Với chị Thuỷ khi dịch bệnh bùng phát thời gian làm việc xuyên đêm, kéo dài từ ngày hôm trước tới hôm sau không hiếm. |
3 tháng có nhà không thể về
Trong cuộc chiến với Covid-19 bên cạnh những bóng dáng blouse trắng nơi tuyến đầu, thì những cán bộ y tế làm công tác truy vết thầm lặng phía sau cũng góp phần không nhỏ vào việc khoanh vùng, ngăn chặn dịch lây lan.
Dù ít được nhắc tới song từng ngày, từng giờ họ vẫn âm thầm cống hiến, góp chút công sức nhỏ bé của mình vào cuộc chiến chung của cả nước - cuộc chiến chống dịch Covid-19.
Với cán bộ truy vết, khi dịch bùng phát đồng nghĩa bước chân của họ vội vã hơn, cứ thế len lỏi trong dòng người tới từng ngóc ngách, ngõ hẻm, gõ cửa từng nhà dân cùng chống dịch.
Cơ quan chỉ cách nhà vài bước chân mà ròng rã 3 tháng trời mùa Covid-19 năm thứ nhất, điều dưỡng Trần Thanh Thuỷ, Trạm y tế phường Hàng Bồ, Trung tâm y tế quận Hoàn Kiếm, TP.Hà Nội có nhà mà không thể trở về.
Phần vì công việc truy vết các ca F0 quá vất vả, không kể đêm ngày, không có một chút ngơi tay vì liên tiếp các ca bệnh được phát hiện.
Phần khác cũng vì nỗi lo bản thân mình đối diện với nhiều nguy cơ nên chị Thuỷ không dám mang hiểm nguy về nhà, nơi có gia đình nhỏ mà chị trân quý hơn mạng sống bản thân.
Kể về công việc của một nhân viên truy vết hơn 1 năm qua điều dưỡng Trần Thanh Thuỷ cho hay, khi có thông tin về các ca F0, chị và đồng nghiệp phải thực hiện truy vết ngay lập tức.
Với làn sóng dịch lần này, để tiến hành công việc truy vết nhanh, chị Thuỷ và đồng nghiệp phải phối hợp với cảnh sát khu vực, các cán bộ cơ sở, tổ Covid-19 cộng đồng để khoanh vùng, xác định các trường hợp liên quan.
Do có sự phối hợp nhịp nhàng nên việc truy vết ca bệnh không còn gặp quá nhiều khó khăn như năm trước, phần vì các chị đã có kinh nghiệm, phần vì người dân đã có ý thức hơn.
Khi được hỏi về một ngày làm việc của mình chị Thuỷ cười hiền cho rằng, rất khó bởi vì không ngày nào giống ngày nào, chỉ có nhiệm vụ là xuyên suốt, không đổi.
Theo đó, sau khi có thông tin ca bệnh, dù có đang ăn dở bữa cơm hay tranh thủ chợp mắt chị và đồng nghiệp cũng phải lập tức lên đường tới các địa điểm để thu thập thông tin cá nhân người liên quan, đưa ra các quyết định cách ly, đồng thời liên hệ lấy mẫu xét nghiệm.
Khi được hỏi về một ngày làm việc của mình chị Thuỷ cười hiền cho rằng, rất khó bởi vì không ngày nào giống ngày nào, chỉ có nhiệm vụ là xuyên suốt, không đổi. |
Kể về kỷ niệm khó quên trong hành trình truy vết chị Thuỷ nhớ lại, đã có lúc tưởng như bất lực vì chị không nhận được sự hợp tác của người dân. Người không nhớ đầy đủ lịch trình di chuyển, có người thì cố tình che giấu.
Không những chỉ truy vết mà theo chị Thuỷ trong quá trình làm việc chị còn phải hướng dẫn và động viên cả người nhà, hàng xóm của ca bệnh, ca nghi mắc sao cho không gây hoang mang, không xa lánh, hay nói không đúng sự thật về người bị cách ly.
