Nghị quyết số 42 có hiệu lực sau chưa đầy 2 tháng kể từ ngày được ban hành. Nhưng đến nay, vấn đề nợ xấu vẫn còn nhiều vướng mắc và Quốc hội lại phải tiếp tục “ra tay”.
Ý thức trả nợ của khách hàng đã cải thiện đáng kể sau khi Điều 7, Nghị quyết số 42/2017/QH14 cho phép tổ chức tín dụng thu giữ tài sản đảm bảo. Ảnh: Đ.T |
Khách hàng tự trả nợ có chuyển biến rõ nét
Theo chương trình dự kiến của Kỳ họp Quốc hội thứ 10 (khai mạc ngày 20/10 tới), kết quả 3 năm thực hiện Nghị quyết số 42 sẽ được thảo luận cả ở tổ và hội trường.
“Dấu ấn” của sự ra đời nghị quyết này rất đậm nét, bởi thời điểm đó, theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng, nợ xấu của hệ thống lên đến hơn 10% tổng dư nợ, nếu tính cả các khoản “nguy cơ cao”.
Vì thế, dù Báo cáo Tiếp thu, giải trình trước khi Quốc hội biểu quyết thể hiện 14 vấn đề còn có ý kiến khác nhau, song đa số đại biểu vẫn bấm nút tán thành để giúp các tổ chức tín dụng có nhiều quyền năng hơn trong xử lý nợ xấu, đặc biệt là giải phóng tài sản bảo đảm.
Vậy đến nay, các cơ chế đặc thù đã phát huy thế nào?
Kết quả kiểm toán, thông tin từ chính các tổ chức tín dụng được chọn thí điểm và đánh giá từ chuyên gia đều cho thấy, chuyển biến trong việc khách hàng tự trả nợ là rõ nét hơn cả.
Trước khi có Nghị quyết số 42, nợ xấu của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng chủ yếu được xử lý bằng dự phòng rủi ro, các biện pháp xử lý nợ xấu thông qua xử lý tài sản đảm bảo và khách hàng trả nợ còn chưa cao.
Từ khi Nghị quyết số 42 có hiệu lực, từ ngày 15/8/2017 đến ngày 31/5/2020, xử lý nợ xấu nội bảng xác định theo Nghị quyết số 42 chủ yếu thông qua hình thức khách hàng trả nợ là 121.400 tỷ đồng (chiếm khoảng 40,1% tổng nợ xấu nội bảng theo Nghị quyết số 42 đã xử lý), cao hơn tỷ trọng nợ xấu được xử lý do khách hàng tự trả nợ/tổng nợ xấu nội bảng đã xử lý trung bình năm từ năm 2012 đến 2017 khoảng 22,8%.
Những con số từ Ngân hàng TMCP Sacombank, một trong 6 tổ chức tín dụng được chọn để thí điểm xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42 là minh chứng rõ rệt. Trong một báo cáo phát hành vào tháng 7/2020, ngân hàng này cho biết, tại thời điểm 14/8/2017, nợ xấu của Sacombank là 61.519 tỷ đồng/260.745 tỷ đồng tổng dư nợ theo Nghị quyết số 42 (chiếm 23,59%). Đến thời điểm 31/3/2020, nợ xấu chỉ còn 36.655 tỷ đồng.
Trong 3 năm, từ năm 2017 đến 2019, tỷ lệ nợ xấu nội bảng được Sacombank xử lý lần lượt là 1.107 tỷ đồng; 3.315 tỷ đồng và 848 tỷ đồng, thì chiếm đến hơn 90% là do khách hàng tự trả nợ (lần lượt qua các năm là 1.042 tỷ đồng; 3.259 tỷ đồng và 724 tỷ đồng).
Theo kết quả kiểm toán, việc thực hiện Nghị quyết số 42 được Kiểm toán Nhà nước ban hành tháng 12/2019 (gửi đến ủy ban của Quốc hội tháng 7/2020), lũy kế từ ngày 15/8/2017, khi Nghị quyết bắt đầu có hiệu lực, đến ngày 31/12/2018, đã xử lý được 198.841 tỷ đồng nợ xấu (không tính biện pháp sử dụng dự phòng rủi ro, bán cho Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam - VAMC - thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt), trung bình khoảng 11.690 tỷ đồng/tháng, cao hơn 1.580 tỷ đồng/tháng so với kết quả xử lý trung bình từ năm 2012 - 2017 của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng trước khi Nghị quyết số 42 có hiệu lực (khoảng 10.100 tỷ đồng/tháng).
