FPT Telecom dự kiến trong quý II/2021 sẽ đưa vào khai thác data center lớn nhất Việt Nam với diện tích 10.000 m2, có tổng vốn đầu tư 177 tỷ đồng tại Tân Thuận 1 (TP.HCM) và data center tại Cầu Giấy (Hà Nội) tổng vốn đầu tư 213 tỷ đồng. |
Hàng loạt data center mọc lên
Giữa tháng 4/2021, Công ty cổ phần HTC Viễn thông quốc tế (HTC-ITC, thuộc Hanoi Telecom) đã đưa Eco data center, tổng vốn đầu tư hơn 100 tỷ đồng đi vào hoạt động tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc.
Còn FPT Telecom dự kiến trong quý II/2021 sẽ đưa vào khai thác data center lớn nhất Việt Nam với diện tích 10.000 m2, có tổng vốn đầu tư 177 tỷ đồng tại Tân Thuận 1 (TP.HCM) và data center tại Cầu Giấy (Hà Nội) tổng vốn đầu tư 213 tỷ đồng. Ngoài ra, FPT Telecom còn đầu tư 150 tỷ đồng xây dựng data center tại quận 9 (TP.HCM) và data center tại Đà Nẵng được đầu tư 40 tỷ đồng.
CMC cũng sắp đưa Tổ hợp văn phòng và data center tại khu vực phía Nam thuộc quận 7 (TP.HCM), là dự án trọng điểm của Tập đoàn CMC đi vào hoạt động. Dự án có diện tích 13.133 m2 và tổng mức đầu tư (bao gồm cả data center) là 1.500 tỷ đồng. Hiện CMC Telecom đang sở hữu 3 data center tiêu chuẩn Tier III.
Một ông lớn khác là Viettel IDC (thuộc Viettel) dù đã có 5 data center trên cả nước với diện tích 25.000 m2 cũng cho biết, sẽ xây dựng thêm các data center lớn (Hyperscale) tại Hà Nội (4 ha) và TP.HCM (3 ha), ứng dụng hàng loạt công nghệ mới khác…
Theo ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch HĐQT FPT Telecom, trên thế giới đang diễn ra công cuộc chuyển đổi số nên nhu cầu đưa hệ thống, ứng dụng lên cloud ngày càng lớn. Do vậy, Việt Nam cần có những data center lớn, tiêu chuẩn cao, đảm bảo an toàn về hệ thống, an toàn về dữ liệu, đủ năng lực cạnh tranh với các “ông lớn” như Microsoft, Google, Amazon... FPT Telecom đã và đang đầu tư mạnh mẽ, hướng tới là doanh nghiệp số một tại Việt Nam về lĩnh vực cung cấp giải pháp cloud và data center.
“Kế hoạch liên tục mở rộng quy mô data center của chúng tôi là để đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số của các tổ chức, doanh nghiệp trong nước và xu hướng đầu tư vào Việt Nam của các doanh nghiệp nước ngoài ngày càng gia tăng. Hiện tốc độ tăng trưởng trung bình 3 năm gần đây của thị trường điện toán đám mây tại Việt Nam khoảng 40-45%, trong khi tốc độ tăng trưởng trung bình của thế giới là 29%. Dự kiến đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng của thị trường Việt Nam duy trì mức 40%, còn trung bình thế giới được dự báo vẫn từ 25-29%”, ông Hoàng Văn Ngọc, Giám đốc Viettel IDC chia sẻ.
Ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó chủ tịch điều hành HTC-ITC cũng cho hay, sự phát triển mạnh của dịch vụ số, kéo theo nhu cầu lớn về dịch vụ cloud của doanh nghiệp tại Việt Nam. Hạ tầng số dự kiến tăng trưởng trên 13% mỗi năm trong nhiều năm tới, nhưng mật độ sử dụng hạ tầng tại Việt Nam vẫn thấp so với quốc tế và khu vực. Xuất phát từ nhu cầu thị trường và nền tảng dịch vụ truyền dẫn chất lượng, HTC-ITC mạnh dạn đầu tư data center để đáp ứng.