Dù phải đối diện với nhiều khó khăn song theo chị Thuỷ, chị và đồng nghiệp không bao giờ nản lòng bởi hơn ai hết chị hiểu cuộc chiến với dịch còn rất nhiều khó khăn, đất nước, dân tộc cần sự đóng góp của mỗi cá nhân.
“Nếu mỗi người đứng trước khó khăn đều ngần ngại thì ngày chiến thắng đại dịch sẽ ở rất xa”, điều dưỡng Thuỷ nói.
Sự vất vả trong công việc có lẽ là điều hiển nhiên nên trong câu chuyện với phóng viên, chị Thuỷ kể lại với tâm trạng thoải mái, coi đó là điều rất bình thường.
Với chị, khi dịch bệnh bùng phát thời gian làm việc xuyên đêm, kéo dài từ ngày hôm trước tới hôm sau không hiếm.
“Nhiều lúc đang làm thấy bụng đói cồn cào mới biết thời gian đã qua ngày, quá bữa. Khi ấy, người nọ thay phiên người kia ăn chớp nhoáng để quay lại làm việc”, nữ cán bộ y tế Phường Hàng Bồ nhớ lại.
Gần đây nhất, ngày 7/5 khi tại Bệnh viện K phát hiện ca dương tính, đang trong đêm chị và đồng nghiệp có mặt tại địa bàn để truy vết.
Với chị Thuỷ, đó lại là một đêm trắng, với đôi mắt đỏ hoe vì những ngày dài thiếu ngủ. “Khi làm việc, đứng cạnh nhau mà tôi còn nghe thấy âm thanh phát ra từ những cái bụng rỗng của đồng nghiệp, tự dưng chỉ trực trào nước mắt”, nữ điều dưỡng xúc động kể.
Ca bệnh phát sinh tại bệnh viện nguy hiểm, phức tạp hơn các địa điểm khác rất nhiều bởi nơi đây là các đối tượng dễ tổn thưởng, bên cạnh đó lại tập trung số lượng lớn người cùng thời điểm nên công tác truy vết càng khó khăn gấp bội.
Bệnh nhân và người nhà bệnh nhân từ rất nhiều các tỉnh, thành về, lịch trình di chuyển và tiếp xúc khá phức tạp. Một người cách ly, bao gia đình lo lắng.
Thương bệnh nhân, thương người nhà bệnh nhân, cách giúp đỡ họ ngay lúc này mà chị Thuỷ có thể làm được là nhanh chóng khoanh vùng, truy vết và lấy được tất cả các mẫu xét nghiệm để nhanh chóng kiểm soát dịch.
Cơn ác mộng mùa hè
Bản chất của vấn đề truy vết chính là xác định được nguồn lây nhiễm của ca bệnh, xác định những người có yếu tố nguy cơ về lây nhiễm dịch Covid-19, để từ đó đưa ra biện pháp cách ly y tế triệt để, nhằm ngăn chặn dịch. Do đó, những người làm công tác truy vết dịch tễ là những "người gác cổng", giữ vai trò rất quan trọng chặn đứng đường lây lan của dịch bệnh.
Đặc trưng của các cán bộ y tế làm công tác truy vết là thường xuyên tiếp xúc với các đối tượng nhiễm và nghi nhiễm nên nguy cơ rất cao.
Với cán bộ truy vết thì kể cả khi thời tiết 38-40 độ C họ vẫn phải khoác trên mình bộ đồ bảo hộ kín bưng, bí nóng. |
Họ làm việc 24/24 giờ trong bộ đồ bảo hộ kín bưng và theo lời chị Thuỷ thì vào những ngày thời tiết lạnh hay mát mẻ công việc của các chị đỡ nhọc nhằn chứ vào những ngày mùa hè nóng nực, oi bức của thời tiết Hà Nội thực sự là ác mộng.
