Gần đây, vụ nhiều học sinh bị ngộ độc do ăn kẹo lạ mua ở cổng trường một lần nữa dấy lên nỗi lo lắng của phụ huynh về nguy cơ mất an toàn thực phẩm.
Những loại thực phẩm bắt mắt di động và cố định cạnh cổng trường đã được cảnh báo nhiều vì chứa đựng nhiều nguy cơ về mất an toàn vệ sinh thực phẩm. |
Trên địa bàn TP Hà Nội vừa có vụ việc nhiều học sinh Trường THCS Nguyễn Quý Đức (quận Nam Từ Liêm) đau đầu, buồn nôn khi cùng ăn một loại kẹo không rõ nguồn gốc, bao bì in chữ nước ngoài. Đây là các học sinh không ăn bán trú, không ngủ trưa ở trường.
Theo lời kể lại của các em, trên đường đi đến trường, các học sinh này mua một loại kẹo (không rõ nguồn gốc, vỏ bao kẹo màu xanh, chữ nước ngoài) và cùng chia nhau ăn. Sau khi học sinh ăn xong khoảng 45 phút thì có dấu hiệu mệt, đau đầu, buồn nôn.
Trước vụ việc nêu trên, Công an phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm cũng vừa tiến hành kiểm tra cửa hàng tạp hoá tại số 19/8 phố Quang Tiến. Tại đây, lực lượng chức năng thu giữ 66 gói nylon màu xanh có hình gấu, quả đào, dâu tây, coca, ô mai, bên ngoài bao bì có nhãn hiệu nước ngoài.
Công an phường Đại Mỗ đang chờ trưng cầu giám định. UBND phường Đại Mỗ chỉ đạo các nhà trường trên địa bàn tuyên truyền, nhắc nhở học sinh không sử dụng thực phẩm nguồn gốc không rõ ràng, không bảo đảm vệ sinh.
Một vụ việc nghiêm trọng khác là nhiều học sinh của Trường THCS thị trấn Cái Rồng (ở khu 3 thị trấn Cái Rồng, huyện Vân Đồn, Quảng Ninh) có biểu hiện ngộ độc sau khi ăn kẹo mua ở cổng trường học.
Loại kẹo mà các học sinh đã mua có vỏ màu xanh, nhãn mác Haiyan cùng dòng chữ nước ngoài, không có tem phụ chữ Việt.
Lực lượng chức năng huyện Vân Đồn đã gửi mẫu kẹo trên tới cơ quan chuyên môn để xét nghiệm kiểm tra thành phần trong kẹo; yêu cầu các trường học, gia đình trên địa bàn tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở học sinh không được mua và sử dụng các loại bánh kẹo không rõ nguồn gốc.
Các chuyên gia y tế cảnh báo, các loại đồ ăn, thức uống bày bán ở cổng trường học rất phong phú, màu sắc bắt mắt, rẻ tiền và hấp dẫn trẻ nhỏ như xúc xích, que cay, thạch dừa, nước ngọt có ga…mọc lên như nấm khu vực xung quanh trường học.
Phần nhiều trong số này không có nhãn mác hoặc có nhãn mác chữ nước ngoài. Giá của những đồ ăn vặt này cũng rất rẻ với học sinh, chỉ 1.000-5.000 đồng mỗi loại.
Thiết nghĩ, thức ăn đường phố sở dĩ thu hút thực khách bởi giá rẻ và dễ tiếp cận. Nhưng giới chuyên gia cũng nhận định, giá rẻ kèm theo tiềm ẩn nhiều nguy cơ.
Theo các chuyên gia y tế, tất cả thực phẩm không rõ nguồn gốc, không được bảo quản và chế biến theo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm đều có thể gây ngộ độc cho người sử dụng.
Số liệu từ Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho thấy, có tới 70-80% thức ăn đường phố, trong đó có quà vặt cổng trường được xác định là bị nhiễm khuẩn như E.coli, gây tiêu chảy, bệnh đường ruột.
