| ||
TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế |
Tình trạng sở hữu chéo tại các ngân hàng Việt Nam có bất thường so với thế giới không, thưa ông?
Sở hữu chéo hiện là hiện tượng bình thường trên thế giới.
Cho nên, thực tế này ở Việt Nam cũng là lẽ thường tình, khi mà các định chế tài chính, các ngân hàng thương mại (NHTM) cùng với tiềm lực tài chính của các tổ chức và doanh nghiệp Việt Nam (cả khu vực tài chính lẫn khu vực phi tài chính) đang tăng lên nhanh chóng.
Tuy nhiên với mức độ và tần xuất, sở hữu chéo hiện đã và đang gây ra những vấn đề nghiêm trọng đối với nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt gây nên những rủi ro lớn không chỉ liên quan đến các tổ chức tài chính hay NHTM riêng lẻ nào đó mà còn có thể làm đổ vỡ cả hệ thống.
Tuy rủi ro lớn, song sở hữu chéo tại Việt Nam đang có dấu hiệu gia tăng. Tại sao vậy?
Nguyên nhân cơ bản nhất liên quan đến sở hữu chéo là bắt nguồn từ các quy định hiện hành. Thứ nhất, khi một tổ chức tài chính hay một NHTM hình thành, điều kiện bắt buộc là phải có sự tham gia của các tổ chức tài chính khác.
Thứ hai là, các tổ chức tín dụng khi tăng quy mô đã tạo điều kiện cho một số cá nhân, doanh nghiệp tài chính, phi tài chính tham gia vào sở hữu cổ phần.
Thứ ba, chúng lại đã nới “room” sở hữu cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài là 20%, tới đây có thể tăng lên 30%. Đây cũng là nguyên nhân làm gia tăng sở hữu chéo, bởi có sự tham gia rất mạnh của các nhà đầu tư nước ngoài.
Thứ tư, trong thời gian qua, nhiều loại hình doanh nghiệp khác nhau tăng mạnh, đồng thời có sự đan xen, khó kiểm soát trong sử dụng vốn sở hữu, kể cả vốn thực và vốn ảo để đầu tư vào các tổ chức tài chính.
Sở hữu chéo, tự thân nó không “có vấn đề”. Điều quan trọng nhất là phải kiểm soát được việc sở hữu, đặc biệt là sở hữu tại các ngân hàng thương mại. Phải tuyệt đối tránh nhầm lẫn từ sở hữu sang chi phối của một hoặc một vài cá nhân đối với một tổ chức tài chính.
Vậy theo ông, cần những biện pháp nào để ngăn chặn tình trạng này?
Vấn đề trước tiên, theo tôi, là chúng ta phải tiến hành rà soát lại toàn bộ hệ thống, qua đó ngăn chặn được việc sử dụng sở hữu chéo như là công cụ để vượt qua những quy định về kiểm soát rủi ro tại các ngân hàng thương mại.
Thứ hai, về tỉ lệ sở hữu của một cá nhân hay những người liên quan sở hữu tại một NHTM, dù đã có những quy rõ ràng nhưng do việc kiểm soát lỏng lẻo đã khiến sở hữu chéo ngày càng gia tăng. Chính vì vậy, thời gian tới chúng ta phải kiểm soát chặt để tỷ lệ sở hữu được thực hiện đúng quy định.
Vấn đề thứ ba đáng lo ngại hơn, đó là vốn ảo. Chúng ta phải đảm bảo vốn rót vào ngân hàng là vốn thực.
Giải pháp cuối cùng là phải kiểm soát tốt vòng luân chuyển của dòng tiền. Nhất là quá trình đầu chéo của nhà đầu tư cá nhân vào các doanh nghiệp.
Trần Mạnh