Khó khăn bủa vây
Một năm trở lại đây, các sản phẩm của Công ty cổ phần Nước giải khát Chương Dương (mã chứng khoán: SCD) thu hút sự chú ý của người tiêu dùng với các hình ảnh trên xe bus, taxi, đài phát thanh, truyền hình, framedia (quảng cáo trong thang máy)…
Ngoài ra, SCD còn tham gia cùng Bia Saigon trong các Lễ hội lớn như Countdown 2017, Lễ hội Bia… Những động thái này nằm trong chiến lược “Tái tung hình ảnh thương hiệu” được cho là trọng tâm trong năm 2017 của SCD.
Chương Dương phải cạnh tranh không ngừng và đối mặt với nhiều khó khăn khi chỉ sản xuất mặt hàng chủ lực là sản phẩm nước có ga.. |
Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh của SCD cũng được quan tâm nhiều hơn vì… tình trạng thua lỗ. Báo cáo tài chính quý IV/2017 của SCD đã ghi nhận năm đầu tiên báo lỗ kể từ 2006, khi niêm yết trên sàn HOSE.
Theo đó, năm 2017, SCD chỉ đạt 339 tỷ đồng doanh thu, lỗ trước thuế 2,2 tỷ đồng. Kết quả này kém xa chỉ tiêu kế hoạch 494 tỷ đồng doanh thu và 38 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế đã được Đại hội đồng cổ đông Công ty thông qua vào tháng 5/2017. Riêng trong quý cuối cùng của năm 2017, doanh thu của Chương Dương chỉ bằng một nửa cùng kỳ.
Sản lượng tiêu thụ giảm mạnh là tác nhân chính khiến kết quả kinh doanh của Chương Dương đi xuống. Dù đã tiết giảm chi phí 40%, song những nỗ lực này không đủ để kéo lợi nhuận của SCD trở thành số dương.
Theo một số phân tích, ngành nước giải khát Việt Nam tăng trưởng cao với mức bình quân từ 8 - 12%/năm, nhưng doanh thu và lợi nhuận gộp của Chương Dương hầu như không thay đổi trong ít nhất 5 năm gần đây. Kết quả kinh doanh của SCD năm 2017 thấp hơn năm 2016, thậm chí chỉ tương đương với giai đoạn cách đây 7 năm.
Ông Trần Đức Hòa, Chủ tịch SCD, từng thừa nhận, Chương Dương chưa có bước đột phá trong chiến lược kinh doanh, đầu tư công nghệ và hình ảnh thương hiệu.
Công nghệ mới nhất của Chương Dương đã được đưa vào sản xuất từ cách đây 18 năm và chỉ sản xuất được sản phẩm có ga, trong đó tiêu thụ ổn định nhất là dòng sản phẩm “sá xị Chương Dương”. Doanh nghiệp đang rất muốn phát triển thêm mặt hàng mới không ga hoặc áp dụng công nghệ cao, nhưng “lực bất tòng tâm”.
Cụ thể, năm 2016, sản phẩm mới trà xanh đã được Chương Dương đưa ra thị trường, nhưng trên thực tế, Công ty không thể tự sản xuất mà phải gia công. Áp lực chi phí gia công khá cao khiến SCD không đạt được lợi nhuận nên đã tạm gác lại và chờ nhà máy mới.
Tại Đại hội đồng cổ đông năm 2017, SCD cho biết, sẽ đầu tư nhà máy mới hơn 400 tỷ đồng tại Khu công nghiệp Tây Bắc Củ Chi (TP.HCM), công suất 50 triệu lít/năm, khi cần, có thể mở rộng lên 55 triệu lít. Dự án này đang chờ Tổng công ty Bia rượu và Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) - nắm 61,9% cổ phần của SCD, đồng ý cho triển khai. Tuy nhiên, đến thời điểm này, chưa có thêm thông tin gì về dự án từ phía SCD.
Đâu là lời giải?
Hơn 1.600 cơ sở sản xuất nước giải khát trên cả nước, trong đó bao gồm nhiều “ông lớn” như Coca Cola, Pepsi, URC, Tân Hiệp Phát… cho thấy sức hút của ngành nước giải khát tại Việt Nam vẫn đang rất mạnh mẽ.
Ông Laurent Levan, Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc URC Việt Nam
Ông Laurent Levan, Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc URC Việt Nam cho rằng, với xu thế tiêu dùng luôn thay đổi, ngành thực phẩm, đồ uống Việt Nam đang rất sôi động và còn nhiều dư địa tăng trưởng. Theo ông Laurent Levan, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc URC Việt Nam, khi người tiêu dùng ngày một ưa chuộng các sản phẩm lành mạnh và tiện lợi hơn, URC đang không ngừng mở rộng danh mục sản phẩm để đáp ứng thị hiếu đang thay đổi.
Thực tế này cho thấy, Chương Dương phải cạnh tranh không ngừng và đối mặt với nhiều khó khăn khi chỉ sản xuất mặt hàng chủ lực là sản phẩm nước có ga.
Ngoài ra, giới chuyên môn cho rằng, SCD vẫn còn tập trung sản lượng cho một số khách hàng lớn, chưa mở rộng thị trường tại các tỉnh, thành trên cả nước nhằm tăng độ phủ, đặc biệt là chưa có hệ thống nhà phân phối truyền thống vững chắc, nhân viên bán hàng chuyên nghiệp. Hiện, SCD mới có hơn 400 đại lý phân phối và vài ngàn điểm bán hàng, chủ yếu tại khu vực TP.HCM và các tỉnh miền Tây.
Thực trạng đó kiến Ban Kiểm soát của SCD nhiều lần khuyến cáo, Hội đồng quản trị cần thể hiện rõ vai trò định hướng, chỉ đạo và giám sát chặt chẽ hơn nữa việc triển khai các chiến lược kinh doanh, phát triển sản phẩm, bán hàng và marketing… nhằm đảm bảo đạt được các mục tiêu phát triển trung, dài hạn bên cạnh các chỉ tiêu kinh doanh mỗi năm
Trong chiến lược kinh doanh mới được đưa ra, Chương Dương cho biết, sẽ đẩy mạnh phát triển dòng sản phẩm không ga và sản phẩm dinh dưỡng phù hợp với nhu cầu của thị trường trong nước và khu vực. Tuy nhiên, với những thách thức đang đối mặt, bài toán “thoát lỗ” của SCD không phải dễ giải.