Công ty cổ phần Vận tải và Dịch vụ Hàng hải (Tra-Sas) tại TP.HCM đón Đoàn khảo sát tình hình quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức bằng một bức thư ngỏ 5 trang dày đặc chữ.
Điểm đáng thu hút nhất của bức thư này là gói hầu hết các bức xúc trong các hoạt động kiểm tra chuyên ngành của nhiều doanh nghiệp.
Nhiều doanh nghiệp đề nghị phân loại doanh nghiệp tuân thủ thủ tục để áp dụng phương pháp quản lý rủi ro trong kiểm tra chuyên ngành như cách phân luồng hàng hóa, doanh nghiệp nhập khẩu của hải quan |
“Chúng tôi là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu ngoại thương, dịch vụ hậu cần (gồm cả khai thuê hải quan) và kinh doanh thương mại, nên chúng tôi đối mặt với đủ loại quy định kiểm tra chuyên ngành, từ vệ sinh an toàn thực phẩm, thú y, kiểm dịch động thực vật đến kiểm định vật liệu xây dựng, thiết bị đã qua sử dụng... Do vậy, chúng tôi kiến nghị cải cách không vì một doanh nghiệp nào cả, mà vì môi trường kinh doanh chung, để chúng tôi trả lời được câu hỏi của nhiều khách hàng nước ngoài là tại sao thủ tục lại phiền phức và vô lý thế”, ông Nguyễn Văn Quý, Chủ tịch Tra-Sas thẳng thắn.
Thực ra, thắc mắc của khách hàng nhưng đối mặt trực tiếp lại chính là các nhân viên của Tra-Sas. Mọi việc trở nên phức tạp hơn khi các quy định của các cơ quan quản lý nhà nước chồng chéo, chưa rõ thì hàng hóa sẽ được áp dụng theo hướng kiểm tra hết như trường hợp các dụng cụ để ăn uống là ly, tách, chén đĩa vẫn phải kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm theo Quyết định 818/2007QĐ-BYT.
Cũng phải nói thêm, Chính phủ đã xác định danh mục này không còn phù hợp và yêu cầu Bộ Y tế hủy bỏ (theo Quyết định 2026/2015/QĐ-TTg), nhưng Bộ này chưa ban hành danh mục thay thế.
“Có lô hàng nhập khẩu ly tách mất 2 tháng rồi vẫn chưa xong thủ tục tại Cục An toàn thực phẩm, cho dù quy định là 7 ngày trả hồ sơ. Có bộ hồ sơ qua 3 người với 3 cách hướng dẫn khác nhau về chỉ tiêu, rồi người thì hướng dẫn kiểm tra lòng tách, người thì hướng dẫn kiểm tra vành uống... Khách hàng của chúng tôi là doanh nghiệp lớn, nhu cầu nhiều, mỗi ngày phải công bố cả chục mặt hàng nên phải cử người nằm vùng ngoài đó luôn”, một cán bộ của Tra-Sas chia sẻ thực tế.
Đó là chưa kể có trường hợp để đăng kiểm xe hai bánh có động cơ thì phần thân và động cơ được kiểm tra an toàn, kỹ thuật tại TP.HCM, trong khi bóng đèn phải chuyển ra Cục Đăng kiểm ở Hà Nội. Hay như việc thực hiện quy định kiểm tra hiệu suất năng lượng tối thiểu của mặt hàng động cơ nhập khẩu theo chương trình dán nhãn năng lượng đang rất khó khăn khi chỉ có một nơi là Quatest 1 được Bộ Công thương chỉ định kiểm tra mặt hàng này. Đã có doanh nghiệp không thể chuyển 10 tấn motor ra được, nên đành chụp ảnh hàng hóa gửi ra và mời cán bộ vào... kiểm tra. Cách thức quản lý hiệu suất năng lượng như vậy không hiểu có đúng yêu cầu của Bộ Công thương không!
