đồng nợ được cơ cấu lại (tính tới thời điểm đó), có 157.000 tỷ đồng, nếu không cơ cấu sẽ thành nợ xấu, làm nợ xấu tăng lên. Như vậy, khi quy định trên không còn hiệu lực, nợ xấu tất yếu sẽ tăng khi nền kinh tế vẫn chưa hết khó khăn.
“Tăng trưởng tín dụng đã nhúc nhích hơn so với các năm trước nhưng tình hình chung chưa hết khó khăn, do đó, nợ tăng, đặc biệt là nhóm 2, là điều chắc chắn xảy ra. Tuy nhiên, tỷ lệ nợ chưa tăng ngay trong tháng 4 mà phải theo kỳ, nghĩa là đến 30/6 hoặc 30/9 mới được thể hiện”, Tổng giám đốc một ngân hàng TMCP thừa nhận.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch HĐTV Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) cũng cho rằng, những khoản nợ lâu ngày không thu được lãi, chưa trả được nợ gốc vẫn chưa xử lý xong được cơ cấu lại theo Quyết định 780, nhưng khi quyết định này không còn hiệu lực sẽ phát sinh nợ xấu.
Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng, điều đó cũng đồng nghĩa với việc bức tranh nợ xấu sẽ trở nên minh bạch hơn khi các ngân hàng khó có thể tránh né phân loại nợ chính xác cũng như không thể nhảy nhóm. Khi đó, nợ xấu tăng lên, buộc ngân hàng phải trích lập dự phòng rủi ro cũng như quyết liệt hơn trong việc xử lý nợ xấu.
Từ cuối năm ngoái, các TCTD đã lên kế hoạch bán nợ cho VAMC, làm sạch bảng cân đối |
Ngân hàng đã chuẩn bị trước
ĐHCĐ của một số ngân hàng vừa diễn ra đã thông qua mức chia cổ tức thấp hơn so với mọi năm như VIB giảm từ 11% xuống còn 9%, LienVietPostBank từ 11% xuống còn 6%... là điều không bất ngờ đối với các cổ đông. Lý do bởi 3 năm trở lại đây, NHNN đều có văn bản chỉ đạo các TCTD phải trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ trước khi nghĩ đến việc chia cổ tức, lương thưởng… Tuy nhiên, quan trọng hơn việc không chia hay giảm tỷ lệ cổ tức, là bức tranh nợ xấu của ngành có khả năng sẽ tăng sau thời điểm 1/4 khi Quyết định 780 hết hiệu lực.
Lường trước câu chuyện xử lý nợ xấu, NHNN đã đưa ra nhiều giải pháp cụ thể. Ngày 27/1/2015, Thống đốc NHNN đã ban hành Chỉ thị số 02 về tăng cường xử lý nợ xấu của TCTD. Theo đó, để tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp xử lý nợ xấu của các TCTD, phấn đấu đưa tỷ lệ nợ xấu về mức dưới 3% đến cuối năm 2015, Thống đốc yêu cầu các TCTD triển khai các biện pháp kiểm soát nợ xấu phát sinh mới và nâng cao chất lượng tín dụng. Xây dựng và báo cáo NHNN kế hoạch xử lý nợ xấu năm 2015, trong đó có các giải pháp về sử dụng dự phòng rủi ro, bán nợ xấu cho VAMC, đảm bảo đến ngày 30/6/2015 phải xử lý được tối thiểu 60% số nợ xấu phải xử lý theo kế hoạch năm 2015.
“Riêng chỉ tiêu bán nợ xấu cho VAMC phải đạt không dưới 75% tổng số nợ xấu dự kiến bán cho VAMC cả năm 2015, để đến cuối năm đưa nợ xấu về mức dưới 3% tổng tài sản có được phân loại”, Thống đốc nhấn mạnh.
Cũng trong Chỉ thị 02, Thống đốc cũng yêu cầu các TCTD nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn hoạt động ngân hàng, cơ cấu lại nợ, phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro. Nghiêm cấm sử dụng biện pháp che dấu nợ xấu, phản ánh sai lệch chất lượng tín dụng và kết quả kinh doanh. Nghiêm cấm lợi dụng việc xử lý nợ xấu để trục lợi, vi phạm pháp luật, gây thiệt hại cho TCTD.
