Đủ cơ sở điều chỉnh
Đến thời điểm này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan đầu tiên gửi ý kiến đối với hồ sơ điều chỉnh Quy hoạch Tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Trong Công văn số 4218/BKHĐT-PTHTĐT vừa gửi Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT), Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã “bật đèn xanh” cho hầu hết nội dung điều chỉnh Quy hoạch mà Bộ GTVT đề xuất.
Cụ thể, liên quan căn cứ điều chỉnh Quy hoạch, công văn này cho biết, theo báo cáo của Bộ GTVT, ngày 9/1/2023, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 81/2023/NQ15 về Quy hoạch Tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó có một số nội dung như cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ chưa được quy định rõ tại Quy hoạch Tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, nên cần rà soát, điều chỉnh.
Theo quy định tại Nghị quyết số 61/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả chính sách, pháp luật về quy hoạch và một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập và nâng cao chất lượng quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, khi quy hoạch quyết định hoặc phê duyệt, nếu có mâu thuẫn giữa quy hoạch thấp hơn và quy hoạch cao hơn, thì quy hoạch thấp hơn phải điều chỉnh theo quy hoạch cao.
- Năm 2022 và 2023: Thực hiện công tác chấp thuận chủ trương đầu tư; đề xuất điều chỉnh quy hoạch dự án; quy hoạch và thiết kế công trình, lựa chọn nhà thầu xây dựng.
- Năm 2024: Khởi công xây dựng.
- Quý I/2027: Hoàn thành xây dựng giai đoạn I và đường kết nối, đưa vào khai thác.
- Trong quý I/2030: Hoàn thành việc xây dựng và đưa vào vận hành giai đoạn II.
- Trong quý I/2033: Đưa vào khai thác giai đoạn III.
- Trong quý I/2036: Đưa vào khai thác giai đoạn IV.
- Trong quý I/2039: Đưa vào khai thác giai đoạn V.
- Trong quý I/2042: Đưa vào khai thác giai đoạn VI.
- Trong quý I/2045: Đưa vào khai thác giai đoạn VII, hoàn thành đầu tư xây dựng.
Do đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, việc Bộ GTVT lập hồ sơ điều chỉnh Quy hoạch Tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là có cơ sở.
Tại công văn trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng lưu ý, đơn vị xin điều chỉnh Quy hoạch cần bám sát các nội dung mâu thuẫn giữa các quy hoạch, đề xuất phương án điều chỉnh nhằm đảm bảo phù hợp với Quy hoạch Tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Về bổ sung mục tiêu quy hoạch phát triển cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ - TP.HCM, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, Nghị quyết số 24/NQ-TW ngày 7/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề ra định hướng xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ - TP.HCM.
“Vì vậy, việc Bộ GTVT đề xuất bổ sung mục tiêu quy hoạch phát triển "cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ - TP.HCM là có cơ sở”, Công văn số 4218/BKHĐT-PTHTĐT nêu rõ.
Tuy nhiên, tại khu vực Đông Nam bộ dự kiến quy hoạch 2 cảng biển đặc biệt là cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu và cảng biển TP.HCM có chức năng trung chuyển quốc tế hoặc cảng cửa ngõ quốc tế, vì vậy Bộ GTVT cần nghiên cứu, làm rõ vị trí, vai trò và phương án phân chia luồng hàng hóa qua cảng biển này.
Liên quan đề xuất của Bộ GTVT đưa cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ vào Danh mục các dự án ưu tiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị bổ sung thuyết minh vì Nghị quyết số 24/NQ-TW ngày 7/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 81/2023/QH15 của Quốc hội không nêu cụ thể thời điểm đầu tư.
Ngoài ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị làm rõ việc bổ sung cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ vào danh mục các dự án ưu tiên đầu tư, nhưng tổng nhu cầu sử dụng đất chỉ là 15.530 ha, giảm so với nhu cầu sử dụng đất 33.600 ha tại Quy hoạch Tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 22/9/2021.
Về nhu cầu vốn đầu tư thực hiện Quy hoạch Tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ Kế hoạch và Đầu tư muốn Bộ GTVT rà soát lại nhu cầu vốn đầu tư cho phù hợp.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tại Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 22/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch Tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, nhu cầu vốn đầu tư phát triển hệ thống cảng biển đến năm 2030 là 313.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, sau khi bổ sung cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ vào quy hoạch và Danh mục ưu tiên, thì tổng nhu cầu đầu tư phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2030 chỉ dự kiến khoảng 312.600 tỷ đồng.
Đón “ngôi sao” mới
Cuối tháng 3/2023, Bộ GTVT đã có Công văn số 3029 đề nghị các bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Quốc phòng, Công an, Công thương, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường; Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; UBND các tỉnh, thành phố: TP.HCM; Hải Phòng; Bà Rịa - Vũng Tàu; Nam Định, Quảng Trị đề nghị tham gia ý kiến đối với hồ sơ điều chỉnh Quy hoạch Tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đáng chú ý là, hầu hết đề xuất điều chỉnh Quy hoạch liên quan tới cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, như mục tiêu phát triển kết cấu hạ tầng, phân loại cảng biển, các dự án ưu tiên đầu tư…
Cụ thể, tại công văn trên, Bộ GTVT kiến nghị đưa bến cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ vào Quy hoạch Tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, với phạm vi quy hoạch vùng đất và vùng nước tại cửa sông Cái Mép (bên trái luồng Vũng Tàu - Thị Vải).
Cảng biển này có chức năng trung chuyển container quốc tế, được quy hoạch với quy mô, lộ trình đầu tư phù hợp với “Đề án nghiên cứu xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, TP.HCM” được cấp thẩm quyền phê duyệt” với cỡ tàu trọng tải đến 24.000 TEU (250.000 tấn) hoặc lớn hơn khi đủ điều kiện.