Ưu thế của doanh nghiệp nội
Hiện tại, thị trường cung cấp dịch vụ data center và cloud có gần 30 doanh nghiệp Việt Nam, chỉ chiếm 20% thị phần, 80% còn lại thuộc về các doanh nghiệp nước ngoài. Nguyên nhân cơ bản là do doanh nghiệp Việt Nam đi sau nhiều so với các ông lớn công nghệ thế giới trong lĩnh vực này như IBM, Microsoft, Google, Amazon...
Theo đánh giá của ông Vũ Thế Bình, Tổng thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA), qua quan sát, VIA nhận thấy có một số nguyên nhân, đầu tiên là do các doanh nghiệp nước ngoài có nền tảng cloud từ sớm và được thúc đẩy bởi hệ sinh thái của họ, nên người sử dụng dễ dàng tiếp cận và trung thành với dịch vụ. Đồng thời, các dịch vụ nước ngoài luôn có yếu tố mới, nhanh, giá phải chăng, tích hợp nhiều tính năng, tiện lợi. So với họ, các doanh nghiệp Việt chậm hơn về khả năng đầu tư, sáng tạo công nghệ. Do vậy, thách thức với các doanh nghiệp Việt là không nhỏ.
“Trước năm 2020, chủ trương của cơ quan nhà nước cũng như hành lang pháp lý, định hướng về điện toán đám mây chưa thực sự rõ ràng. Bản thân các doanh nghiệp công nghệ lớn trong nước cũng chưa tự tin trong việc chuẩn bị, phát triển một nền tảng quan trọng như cloud. Thậm chí, ngay khách hàng, bao gồm cả các doanh nghiệp lớn cũng còn tâm lý là các công nghệ cao cấp phải đến từ công ty nước ngoài, chưa thực sự đặt lòng tin vào sản phẩm của doanh nghiệp Việt”, ông Lê Anh Vũ, Giám đốc Khối điện toán đám mây CMC Telecom cho biết.
Theo ông Vũ, các doanh nghiệp Việt chưa có một kế hoạch, chiến lược đầu tư bài bản dài hơi do hạn chế về nguồn lực, tầm nhìn. Doanh nghiệp Việt cũng thường yếu về mặt quản trị, không có nền tảng tài chính đủ mạnh. Do vậy, với các cuộc đua đòi hỏi chi phí “đốt tiền” thì phần thắng sẽ dành cho các công ty nước ngoài với nguồn lực tài chính hùng hậu và có chiến lược thôn tính thị trường dài hạn, bài bản.
Thế nhưng, không phải là không có cơ hội cho doanh nghiệp Việt. Phân tích về lợi thế của doanh nghiệp Việt Nam, ông Vũ Minh Trí, Tổng giám đốc VNG Cloud cho biết, hiện tại trên thị trường điện toán đám mây Việt Nam đang có 3 tầng dịch vụ. Tầng dưới cùng là dịch vụ về hạ tầng. Hạ tầng nghĩa là cung cấp khả năng về tính toán, khả năng lưu trữ, một số khả năng về dữ liệu.
Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ điện toán đám mây trong nước sẽ có lợi thế cung cấp tầng dưới cùng tốt hơn, vì data center nằm trong nước nên tất cả mọi thứ liên quan đến đường truyền, kết nối đều ổn định, chi phí thấp. Trong khi đó, những doanh nghiệp nước ngoài đều đang không có data center tại Việt Nam, nghĩa là bất kỳ một GB dữ liệu nào muốn được xử lý hoặc lưu trữ trên cloud của nước ngoài đều phải đi qua đường truyền quốc tế, chi phí rất lớn nhưng đường truyền lại bị giới hạn.