Theo báo cáo phân tích của Công ty Chứng khoán VNDirect, áp lực đáo hạn trái phiếu sẽ tăng mạnh trong quý II và quý III/2023.
Cụ thể, lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong quý II/2023 là 93.139 tỷ đồng, tăng 203,8% so với quý I/2023 và tăng gần 170% so với cùng. Lượng trái phiếu đáo hạn trong quý III/2023 là 89.488 tỷ đồng, tăng gần 50% so với cùng kỳ.
Sau giai đoạn thách thức này, giá trị đáo hạn trong quý IV/2023 sẽ ở mức 59.571 tỷ đồng, chỉ tăng 16,0% so với cùng kỳ.
VNDirect dự báo, năm 2023, giá trị đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp sẽ đạt khoảng 272.853 tỷ đồng, tăng 76,6% so với cùng kỳ. Trong đó, dẫn đầu là ngành bất động sản chiếm tỷ lệ 37,6%, tiếp đến là ngân hàng 37,0% và các lĩnh vực khác. Thống kê của VNDirect chỉ bao gồm các đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ từ năm 2019 tới nay và đã bao gồm các doanh nghiệp phát hành đã thực hiện mua lại trái phiếu trước thời gian đáo hạn.
Như vậy, năm 2023, riêng trái phiếu doanh nghiệp bất động sản đáo hạn lên tới hơn 102.000 tỷ đồng. Các doanh nghiệp bất động sản có giá trị đáo hạn cao nhất trong 2023 bao gồm: CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (14.476 tỷ đồng), CTCP Saigon Glory (7.000 tỷ đồng) và Công ty TNHH Phát triển Bất động sản An Khang (4.960 tỷ đồng).
Với nhóm tài chính ngân hàng, các ngân hàng có giá trị đáo hạn cao nhất trong 2023 gồm: VPBank (13.650 tỷ đồng) và NHTMCP LienVietPostBank (9.900 tỷ đồng)…
Các doanh nghiệp ngành khác có giá trị đáo hạn cao nhất gồm: CTCP Xây dựng Kiến Hưng Thịnh (3.600 tỷ đồng) và CTCP Đầu tư Xây dựng Tường Khải (2.990 tỷ đồng)...
Trong bối cảnh chính sách tiền tệ thắt chặt, chi phí tài chính gia tăng và thắt chặt phát hành trái phiếu, một số tổ chức phát hành có ít cơ hội tiếp cận nguồn vốn nhằm tái cơ cấu tài chính và đáp ứng nghĩa vụ nợ ngắn hạn. Rủi ro về khả năng thanh toán tập trung ở một số lĩnh vực có tỷ lệ đòn bẩy cao và hay biến động theo chu kỳ như lĩnh vực bất động sản.
Những lo ngại về năng lực thanh toán ngày càng tăng khi một số vụ bắt giữ liên quan đến các vi phạm trong phát hành trái phiếu doanh nghiệp và sử dụng vốn không đúng mục đích. Niềm tin của nhà đầu tư cá nhân vào trái phiếu doanh nghiệp đã suy giảm xuống mức rất thấp, thể hiện thông qua việc nhiều nhà đầu tư đã vội vàng bán trái phiếu của bất kỳ tổ chức phát hành nào bằng mọi giá để thu tiền về tiền mặt.
Lưu ý rằng nhà đầu tư cá nhân chiếm khoảng 1/3 khối lượng giao dịch trái phiếu doanh nghiệp. Theo nghiên cứu thị trường của VNDirect, hiện một số trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ được giao dịch với mức 4 - 5% thấp hơn mệnh giá, với mức lợi suất khoảng 10% - 12%/năm, có nghĩa là người bán sẵn sàng chấp nhận với mức chiết khấu 14 - 17%. Từ đó đến nay, các cơ quan chức năng đã đưa ra nhiều thông điệp nhằm xoa dịu tâm lý hoang mang của thị trường và một số giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn.
Một trong những giải pháp đó là việc ban hành Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi. Tính đến thời điểm hiện tại, Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi đang ở trong giai đoạn hoàn thiện để trình lên Chính phủ.
VNDirect cho rằng, cần thêm thời gian để các thành viên tham gia thị trường (nhà phát hành, tổ chức bảo lãnh/tư vấn và nhà đầu tư) thích ứng với các quy định mới. Trong bối cảnh chi phí tài chính gia tăng, lực cầu nội địa yếu đi, thị trường bất động sản trầm lắng, các doanh nghiệp đang có xu hướng hoãn, hoặc hủy kế hoạch mở rộng kinh doanh, dẫn đến giảm nhu cầu vốn. Vì vậy, thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ tiếp tục trầm lắng trong nửa đầu năm 2023.
Dự báo, khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp sẽ phục hồi đáng kể trong nửa cuối năm 2023 từ mức nền thấp của 2022, nhờ lợi nhuận của doanh nghiệp khởi sắc hơn, lãi suất ổn định và cơ chế thị trường tốt hơn.