Các bến cảng tiềm năng tại huyện Cần Giờ có phạm vi quy hoạch vùng đất và vùng nước bên trái luồng Sài Gòn - Vũng Tàu, khu vực Bình Khánh, cửa sông Ngã Bảy và khu vực Cù Lao Gò Gia, phù hợp với các quy định bảo tồn vùng dự trữ sinh quyển quốc gia. Các cảng biển này có bến tổng hợp, container, hàng rời, bến khách quốc tế được phát triển đồng bộ với hạ tầng giao thông kết nối cảng với cỡ tàu trọng tải đến 150.000 tấn hoặc lớn hơn khi đủ điều kiện, tàu khách 225.000 GT.
Trước đó, vào tháng 4/2023, đại diện Terminal Investment Limited Holding S.A - TiLH (đơn vị thành viên của Hãng tàu MSC Mediterranean Shipping Company SA) và Công ty cổ phần Cảng Sài Gòn đã có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đề nghị xem xét báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận việc hợp tác giữa Công ty cổ phần Cảng Sài Gòn và TiLH trong việc đầu tư và khai thác Dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cửa ngõ Sài Gòn (SIGP) tại huyện Cần Giờ, TP.HCM.
Cụ thể, Dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cửa ngõ Sài Gòn có địa điểm thực hiện tại Cù lao Phú Lợi (thường gọi là gò Con Chó hay cù lao Ông Chó), huyện Cần Giờ, TP.HCM, có mục tiêu sớm đưa cửa sông Cái Mép thành cửa ngõ trung chuyển quốc tế, tham gia chuỗi cung ứng vận tải thế giới. Đồng thời, phát huy vai trò của cửa ngõ, trở thành cảng trung chuyển quốc tế và là hạt nhân thúc đẩy phát triển Cảng trung chuyển quốc tế Cửa ngõ Sài Gòn thành cảng biển và trung tâm logistics hàng đầu cả nước, phục vụ xuất nhập khẩu và trung chuyển.
Theo đề xuất của TiLH - Cảng Sài Gòn, dự án này có tổng chiều dài mặt sông là 7,2 km, bao gồm bến chính dài khoảng 6,8 km, có khả năng tiếp nhận đồng thời 13 tàu mẹ trọng tải đến 250.000 DWT (24.000 TEU), tàu trung chuyển, cùng 1,9 km bến sà lan tiếp nhận tàu trọng tải 10.000 DWT và sà lan từ 5.000 tấn trở lên (công suất từ 250 - 356 TEU); hệ thống sân và đường nội bộ có diện tích khoảng 371 ha; các khu vực phụ trợ, hạ tầng kỹ thuật...
Tổng mức đầu tư Dự án (không tính lãi vay trong thời gian xây dựng) khoảng 113.531,7 tỷ đồng, tương đương 4.804,56 triệu USD, trong đó, tổng mức đầu tư giai đoạn I khoảng 18.387,4 tỷ đồng, tương đương 778,14 triệu USD.
Liên danh nhà đầu tư đề xuất phân kỳ đầu tư Dự án theo 7 giai đoạn. Khi hoàn thành việc xây dựng tất cả các giai đoạn, tổng khối lượng hàng hóa dự kiến đi qua Cảng trung chuyển quốc tế Cửa ngõ Sài Gòn khoảng 16,9 triệu TEU/năm.
Cần phải nói thêm, MSC là hãng tàu container lớn nhất trên thế giới, năng lực chuyên chở của đội tàu đạt trên 23 triệu TEU/năm, chiếm 18% tổng năng lực vận tải đội tàu thế giới, với các tuyến dịch vụ kết nối tới hơn 500 cảng biển toàn cầu.
Khi đề xuất hình thành cảng trung chuyển container quốc tế tại Cần Giờ, MSC/TiLH và Cảng Sài Gòn đặt mục tiêu khai thác phần lớn là hàng trung chuyển quốc tế do hãng tàu MSC mang từ các nước khác về.
Cụ thể, tổng khối lượng hàng hóa thông qua cảng dự kiến đạt khoảng 4,8 triệu TEU vào năm 2030 và khoảng 16,9 triệu TEU vào năm 2047, trong đó hàng trung chuyển chiếm đa số. Khối lượng hàng hóa trung chuyển quốc tế nằm ngoài các kịch bản dự báo trong quy hoạch phát triển cảng biển Việt Nam. Phần nhỏ là hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam do chính MSC đang đảm trách chuyên chở.
Được biết, kế hoạch phát triển Cảng trung chuyển container quốc tế Cửa ngõ Cần Giờ cũng được Hãng tàu MSC/TiLH nghiên cứu kỹ lưỡng trong khoảng 3-4 năm nay. Công suất cảng hoàn toàn dựa trên chiến lược phát triển của hãng tàu với kế hoạch khối lượng container do đội tàu của MSC chuyên chở. Vì vậy, về mặt nguyên tắc, sẽ không ảnh hưởng đến hoạt động của các hãng tàu khác.
Theo ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM, cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ xứng đáng có mặt trong Quy hoạch Tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, cũng như danh mục các dự án cảng biển ưu tiên đầu tư.
“Nếu triển khai Dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ sẽ không chỉ có ý nghĩa về lợi ích của cảng biển, mà còn nâng cao được lợi thế cạnh tranh của vùng Đông Nam bộ nói riêng và Việt Nam nói chung đối với khu vực và thế giới, tạo sự hấp dẫn hơn đối với dòng vốn FDI”, Chủ tịch UBND TP.HCM tin tưởng.