Những ai đã ở Hà Nội vào những ngày nắng nóng cao điểm mới thấu hiểu sự khó chịu của thời tiết những ngày này dù trên người là các bộ đồ chất liệu dễ chịu.
Với cán bộ truy vết thì kể cả khi thời tiết 38-40 độ C họ vẫn phải khoác trên mình bộ đồ bảo hộ kín bưng, bí nóng.
Theo chia sẻ của chị Thuỷ thì trong thời tiết mùa hè oi ả, chị thường xuyên làm việc trong cảm giác mồ hôi chảy làm cay khoé mắt nhưng không thể lau, chảy thành hàng vào mắt, vào miệng, cảm giác như đang được "uống mồ hôi thay nước”.
Đồng thời theo chị Thuỷ, nhịn đi vệ sinh cũng trở thành "thói quen bất đắc dĩ" bởi mỗi lần đi vệ sinh là phải thay nguyên cả bộ đồ bảo hộ từ đầu đến chân.
“Mỗi bộ bảo hộ này đâu có rẻ, cuộc chiến còn dài, vật tư cần tiết kiệm tối đa, dù là cái nhỏ nhất”, chị Thuỷ trải lòng
Sau khi gánh trên người bộ đồ bảo hộ, kết thúc mỗi ngày làm việc, sau khi đã được khử khuẩn, chị Thuỷ cởi bỏ bộ bảo hộ theo quy trình để tránh tiếp xúc với mầm bệnh bên ngoài.
Và khi ấy bộ blouse trắng trên người chị ướt như vừa cùng chị đi lặn biển, cùng mùi mặn chát của mồ hôi.
Xác định tinh thần chống dịch là "chống giặc" là vào chỗ nguy cơ cao nên chị Thuỷ và nhiều đồng nghiệp khác phải gác lại mối lo gia đình, con cái để lo cho sự an nguy, sức khỏe của cộng đồng. Mùa Covid-19 năm thứ nhất, 3 tháng không được về nhà là 3 tháng chị nhớ con đến cào xé. Tuy vậy, nhờ sự ủng hộ của người mẹ chồng đáng kính, của người chồng tận tâm đã san sẻ công việc gia đình, giúp chị yên tâm làm việc.
Dù 3 tháng dài không thể có một “nụ hôn” với con thơ, không có câu chuyện vui đùa với con nhỏ hay ở bên cạnh chăm sóc cha mẹ già, song chỉ với những cuộc điện thoại, những tin nhắn động viên nhắc nhở song chị Thuỷ đã yên tâm "chiến đấu".
“Mẹ chồng tôi rất hiểu và thông cảm với công việc tôi nên thường xuyên động viên. Bà còn làm cả bài thơ dài để tặng con dâu. Khi nhận được tôi rất xúc động, càng cố gắng để làm tốt nhiệm vụ, sớm sum họp với gia đình”, điều dưỡng Thuỷ nhớ lại.
Một tháng, hai tháng hay còn lâu hơn thế, không ai biết khi nào dịch bệnh mới kết thúc, những cán bộ làm công tác truy vết như chị Thuỷ mới bớt cực nhọc, khỏe mạnh về nhà và đoàn tụ với gia đình ăn những bữa cơm nóng hổi và giấc ngủ đủ giấc. Thế nên vào lúc này, không gì quan trọng hơn những lời động viên, sự chia sẻ và thấu hiểu từ "hậu phương" cùng sự hợp tác của người dân Hà Nội khi điều tra, truy vết để họ có động lực làm việc, cống hiến.
Những hy sinh của các chiến sĩ áo trắng trên mặt trận chống Covid-19 hôm nay thật đáng khâm phục và trân trọng! Họ là những chiến sĩ rất mạnh mẽ. Hy vọng với sự nỗ lực ấy làn sóng dịch thứ tư này sẽ sớm kết thúc. Tuy nhiên, cuộc chiến với dịch còn nhiều cam go, họ luôn mong mỏi sự đồng lòng của tất cả người dân Việt, để ngày chiến thắng trở nên gần hơn.