Tuy nhiên, hình thức thu nợ chủ yếu là khách hàng tự trả nợ với trị giá 81.564 tỷ đồng, tương ứng 41% số nợ nội bảng được xử lý (trung bình giai đoạn 2012 - 2017 là 22,8%), phản ánh ý thức trả nợ của khách hàng đã cải thiện đáng kể sau khi Điều 7, Nghị quyết 42 cho phép tổ chức tín dụng thu giữ tài sản đảm bảo.
Nhiều biện pháp chưa được áp dụng
Đáng chú ý, theo đánh giá của Kiểm toán Nhà nước, Nghị quyết số 42 gồm 6 nhóm biện pháp xử lý nợ xấu, thì các tổ chức tín dụng chủ yếu mới thực hiện được theo hình thức thu giữ tài sản đảm bảo và bán nợ theo giá thị trường. Các biện pháp khác như áp dụng thủ tục rút gọn tại tòa án trong tranh chấp liên quan đến tài sản đảm bảo, xử lý tài sản đảm bảo và dự án bất động sản, kê biên tài sản đảm bảo của bên phải thi hành án, hoàn trả tài sản đảm bảo là vật chứng trong vụ án hình sự chưa được áp dụng.
Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là do việc chậm hướng dẫn của hàng loạt cơ quan liên quan. Cụ thể, Bộ Tài nguyên và Môi trường chậm hướng dẫn thủ tục đăng ký quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất trong trường hợp các cá nhân mua lại khoản nợ và nhận chính tài sản đó để cấn trừ nợ theo Điều 6, Nghị quyết số 42, khiến cơ quan đăng ký biến động đất đai chưa thực hiện đăng ký biến động đất đai cho người trúng đấu giá tài sản thu giữ.
Tính đến ngày 31/8/2019, Bộ Tư pháp vẫn chưa hỗ trợ giải quyết khó khăn, vướng mắc đối với trường hợp đăng ký giao dịch đảm bảo thiếu chữ ký của bên thế chấp. Bộ Tài chính chậm xử lý vấn đề về cách thức thanh toán khoản thuế, phí liên quan trong quá trình xử lý tài sản đảm bảo. Tòa án Nhân dân tối cao vẫn chưa “quán triệt” việc triển khai xử lý theo thủ tục rút gọn đến tòa án nhân dân các cấp, nên thời điểm đó vẫn chưa có bản án nào được xét xử theo quy định của thủ tục rút gọn. Kiểm toán Nhà nước nhận định, đây là một trong những nguyên nhân làm ảnh hưởng đến kết quả thu hồi nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
Cơ quan kiểm toán cũng nhấn mạnh, điểm nổi bật của Nghị quyết số 42 là các tổ chức tín dụng được quyền thu giữ tài sản đảm bảo khi đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định tại Nghị quyết. Khoản 5, Điều 7, Nghị quyết số 42 quy định chính quyền địa phương và công an các cấp có trách nhiệm hỗ trợ các tổ chức tín dụng trong quá trình thu giữ tài sản đảm bảo. Tuy nhiên, hiện nay, Bộ Công an chưa có hướng dẫn đơn vị tiếp nhận và đơn vị hỗ trợ thực hiện trong quá trình thu giữ là cấp nào để đảm bảo quá trình thu giữ được thành công.
Một trong những kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước với Ngân hàng Nhà nước là nghiên cứu báo cáo của Chính phủ, xem xét trình Quốc hội sửa đổi nội dung quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 7, Nghị quyết số 42 theo hướng tổ chức tín dụng được quyền thu giữ khi tài sản đảm bảo đã được các bên ký hợp đồng thế chấp theo đúng quy định của pháp luật hiện hành, kể cả khi khách hàng không hợp tác.
Trong một báo cáo mới phát hành, Chính phủ thống kê 11 khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Nghị quyết số 42, từ công tác triển khai hướng dẫn, bán nợ xấu, quyền thu giữ tài sản đảm bảo...
Về đối tượng tham gia thị trường mua bán nợ, theo Chính phủ, việc mua bán nợ xấu chủ yếu diễn ra giữa tổ chức tín dụng và 2 đơn vị mua nợ chính là VAMC và Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC), thiếu những nhà đầu tư khác trong nước và nước ngoài. Nguyên nhân là do điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ khá phức tạp, yêu cầu về vốn cao; Nghị định số 69/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 về điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ chưa quy định rõ đầu mối tạo lập, phát triển thị trường giao dịch mua bán nợ. Đội ngũ môi giới mua, bán nợ chuyên nghiệp còn thiếu.