Ngoài nguy cơ ngộ độc cấp tính, gây tiêu chảy, nôn mửa, đau đầu, khó thở…, các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc, sản xuất không đúng quy trình bày bán ở gần cổng các trường học còn tiềm ẩn nhiều mối nguy hại lâu dài cho sức khỏe mà không có biểu hiện ngay ra bên ngoài, gây ra các bệnh mạn tính như: Béo phì, tim mạch, đái tháo đường, thậm chí gây ung thư.
Liên quan đến việc ngộ độc thực phẩm sau khi ăn một số loại kẹo màu sắc ở cổng trường diễn ra ở một vài tỉnh, thành phố gần đây, TS. Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, học sinh ăn phải kẹo lạ có chứa chất độc hại, thậm chí chất gây nghiện có thể gây ngộ độc, xuất hiện triệu chứng đau đầu, đau bụng, buồn nôn, thậm chí sốt do nhiễm khuẩn, một số trường hợp có thể bị tiêu chảy, gây mất nước mệt mỏi.
Để hạn chế nguy cơ trẻ tiếp xúc với các loại kẹo lạ, ảnh hưởng đến sức khỏe cha mẹ tuyệt đối không cho tiền con mua đồ ăn vặt tại trường.
Hạn chế ăn vặt đối với trẻ, nhắc nhở trẻ ăn những loại đồ ăn rõ nguồn gốc, không ăn, uống thực phẩm lạ ngoài khu vực trường học. Bởi những sản phẩm này tiềm ẩn nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm, gây ngộ độc”, bác sĩ Nguyên khuyến cáo,.
Trường hợp trẻ ăn phải các loại kẹo lạ, xuất hiện dấu hiệu hưng phấn, kích thích, đau đầu hay buồn nôn, thầy cô giáo và bố mẹ cần đưa ngay trẻ tới ngay các cơ sở y tế. Khi trẻ mang các sản phẩm kẹo lạ về nhà, cha mẹ cần quan sát, không nên để trẻ ăn. Nếu trẻ đã ăn phải kẹo lạ, cha mẹ nên theo dõi sát biểu hiện của con.
Thông thường, nếu thực phẩm có vấn đề, trẻ sẽ có các phản ứng, triệu chứng biểu hiện sau khi ăn khoảng 15 - 30 phút. Nếu thấy trẻ có các biểu hiện như đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy, hoặc những biểu hiện kích thích, mệt mỏi, khó thở, cần đưa trẻ tới cơ sở y tế gần nhất để được các bác sĩ xử lý.
Hiện nay, các lại kẹo lạ, màu sắc bắt mắt có rất nhiều loại, không chỉ có nguy cơ gây ngộ độc mà nguy hiểm hơn còn có thể chứa các chất gây nghiện, điều này là cực kỳ nguy hiểm đối với trẻ nhỏ.
Đại diện Bệnh viện Bạch Mai cho hay, trước đây, Trung tâm từng tiếp nhận nhiều bệnh nhân ngộ độc do sử dụng ma túy dưới dạng thực phẩm như bánh, kẹo, nước giải khát. Việc sử dụng thực phẩm chứa ma túy có thể dẫn tới tình trạng ngộ độc tức thời như thần kinh bị lẫn lộn, hôn mê, co giật, rối loạn tâm thần; loạn nhịp tim, tăng huyết áp, tụt huyết áp, suy hô hấp...thậm chí dẫn đến tử vong.
Không những thế, ngộ độc cần sa qua đường hít hay ăn uống có thể dẫn tới tình trạng giảm khả năng phối hợp động tác, giảm khả năng phán xét, gây ức chế thần kinh trung ương, rối loạn ý thức.
Đặc biệt, trẻ em có thể bị hôn mê tới 36 giờ nếu sử dụng các loại bánh, kẹo, nước ngọt có chứa chất này. Ma túy tổng hợp tinh chất có giá thành cao, nhưng loại kẹo chứa ma túy thường được làm từ loại không tinh chất, giá thành rẻ.
"Mục đích của đối tượng xấu là lôi kéo học sinh sử dụng các loại bánh, kẹo, nước ngọt giá rẻ, sau đó dùng đến các sản phẩm đắt tiền hơn”, TS.Nguyễn Trung Nguyên cho biết thêm.
Vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo cha mẹ không nên cho con tiền để hạn chế nguy cơ trẻ mua đồ ăn vặt không đảm bảo an toàn bày bán trước cổng trường.