Ảnh minh họa |
Bất ngờ vì tái nhiễm Covid-19
Tình trạng tái nhiễm Covid-19 được nhắc tới nhiều trong thời gian gần đây. Có người chỉ mới khỏi bệnh được vài tuần đã mắc lại và cảm thấy rất hoang mang, lo lắng.
Một cán bộ đang công tác tại cơ quan của Bộ Y tế cho biết, chị mắc Covid-19 vào giữa tháng 1/2022. Vài ngày gần đây, chị thấy người mỏi mệt, ho khan. Nghĩ là do tác động của “hậu Covid-19”, nên chị cố gắng chịu đựng. Tuy nhiên, khi xét nghiệm Covid-19 để đi công tác theo yêu cầu, chị bàng hoàng khi nhận kết quả dương tính với Covid-19.
Theo số liệu của Bộ Y tế, tính đến nay, cả nước có hơn 7 triệu người được phát hiện nhiễm Covid-19, hơn một nửa trong số đó đã được công nhận khỏi bệnh. Tuy nhiên, người khỏi bệnh không có nghĩa là có thể miễn nhiễm với Covid-19. Người dân có thể tiếp tục dương tính với Covid-19 lần thứ 2, thậm chí lần thứ 3, chỉ trong vài tháng.
Nhiều nghiên cứu khác trên thế giới đang tiến hành đưa ra nhận định, lần tái nhiễm Covid-19 có nghiêm trọng như lần đầu tiên hay không có thể phụ thuộc vào thời điểm bị nhiễm bệnh. Dữ liệu từ Văn phòng Thống kê quốc gia của Vương quốc Anh cho thấy, tỷ lệ người báo cáo các triệu chứng khi họ tái nhiễm khác nhau tùy thuộc vào biến thể mà họ có khả năng bị nhiễm ở lần thứ hai.
Kể về triệu chứng của hai lần mắc Covid-19 mà bản thân từng trải qua, chị Nguyễn Minh Hồng (Dương Nội, Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ, lần đầu, cơ thể chị mỏi nhừ, sốt li bì gần 2 ngày và sau gần một tuần thì khỏi. Với lần thứ hai, chị sổ mũi, ho khan, cơ thể cũng rất mệt mỏi.
Một bệnh nhân ở Thường Tín (Hà Nội) đang điều trị tại Bệnh viện Thanh Nhàn cho hay, anh mới khỏi Covid-19, được ra viện cách đây hơn 1 tháng, sau đó bị tái nhiễm, phải nhập viện trong trình trạng tràn khí màng phổi. Thậm chí, sau khi điều trị khỏi và được xuất viện lần thứ 2, anh lại thấy cơ thể mệt mỏi, khó thở. Quay lại bệnh viện để thăm khám, anh được phát hiện có các tổn thương ở phổi và phải tiếp tục điều trị.
ThS - bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thu Hường, Trưởng Đơn nguyên chống dịch (Bệnh viện Thanh Nhàn) cho biết, có rất nhiều trường hợp sau khi điều trị khỏi Covid-19 khoảng một tháng, thậm chí 15 ngày lại tái nhiễm.
“Hiện nay, nhiều người có suy nghĩ cố tình nhiễm Covid-19 để không bị nhiễm nữa. Đây là quan niệm sai lầm, vì người bệnh nhiễm chủng Delta rồi vẫn có khả năng nhiễm chủng Omicron, thậm chí đã nhiễm chủng Omicron vẫn tái nhiễm chủng đó, nhưng type khác”, bác sĩ Hường cảnh báo.
Chủng Omicron được phát hiện có các biến thể phụ là: BA.1, BA.2, BA.3. Thực tế cho thấy, những người từng nhiễm biến chủng ban đầu của Omicron là BA.1 có thể bị nhiễm tiếp chủng BA.2.
Đặc biệt, tại Hà Nội hiện nay, biến thể Omicron được ghi nhận ở 20/30 quận, huyện, trong đó, biến thể BA.2 chiếm tới 87% tổng các mẫu phát hiện nhiễm Omicron. Đáng chú ý, biến thể phụ BA.2 có khả năng lây lan nhanh hơn 1,5 lần so với biến thể gốc BA.1 và có khả năng tránh tác động miễn dịch của các loại vắc-xin hơn biến thể gốc BA.1 khoảng 30%.