“Có trường hợp khách hàng chỉ nhập 1 động cơ để thay thể nhưng vẫn phải đưa đi kiểm nghiệm. Họ đã hỏi chúng tôi nếu bị hỏng thì sao. Tại sao không thực hiện kiểm tra tại TP.HCM để đỡ tốn kém... nhưng chúng tôi cũng không trả lời được”, ông Quý nói.
Không phải không có cách
Hóa ra, cách giải thích rằng, “doanh nghiệp mới, ít thực hiện thủ tục nhập khẩu nên vướng mắc nhiều” của các công chức ngành công thương và khoa học - công nghệ khi chứng kiến bức xúc của một doanh nghiệp ở Lạng Sơn phải chuyển toàn bộ lô hàng gồm 8 chiếc tủ mát (trị giá khoảng 178 triệu đồng) về Hà Nội để làm thủ tục dán nhãn năng lượng (thực hiện theo Thông tư 07/2012/TT-BCT ngày 4/4/2012 quy định dán nhãn năng lượng cho các phương tiện và thiết bị sử dụng năng lượng), phải mất chi phí thử nghiệm mẫu là 134 triệu đồng, bằng 75% lô hàng, không còn là bảo bối cho các công chức trong lần đối thoại với doanh nghiệp này.
Với số lượng 1.000 container/tháng, Tra-Sas nắm tương đối rõ đường đi nước bước để kiếm tiền từ hoạt động cung cấp dịch vụ của mình.
Doanh nghiệp này, giống như nhiều doanh nghiệp khác gửi ý kiến đến Đoàn khảo sát đề nghị phân loại mục tiêu sử dụng các mặt hàng, để có thể tách thủ tục kiểm tra chuyên ngành ra khỏi thủ tục hải quan với những mặt hàng không cần phải quản lý trước thông quan.
Đặc biệt, rất nhiều doanh nghiệp đề nghị phân loại doanh nghiệp tuân thủ thủ tục để áp dụng phương pháp quản lý rủi ro trong kiểm tra chuyên ngành như cách phân luồng hàng hóa, doanh nghiệp nhập khẩu của hải quan.
Tuy nhiên, trong nhiều lần giải thích với doanh nghiệp, quan điểm khó thay đổi cách thức do Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa không áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro, nên tất cả các lo hàng nhập khẩu thuộc diện kiểm tra chất lượng đều phải đến các cơ quan kiểm tra được chỉ định để đăng ký, kiểm tra theo quy trình.
Song, thực tế, vẫn có cách đơn giản hóa thủ tục.
Hiện nhiều bộ khi ban hành danh mục hàng nhóm 2 (có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý của các bộ, ngành) quy định phải có kết quả kiểm tra mới được thông quan. Một số bộ không quy định như vậy, nghĩa là có thể kiểm tra sau thông quan.
Riêng Bộ Y tế có quy định, không cần kiểm tra chất lượng từng lô hàng khi nhập khẩu. Quan điểm của bộ này là, mặt hàng thuộc nhóm 2 thuộc thẩm quyết của Bộ Y tế đều thuộc nhóm hàng nhập khẩu có điều kiện, khi xem xét cấp giấy phép nhập khẩu hoặc số đăng ký lưu hành, việc xem xét khía cạnh chất lượng sản phẩm đã được thực hiện rồi.
“Chúng tôi ủng hộ yêu cầu kiểm tra, nhưng các cơ quan quản lý nhà nước nên cân nhắc cách nào thuận lợi nhất, ít tốn kém thời gian, chi phí cho doanh nghiệp”, ông Quý nói.
Nhưng có lẽ, câu hỏi ở đây là sao không có đánh giá để xem cách làm nào hiệu quả, hiệu lực hơn cả để áp dụng chung, vừa giải tỏa được ách tắc trong thông quan, vừa đảm bảo yêu cầu kiểm soát và quản lý của cơ quan quản lý.