Ảnh minh họa |
Đơn hàng lớn
16 tấn hàng nông sản, thực phẩm, gồm nước mắm, cà phê hòa tan, đồ uống cao cấp… vừa được Công ty cổ phần Pacific Foods xuất khẩu sang Mỹ và sẽ cập cảng Long Beach vào ngày 10/4 tới. Đây là lần đầu tiên, các sản phẩm nước mắm, gia vị, nông sản, đồ uống của Pacific Foods xuất sang thị trường “siêu khó tính” này, mở ra cơ hội tăng tốc xuất khẩu sang Mỹ với kim ngạch lớn trong thời gian tới.
Ông Lê Bá Linh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Pacific Foods cho biết, lô hàng xuất khẩu được sản xuất thông qua chuỗi giá trị của Công ty, với quy trình lựa chọn nguyên liệu, sản xuất và thu hoạch được kiểm soát chặt chẽ từ đầu vào đến tay người tiêu dùng, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của nhà nhập khẩu Mỹ.
Theo kế hoạch, trong tháng 4/2022, Pacific Foods tiếp tục xuất lô hàng 28 tấn gồm các sản phẩm nông sản, gia vị chủ lực đến Mỹ, trong đó có gạo Phúc Lộc và nước chấm thơm Youmi.
Số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, 2 tháng đầu năm 2022, Mỹ là thị trường xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản lớn nhất của nước ta (vượt qua Trung Quốc) với giá trị kim ngạch đạt trên 2,3 tỷ USD. Trong đó, nhóm hàng gỗ và sản phẩm gỗ chiếm tới 69,9% tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam.
Năm 2021, ngành nông nghiệp xuất khẩu 48,6 tỷ USD, trong đó riêng xuất sang Mỹ đạt gần 12 tỷ USD (chiếm 27,5%). Trong đó, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường này đạt 8,77 tỷ USD, xuất khẩu thủy sản đạt hơn 2 tỷ USD, xuất khẩu hạt điều đạt hơn 1 tỷ USD…
Chuẩn hóa sản xuất, nối dài đơn hàng
Trong hai năm qua, đại dịch Covid-19 gây rất nhiều trở ngại, thách thức về vận chuyển, làm gián đoạn chuỗi cung ứng, nhưng xuất khẩu nông sản Việt vẫn đạt kết quả ấn tượng với kim ngạch đạt 42 tỷ USD trong năm 2021 và 48,6 tỷ USD trong năm 2021. Đây là kết quả từ sự nỗ lực của từng doanh nghiệp.
Với Pacific Foods, xác định xuất khẩu là chìa khóa tăng trưởng, những năm qua, doanh nghiệp này đã đầu tư bài bản, chinh phục thị trường khó tính, chủ động khai thác dư địa thị trường toàn cầu từ những hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã tham gia ký kết và đang có hiệu lực. Hiện Pacific Foods có thể cùng lúc tổ chức sản xuất trên quy mô lớn và sở hữu quy trình tối ưu hóa các khâu khai thác, thu hoạch, chế biến, vận chuyển, đảm bảo năng lực đáp ứng nhu cầu hàng hóa cho thị trường nội địa và xuất khẩu.
Nafoods cũng là doanh nghiệp tên tuổi, chuyên xuất khẩu rau quả chế biến đi Mỹ, EU… Đến nay, Nafoods đã số hóa chuỗi giá trị từ khâu chọn giống, quy trình trồng, chăm sóc, đến chế biến, tiêu thụ.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Nafoods, để nông sản Việt có thể chinh phục các thị trường khó tính, doanh nghiệp cần chuẩn hóa quy trình sản xuất hàng xuất khẩu theo chuỗi giá trị khép kín, quy hoạch vùng nguyên liệu, hệ thống nhà máy với trang thiết bị đạt chuẩn, đảm bảo nông sản không bị tồn dư hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật… Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần hiểu rõ các yêu cầu từ nhà nhập khẩu.
Ông Bùi Huy Sơn, Tham tán công sứ, thương mại (Thương vụ Việt Nam tại Mỹ) nhấn mạnh, nông sản Việt Nam có nhiều dư địa xuất khẩu sang Mỹ, nhưng để bám sâu, bám chắc tại đây, doanh nghiệp Việt cần cam kết chất lượng, đảm bảo độ đồng đều, ổn định trong mỗi lô hàng xuất khẩu để các nhà bán lẻ muốn đặt hàng dài hạn.
Một số mặt hàng Việt Nam có thế mạnh và phía Mỹ có nhu cầu nhập khẩu để đáp ứng tiêu dùng nội địa là rau, củ, quả, cà phê, chè, hạt tiêu, cao su, hạt điều, thủy sản... Nếu đáp ứng được các rào cản kỹ thuật, xuất khẩu sang Mỹ trong thời gian tới sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh.
Ông Sơn phân tích, thương mại song phương Việt - Mỹ đang ở giai đoạn thuận lợi nhất từ trước tới nay, bởi Chính phủ hai nước đều tạo điều kiện thuận lợi cho trao đổi thương mại, đầu tư. Trong nhóm nông sản, đồ gỗ, thủy sản đạt kim ngạch lớn, nhưng gạo, cà phê, rau quả thì vẫn còn khiêm tốn. Doanh nghiệp đang có nhiều cơ hội và nên tận dụng để thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa.
Chia sẻ kinh nghiệm với các doanh nghiệp, bà Amy Nguyễn, nhà sáng lập, CEO Công ty Dragonberry Produce (Mỹ) lưu ý, các nhà xuất khẩu Việt Nam cần xác định làm ăn lâu dài với nhà nhập khẩu tại Mỹ để đầu tư bài bản, trúng đích.
“Người Mỹ thích sự khác biệt, đòi hỏi chất lượng cao, đồng nhất, ổn định. Đây là sân chơi cạnh tranh, nhưng công bằng, có nhiều thị trường ngách cho doanh nghiệp nhỏ của Việt Nam có cơ hội kinh doanh với quy định rõ ràng”, bà Amy Nguyễn nói.