“Tất cả các đối tượng đều có thể tái nhiễm, nhưng thường gặp nhất là những người bị suy giảm miễn dịch, người có bệnh lý nền, đặc biệt là trẻ em chưa được tiêm vắc-xin phòng Covid-19. Người bị tái nhiễm lần 2 thường có triệu chứng nặng hơn lần đầu mắc bệnh”, bác sĩ Hường thông tin.
Không lơ là 5K
F0 khỏi bệnh sẽ có kháng thể để chống lại sự xâm nhập của virus SARS-CoV-2, lượng kháng thể sinh ra của mỗi người khác nhau, phụ thuộc vào cơ địa, bệnh nền... Tuy nhiên, nếu kháng thể không đủ mạnh, người khỏi bệnh lại chủ quan không tuân thủ 5K, khi tiếp xúc một F0 khác mang biến chủng mới sẽ có nguy cơ tái nhiễm.
Hiện nay, các bác sĩ lo ngại về việc, một người đã tái nhiễm Covid-19 lần thứ 2 thì rất có thể sẽ bị tái nhiễm lần 3, lần 4. Điều này phụ thuộc rất nhiều vào việc có hay không những biến thể mới sau Delta và Omicron, cũng như các biện pháp chủ động phòng tránh của người dân.
Nhóm nguy cơ cao tái nhiễm Covid-19 thường là người trên 65 tuổi, người hay sử dụng thuốc ức chế miễn dịch và người có nhiều bệnh lý nền. Đặc biệt, người bị bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường thuộc nhóm nguy cơ cao tái nhiễm Covid-19.
Bác sĩ Hường cho biết, tái nhiễm Covid-19 sẽ để lại những nguy cơ khó lường đối với bệnh nhân như các huyết khối, tổn thương phổi, rối loạn nhịp tim, viêm cơ tim, tổn thương não, chậm chạp về mặt tư duy, nhận thức; các bệnh lý hô hấp kéo dài có thể gặp di chứng xơ phổi, viêm phổi kẽ, kể cả ở người trẻ không có bệnh lý nền…
Do vậy, khi đã chữa khỏi Covid-19, theo chuyên gia, người dân cần tiếp tục theo dõi sức khỏe, bồi bổ để cơ thể khỏe mạnh, tăng sức đề kháng và đặc biệt không được chủ quan khi tiếp xúc với các F0, người có nguy cơ cao nhiễm bệnh.
Ông Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cảnh báo, người dân không nên có tư tưởng chủ quan, thả lỏng theo kiểu “rồi ai cũng mắc Covid-19”.
Trong tình hình dịch diễn biến phức tạp như hiện nay, ông Nga nhấn mạnh, mỗi người càng phải nghiêm túc phòng dịch, thực hiện tốt nguyên tắc 5K để tránh lây nhiễm, bởi không ai biết trước được nếu mình bị nhiễm thì sẽ diễn biến thế nào, có bị triệu chứng nặng, thậm chí bị tử vong hay không.
Từ thực tế tái nhiễm Covid-19 hiện nay, chuyên gia khuyến cáo, tất cả các đối tượng, ở mọi lứa tuổi, nếu có tiếp xúc nguồn lây đều có thể tái nhiễm; nhưng đối tượng có nguy cơ tái nhiễm cao hơn là người già, người bị suy giảm miễn dịch, người có bệnh lý nền và trẻ chưa được tiêm vắc-xin. Việc tái nhiễm cũng có thể gặp ở người trẻ, vì vậy, bất kỳ ai cũng không thể chủ quan, kể cả với người đã từng mắc và đã khỏi bệnh.
Dù các triệu chứng khi nhiễm chủng Omicron thường không nặng như chủng Delta, nhưng thời gian tái nhiễm càng ngắn sẽ làm bệnh nhân mệt mỏi, kéo theo đó, thời gian hậu Covid-19 dài hơn, ảnh hưởng đến sức khỏe cơ thể.
Vì vậy, điều quan trọng để hạn chế tái nhiễm là mọi người cần tuân thủ nghiêm nguyên tắc 5K, hạn chế đưa tay lên mắt, mũi, miệng, ngay cả khi đã khỏi bệnh. Đồng thời, cho dù đã khỏi bệnh, vẫn phải tiêm vắc-xin phòng Covid-19 đủ liều theo khuyến cáo của Bộ Y tế để tăng khả năng bảo vệ, tránh tái nhiễm.