Mưa lũ đã làm thiệt hại nặng nề cho tỉnh Lào Cai |
Có 16.808 cột điện bị gãy đổ, 88 nhà bị sập, 32.000 ngôi nhà bị tốc mái; 5.620 nhà bị ngập nước. Bão số 1 cũng khiến trên 215.000 ha lúa bị ngập úng, hơn 15.000 ha cây trồng lâu năm, cây ăn quả bị phá hủy; 60.000 cây xanh bị đổ, gãy; gần 80.000 gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi. Ngoài ra, gần 13.000 lồng bè và gần 9.000 hec ta nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng. Ước tính tổng thiệt hại ban đầu trên 3.400 tỷ đồng.
Mới một cơn bão của năm 2016 đi qua và chưa phải cơn bão lớn, mà đã gây mất điện 4 tỉnh, mấy ngày sau chưa khôi phục xong. Người dân cả đô thị và nông thôn lâu nay đã quen có điện, đồ dùng trong nhà từ phòng ngủ tới nhà bếp đều dùng thiết bị điện, mất điện, cuộc sống sẽ đảo lộn. Đấy là nói về đời sống hàng ngày. Còn sản xuất, không có điện, không chạy được máy bơm tiêu nước, mấy vạn héc ta lúa mới cấy coi như mất trắng, phải cấy lại. Ấy là chưa kể các thiệt hại khác, tốn kém hơn, cần nhiều thời gian hơn mới khắc phục được
Vậy sao để tình trạng ấy xảy ra? Trả lời câu hỏi trên, một vị có trách nhiệm của tỉnh Nam Định đã đổ lỗi cho dự báo sai. Cứ cho là do dự báo sai đi, nhưng tại sao chỉ một cơn bão mà có đến 16.808 cột điện gãy đổ và ở nhiều cột gãy, người ta thấy lượng cốt thép đã bị bớt xén, không đúng thiết kế. Đến câu hỏi này thì vị có trách nhiệm kia đành trả lời bừa: Những cột đó (những cột đổ gãy do cốt thép bị bớt xén, có cột không thấy sợi thép nào) là vẫn đúng thiết kế quy định cho đường dây trung áp, hạ áp.
Nhưng thôi, chúng ta không nói một người, chúng ta nói về thói quen tắc trách, làm ăn gian dối lâu nay đã thành lệ của một ngành. Giống như công nhân xây dựng cầu thay cốt thép bằng tre vì nghĩ rằng mấy khi cốt bê tông lan can cầu đã gãy để lộ cách làm ăn gian dối, những công nhân đường dây của ngành điện chắc cho rằng bão thì mấy chục năm không đến, cột điện đứng giữa đồng, nên có bớt đi chút thép bên trong, ai mà biết được. Thế là làm dối, làm ẩu để tính ngày công, năng suất, tìm cách tăng thu nhập cho mình, chất lượng công trình bị bỏ ngỏ. Nếu lại có một cơn bão lớn hơn, độ tàn phá mạnh hơn liệu những cột bê tông đang đứng trên đường tải điện nông thôn kia liệu có trụ vững. Nghĩ rằng khó mà cam đoan điều đó với cung cách làm ăn tắc trách, với sự dối trá được o bế, thông đồng từ trên xuống dưới, không phải ở một tỉnh, một cụm tỉnh, một ngành, một cụm ngành mà khá phổ biến trên đất nước ta.
Trông người lại nghĩ đến ta. Nếu không phải chỉ là cơn bảo số 1 mà là một cơn bão khác mạnh hơn, nếu không phải là bão sượt qua mà tâm bão đi thẳng qua TP thì bao nhiêu cây đổ, bao nhiêu cột điện gãy, bao nhiêu nhà đổ, bao nhiêu người chết rồi ngập lụt, tai nạn điện, tai nạn giao thông…?.
Cơn bão số 1 đã đi qua và hoàn lưu cơn bão số 2 cũng đang gây thiệt hại không nhỏ về người và của ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Thay đổi khí hậu đang đảo lộn những quy luật thời tiết, khiến chúng trở nên cực kỳ khó đoán. Liệu còn bao nhiêu cơn bão nữa với sự tàn phá mạnh hơn bão số 1 vừa qua sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp vào Việt Nam? Chúng ta không biết trước được. Chỉ có thể chủ động nhận rõ những thiếu sót, khuyết điểm, ra sức đề phòng, thậm chí chằng chống kỹ lưỡng những cột điện, những trạm biến áp có nguy cơ gãy đổ, hư hỏng, mất an toàn khi bão đến và quan trọng hơn, chấm dứt lối làm ăn gian đối, trung thực với chất lượng công trình.