Đối với VAMC, Thống đốc chỉ đạo thực hiện việc mua, bán, xử lý nợ xấu theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm an toàn, hiệu quả. Tiếp tục kiện toàn tổ chức, hoàn thiện bộ máy và các thủ tục, chính sách, quy định nội bộ về các hoạt động nghiệp vụ và quản trị, điều hành. Đồng thời, tiếp xúc, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài tham gia mua, xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm; nâng cao năng lực tài chính và tăng vốn điều lệ của VAMC; tăng cường năng lực định giá, đánh giá tài sản, tổ chức bán đấu giá nợ, tài sản bảo đảm của khoản nợ đã mua.
“Việc phải thực hiện Thông tư 02, 09 và dỡ bỏ Quyết định 780 sẽ có sự liên thông với nhau, nợ xấu ở TCTD này có liên quan đến TCTD khác, vì vậy, VAMC đã có kế hoạch rất cụ thể ngay từ đầu để các TCTD cũng phải xác định được việc bán nợ, thông qua đó, nâng cao hơn nữa trách nhiệm trong việc tái cấu trúc các khoản nợ”, ông Hùng nói và cho biết, các TCTD cũng nhìn nhận được vấn đề này và từ cuối năm ngoái đã lên kế hoạch bán nợ. Trên cơ sở đó, VAMC trình NHNN kế hoạch phát hành trái phiếu đặc biệt để mua nợ xấu.
Ngày 5/3/2015, Thống đốc NHNN đã chấp thuận phương án phát hành trái phiếu đặc biệt năm 2015 của VAMC. Cụ thể, VAMC được phát hành tối đa 80.000 tỷ đồng trái phiếu đặc biệt từ 1/1/2015 đến 31/12/2015, thời hạn trái phiếu tối đa là 5 năm.
NHNN cho biết, theo báo cáo của các TCTD đến cuối tháng 10/2014, tổng nợ xấu nội bảng xấp xỉ 167 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 3,9% tổng dư nợ. Về cơ cấu lại nợ, ước tính đến cuối tháng 10/2014, tổng số dư các khoản nợ được giữ nguyên nhóm nợ khi thực hiện theo Quyết định 780/QĐ-NHNN và Thông tư 09/2014/TT-NHNN là khoảng 315 nghìn tỷ đồng, giảm xấp xỉ 49 nghìn tỷ đồng so với tháng 12/2013. Về kết quả xử lý nợ xấu, số liệu các TCTD báo cáo, tổng các khoản nợ xấu được xử lý trong 10 tháng năm 2014 ước 77 nghìn tỷ đồng. Về hoạt động của VAMC, tính đến 21/12/2014, VAMC đã duyệt mua được 80 nghìn tỷ đồng nợ xấu với giá mua nợ là 65 nghìn tỷ đồng. Tính lũy kế kể từ khi thành lập và hoạt động đến 21/12/2014, VAMC đã duyệt mua được 118 nghìn tỷ đồng nợ xấu, với giá mua nợ 98 nghìn tỷ đồng. |
Cho VAMC phát hành trái phiếu mua nợ xấu () Chính phủ vừa ban hành Nghị định 34/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 53/2013/NĐ-CP ngày 18/5/2013 về thành lập, tổ chức và hoạt động của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), trong đó, Nghị định bổ sung quy định VAMC được phát hành trái phiếu để mua nợ xấu theo giá trị thị trường. Nghị định có hiệu lực từ ngày mai, 5/4/2015. |
Không dùng ngân sách tái cơ cấu các tổ chức tín dụng () Trước một số ý kiến cho rằng, trong khi chủ trương mua lại các ngân hàng thua lỗ của Ngân hàng Nhà nước chưa có hiệu quả rõ ràng thì Ngân hàng Nhà nước lại phải ôm vào một khoản nợ xấu lớn, rất khó xử lý và nguy cơ mất vốn cao, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên khẳng định, quan điểm nhất quán của Chính phủ là không sử dụng ngân sách nhà nước để cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng nói chung và mua lại, xử lý ngân hàng yếu kém nói riêng. |
Áp chỉ tiêu bán nợ xấu là cần thiết () Việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) áp chỉ tiêu bán nợ xấu cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đối với một số ngân hàng thương mại là điều cần thiết. |
Chủ tịch VAMC: “Bán nợ cũng phải xếp hàng" Trong cuộc trò chuyện với PV, ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch HĐTV Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đã thẳng thắn chia sẻ về kế hoạch hoạt động của Công ty trong năm 2015. |
Nhuệ Mẫn (Tinnhanhchungkhoan.vn)