Đầu tư
Nỗi lo mặt bằng đe dọa dự án BOT
Anh Minh - 14/06/2013 14:39
Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) đang tiến rất sát mục tiêu khởi công toàn bộ 17 dự án BOT mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Thanh Hóa - Cần Thơ trong quý II/2013. Nhưng sau khi nỗi lo về vốn được loại trừ, nguy cơ lớn nhất đang đe dọa tiến độ các dự án BOT chính là công tác đền bù, giải phóng mặt bằng.
TIN LIÊN QUAN

Việc mở rộng Quốc lộ 1 dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2015. Ảnh: A.M

“Đã có bước tiến dài trong việc triển khai các dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 được đầu tư theo hình thức xây dựng - khai thác - chuyển giao (BOT)”, Thứ trưởng Bộ GTVT Trương Tấn Viên đánh giá tại cuộc họp rà soát tiến độ tổng thể việc cải tạo 1.274 km tuyến đường huyết mạch xuyên Việt được tổ chức vào giữa tuần này.

Theo Ban Quản lý dự án PPP (Bộ GTVT), tính đến ngày 12/6 (tức là sau 3 tháng kể từ khi bộ này tổ chức Hội nghị triển khai các dự án mở rộng Quốc lộ 1), đã có 1 dự án BOT xây dựng hầm và 14 dự án nâng cấp, mở rộng đường (với tổng chiều dài 447 km, tổng mức đầu tư lên tới 24.151 tỷ đồng) được khởi công xây dựng.

Được biết, ngoại trừ 125,4 km Quốc lộ 1 đoạn Km1720 +800 - Km1851 +714 nối Bình Thuận và Đồng Nai chỉ thảm lại mặt và giữ nguyên quy mô mặt đường, tất cả các dự án BOT còn lại đều tiến hành nâng cấp, mở rộng tuyến đường hiện hữu thành đường 4 làn xe, đạt vận tốc thiết kế 60 – 80 km/giờ.

Nếu tính cả công trình xây dựng hầm Đèo Cả đầu tư theo hình thức BOT, xây dựng - chuyển giao (BT), thì tổng nguồn vốn mà Bộ GTVT đã huy động được để dồn cho việc mở rộng Quốc lộ 1 đã lên tới gần 40.000 tỷ đồng.

“Bộ GTVT đang đẩy nhanh tiến trình đàm phán, lựa chọn nhà đầu tư cho hai dự án BOT Quốc lộ 1 cuối cùng, đó là đoạn Đồng Nai - Biên Hòa (dài 70 km, tổng mức đầu tư 4.000 tỷ đồng) và đoạn Cần Thơ - Phụng Hiệp (dài 22 km, tổng mức đầu tư 1.650 tỷ đồng) để có thể khởi công trong quý II/2013”, ông Lê Anh Tuấn, Tổng giám đốc Ban PPP (Bộ GTVT) cho biết.

Theo ông Hà Hùng, Tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5 (Cienco5) - nhà đầu tư Dự án BOT Quốc lộ 1 đoạn qua Quảng Nam, việc Chính phủ cho ban hành cơ chế đặc thù đối với các dự án mở rộng Quốc lộ 1 thực sự là bước đột phá, khiến bài toán tài chính dự án có tính khả thi cao.

Cụ thể, tại tất cả các dự án BOT Quốc lộ 1, nhà đầu tư được phép thu phí hoàn vốn dự án với mức giá bằng 3,5 lần giá vé theo quy định tại Thông tư số 90/2004/TT-BTC của Bộ Tài chính. Mức giá vé được phép 3 năm điều chỉnh một lần, mỗi lần tăng 15%.

Ngoài ra, đối với các doanh nghiệp nhà nước, như Cienco5, “vòng kim cô” về việc đầu tư vốn vào dự án cũng được tháo khi không bị khống chế bởi các quy định của Nghị định số 108/2009/NĐ-CP về tỷ lệ vốn đầu tư ra ngoài ngành.

“Đây một lối mở hết sức quan trọng, bởi dù là doanh nghiệp nhà nước có kinh nghiệm và năng lực thi công cầu đường, nhưng vốn chủ sở hữu của đơn vị này hiện chỉ có khoảng 380 tỷ đồng”, ông Hà Hùng cho biết.

Cũng cần phải nói thêm rằng, 15 dự án BOT Quốc lộ l đều đã ký được các hợp đồng tài trợ vốn với 3 tổ chức tín dụng, là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam và Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội.

Theo một lãnh đạo Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT), sau khi nỗi lo về vốn được loại trừ, nguy cơ lớn nhất đang đe dọa tiến độ các dự án BOT chính là công tác đền bù, giải phóng mặt bằng.

“Nếu chính quyền các địa phương có tuyến đường đi qua không quyết liệt triển khai công tác giải phóng mặt bằng, thì sẽ rất khó để các nhà đầu tư hoàn thành việc mở rộng, nâng cấp Quốc lộ 1 vào cuối năm 2015”, ông Viên thừa nhận.

Tin liên quan
Tin khác