Doanh nghiệp
Nỗi lo lượng nhập khẩu 4 tháng đầu năm giảm
Minh Nhung - 08/05/2022 16:21
Lượng nhập khẩu nhiều mặt hàng trong 4 tháng đầu năm giảm so với cùng kỳ năm trước. Việc này tuy góp phần làm tăng xuất siêu, nhưng lo nhiều hơn mừng.
Ảnh minh họa

Trong 4 tháng đầu năm, những mặt hàng nhập khẩu (có số liệu thống kê) đã giảm về lượng bao gồm hạt điều (giảm 31,1%), lúa mì (giảm 9,6%), ngô (giảm 23,9%), than (giảm 24,4%), phân bón (giảm 1,2%), giấy (giảm 6,6%), bông (giảm 18,6%), xơ sợi dệt các loại (giảm 19%), phế liệu sắt thép (giảm 34,1%), sắt thép các loại (giảm 24,1%), kim loại thường khác (giảm 3,8%)…

Lượng nhập khẩu giảm có tác động đến cán cân thương mại (4 tháng đầu năm nay xuất siêu 2,529 tỷ USD, tăng gần 1 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước). Tuy nhiên, nhập khẩu giảm lại tác động tiêu cực đến đầu vào của sản xuất hàng hóa sử dụng trong nước, của sản xuất hàng hóa xuất khẩu và giảm hàng hóa tiêu dùng. Theo đó, tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng xuất khẩu, yêu cầu cải thiện đời sống cũng bị tác động tiêu cực.

Lượng nhập khẩu giảm do 2 nguyên nhân: nguồn cung tiếp tục bị đứt gãy và giá nhập khẩu tăng cao.

Nguồn cung bị gián đoạn

Trước hết, cần xem xét các thị trường lớn về lượng nhập khẩu các mặt hàng trên trong quý I năm nay.

Hạt điều có 6 thị trường lớn, gồm Campuchia, Tanzania, Bờ biển Ngà, Nigeria, Gana, Indonesia. Thị trường quan trọng cần xem xét là Campuchia, bởi lượng nhập khẩu lớn, trong đó có một số thị trường khác đã sử dụng thị trường này để được hưởng ưu đãi về thuế suất khi xuất khẩu sang Việt Nam.

Lúa mì có 5 thị trường lớn, trong đó lớn nhất là Australia, tiếp đến Brazil, Mỹ, Canada, Ấn Độ. Cần tăng nhập khẩu từ Mỹ để giảm mức xuất siêu của Việt Nam với thị trường này.

Ngô có 5 thị trường lớn, với thị trường lớn nhất là Argentina, tiếp đến là Ấn Độ, Brazil, Lào, Thái Lan. Cần tăng nhập khẩu ngô từ Mỹ để giảm xuất siêu sang thị trường này.

Than có 6 thị trường lớn, trong đó lớn nhất là Australia, tiếp đến là Indonesia, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Malaysia. Cần xem xét giảm bớt nhập khẩu từ Trung Quốc để giảm nhập siêu với thị trường này.

Khí đốt có 6 thị trường lớn, với thị trường lớn nhất là Trung Quốc, tiếp đến là Saudi Arabia, Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Hàn Quốc. Cần xem xét giảm nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc để giảm nhập siêu lớn từ thị trường này.

Phân bón có 14 thị trường chủ yếu, với thị trường lớn nhất là Trung Quốc, Nhật Bản, Nga, Canada, Israel, Hàn Quốc, Lào, Indonesia, Na Uy, Malaysia, Philippines, Đài Loan, Đức, Thái Lan. Cần xem xét giảm nhập khẩu từ Trung Quốc.

Giấy có 15 thị trường lớn, trong đó, thị trường lớn nhất là Trung Quốc, tiếp đến là Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Đài Loan, Malaysia, Nga, Thụy Điển, Phần Lan, Mỹ, Singapore, Italy, Đức, Philippines. Cần xem xét giảm nhập khẩu từ Trung Quốc.

Bông có 9 thị trường lớn, với thị trường lớn nhất là Brazil, tiếp đến là Mỹ, Ấn Độ, Australia, Argentina, Hàn Quốc, Bờ biển Ngà, Indonesia, Pakistan. Cần xem xét tăng nhập khẩu từ thị trường Mỹ.

Xơ sợi dệt có 10 thị trường lớn, với các thị trường lớn nhất là Trung Quốc, Đài Loan, Indonesia, Thái Lan, Ấn Độ, Malaysia, Nhật Bản, Ba Lan, Anh, Pakistan. Cần xem xét giảm nhập khẩu từ Trung Quốc.

Phế liệu sắt thép có 16 thị trường chủ yếu, với thị trường lớn nhất là Nhật Bản, tiếp là Mỹ, Hồng Kông, Australia, Singapore, Campuchia, Ba Lan, New Zealand, Các tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất, Chile, Philippines, Canada, Đài Loan, Malaysia, Nam Phi, Mexico. Cần xem xét tăng nhập khẩu từ thị trường Mỹ.

Sắt thép có 17 thị trường chủ yếu, với thị trường lớn nhất là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Nga, Brazil, Thái Lan, Italy, Malaysia, Australia, Đức, Nam Phi… Cần xem xét giảm nhập khẩu từ Trung Quốc.

Kim loại thường khác có 18 thị trường chủ yếu, với thị trường lớn nhất là Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia, Nhật Bản, Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Đài Loan, CHND Công Gô, Philippines, Nga, Brazil… Cần xem xét giảm nhập khẩu từ Trung Quốc.

Vấn đề đặt ra là giữ cho được và phát triển ở một số thị trường, đồng thời cần mở rộng ra các thị trường khác để ngăn chặn sự đứt gãy nguồn cung, cải thiện cán cân thương mại, đồng thời xem xét giảm xuất khẩu của Việt Nam.

Giá nhập khẩu tăng

Nguyên nhân do giá cả nhập khẩu tăng đã được đề cập nhiều. Thực tế, giá nhập khẩu tăng khá cao so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, giá than đá tăng 195,6%; phân bón tăng 75,4%; xăng dầu tăng 55,4%; khí đốt hóa lỏng tăng 51,8%; bông tăng 51,6%; sắt thép tăng 43%; ngô tăng 31%; phế liệu sắt thép tăng 21,2%; kim loại thường khác tăng 16,8%; sợi dệt tăng 16,6%; giấy tăng 13,6%; chất dẻo tăng 12,4%…

Diễn biến trên đặt ra hai vấn đề.

Một là, tăng sản xuất ở trong nước, giảm xuất khẩu một số mặt hàng để giảm nhập khẩu.

Hai là, dù giá cả tăng, nhưng nếu không tranh thủ nhập khẩu, thì vừa đứt gãy nguồn cung, vừa khó đáp ứng yêu cầu ở trong nước.

Tin liên quan
Tin khác