Điểm nóng
Nói lời sau cùng, bị cáo Nguyễn Thành Tài nhận sai và xin HĐXX công bằng
Việt Dũng - 18/11/2021 19:56
Nói lời sau cùng trước khi Hội đồng xét xử (HĐXX) nghị án, bị cáo Nguyễn Thành Tài thừa nhận mình có sai sót, nhưng khẳng định mình không phải người xấu, mong HĐXX xem xét.

Chiều 18/11, phiên tòa xét xử sai phạm hoán đổi "đất vàng" 185 Hai Bà Trưng kết thúc phần tranh luận. Trước khi HĐXX vào nghị án, các bị cáo được nói lời sau cùng.

Bị cáo Nguyễn Thành Tài, nguyên Phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM cho rằng mình không phải kẻ xấu, gây nguy hiểm cho xã hội. Việc chưa trọn vẹn lớn nhất mà ông ân hận là chưa làm trọn chữ hiếu với mẹ mình. 

Bị cáo cho rằng, không kêu ca, oán than, đổ lỗi, vênh váo về thành tích của mình, nhưng bị cáo xin HĐXX hãy công bằng. Bị cáo xin với tư cách là một con người, thứ 2 là một công dân, và tư cách của một người lính đi qua cuộc chiến tranh khốc liệt, đẫm máu nhất. 

Theo bị cáo Tài, khi về hưu ông rất hạnh phúc nhưng không trọn vẹn. Ông được trở về với nghề mình thích đó là nghề thầy giáo, mặc dù đồng lương ít ỏi nhưng được truyền đạt kiến thức, kinh nghiệm cho thế hệ sau. Nhưng sau 8 năm về hưu, trở về làm nghề thầy giáo thì ông bị bắt. 

“Tôi bị sốc. Ngày 8/12/2018, khi tôi đang chuẩn bị bài giảng thì tôi bị bắt, đó là bi kịch. Tôi suy nghĩ mãi những ngày tháng ở trong tù, tính đến nay là 3 năm loanh quanh trong 4 bức tường: mình là ai, sau bao nhiêu năm mình hy sinh hạnh phúc của bản thân...Tôi hiểu ra rằng, mình sai sót, không có ai hoàn hảo. Nhưng tôi khẳng định mình không phải người xấu, không phải là người cơ hội, 36 tuổi tôi trở thành chủ tịch quận, trở thành Phó chủ tịch thành phố bằng chính trí tuệ của mình. Tôi xin HĐXX đối xử công bằng, giải quyết vụ việc này toàn diện, khách quan và lý trí", bị cáo Tài nói.

Bị cáo Nguyễn Thành Tài, cựu Phó Chủ tịch UBND TP.HCM


Trước đó, trong phần tranh luận, luật sư bảo vệ bị cáo Nguyễn Thành Tài lý giải là phó chủ tịch thường trực UBND TP HCM, bị cáo chỉ quán xuyến những vấn đề thuộc chủ trương. Việc kiểm tra tình trạng tài sản được Ban Chỉ đạo 09, Sở Tài chính, Sở Tài nguyên Môi trường TP.HCM cùng nhiều sở, ngành khác thực hiện rất nhiều lần. Sau đó, cơ quan có thẩm quyền vẫn xác định chủ trương hoán đổi là đúng. Luật sư cho rằng đây là thiếu sót từ đơn vị chuyên môn. 

Hơn nữa, quá trình chuyển giao quyền sở hữu tài sản diễn ra chủ yếu từ tháng 11/2011 đến năm 2013. Kể từ tháng 6/2011, bị cáo Tài đã không còn trách nhiệm, cũng không còn thẩm quyền kiểm tra quy trình hoán đổi hai tài sản. Nhiệm vụ khi đó thuộc thẩm quyền lãnh đạo khác ở UBND TP.HCM.

Đối với cáo buộc làm thất thoát tài sản nhà nước, người bào chữa lập luận khi bị cáo đảm nhận chức trách phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM, quy trình hoán đổi hai tài sản chưa hoàn tất.

Tin liên quan
Tin khác