Lo uống nhiều nên đánh thuế
Ông Phạm Đình Thi, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính), thành viên Ban soạn thảo Dự thảo cho hay, với nước ngọt có gas, việc đánh thuế không nhằm tới chuyện có hàm lượng CO2 trong nước ngọt, mà vấn đề là, vì có CO2 sục vào nước ngọt, tạo cảm giác cay nồng, đã khát, nên sẽ dẫn tới việc người tiêu dùng uống nhiều.
Nhiều ý kiến cho rằng, hàng hóa, dịch vụ được xếp vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt cần thỏa mãn yếu tố “đặc biệt” |
Bộ Tài chính cho rằng, việc định hướng tiêu dùng, giảm lạm dụng, tránh sử dụng nước ngọt để không diễn ra tình trạng béo phì tại Việt Nam là rất cấp thiết.
Đặc biệt, Ban soạn thảo nhắc tới việc Việt Nam có nhiều hoa quả tươi, sử dụng nước hoa quả tươi và hoa quả chế biến có lợi cho sức khỏe, cần khuyến khích sử dụng, sản xuất chế biến các sản phẩm đa dạng, hấp dẫn người tiêu dùng, thì việc dùng biện pháp về thuế trợ giúp là phù hợp.
Ông Thi cũng khẳng định, nếu đánh thuế vào nước ngọt có gas, Việt Nam không vi phạm cam kết của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), bởi phạm vi áp dụng thuế là đối với cả hàng trong nước lẫn hàng nhập khẩu. Ngoài ra, cũng không phân biệt doanh nghiệp có vốn trong nước hay nhà đầu tư nước ngoài.
Còn bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế tính toán, với mức thuế 10%, tức là chưa đến 1.000 đồng/lít ở thời điểm này, 1 lon nước ngọt có gas chịu thêm 250 đồng là một con số không lớn và doanh nghiệp có thể tính toán để tiết kiệm, không làm tăng chi phí sản xuất.
Không đồng tình với lý do “sợ lạm dụng từ phía người tiêu dùng, nên phải đánh thuế để hạn chế”, Luật gia Vũ Xuân Tiền, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Luật gia Hà Nội cho rằng, Luật Thuế TTĐB cần phải phân tích mặt được và tác hại của sản phẩm trong điều kiện tiêu dùng bình thường để thấy áp thuế là hợp lý. Bởi “bất kỳ sản phẩm nào, nếu sử dụng quá mức đều có hại và luật thuế không có chức năng điều tiết mức sử dụng hàng hóa, dịch vụ của con người”.
Tạm dừng hay dừng hẳn?
Cho rằng, nếu lo lắng đến sức khỏe người dân, cần phải dùng các biện pháp tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức, chứ không chỉ trông đợi vào tăng thuế, TS. Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam nhận xét, Ban soạn thảo cần có những lập luận tốt hơn khi đưa ra dự thảo thuế TTĐB.
Hiện nước ngọt có gas không cồn là một trong những mặt hàng tiêu thụ tốt tại các siêu thị. Tuy nhiên, Dự thảo lại không nói đến khía cạnh sản xuất của doanh nghiệp bị ảnh hưởng ra sao nếu tăng thuế, tác động liên quan đến thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp khi sản xuất bị ảnh hưởng hay dây chuyền phân phối biến động thế nào.
Là một đại biểu Quốc hội trực tiếp tham gia nhấn nút, ông Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng nhấn mạnh, mục đích sửa Luật Thuế TTĐB lần này chưa rõ nhằm tới tăng thu ngân sách, hay tái phân phối tạo công bằng, hay nâng cao sức khỏe cộng đồng. Trong đó, các bằng chứng được đưa ra về tác hại của nước ngọt có gas đối với sức khỏe cộng đồng là chưa có sức thuyết phục.
Từng là Phó bí thư tỉnh ủy tỉnh Sóc Trăng, ông Kiên cho biết, trẻ em ở các vùng nông thôn mỗi năm may ra được uống 2 lon nước ngọt, là vào những lúc có đoàn tham quan đến trường, đến huyện.
“Ở thành phố, lo ngại nước ngọt có gas làm trẻ em béo phì, nhưng ở quê, nếu có nước ngọt uống mà giúp trẻ em béo lên, thì chứng tỏ là gia đình đã thoát nghèo”, ông Kiên đưa ra nhận xét vui khi đề nghị các nhà làm chính sách phải sát với thực tiễn hơn, để người dân không nhìn những người đưa ra chính sách hay bỏ phiếu thông qua các chính sách ấy là xa lạ, hay không hiểu về đời sống thực tế của người dân.
Chia sẻ quan điểm làm chính sách phải thực tiễn, GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nhận xét, các hàng hóa, dịch vụ được xếp vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt cần thỏa mãn yếu tố “đặc biệt”.
Cho rằng, cơ quan soạn thảo đưa ra hai phương án cho nước ngọt có gas không cồn chưa giải thích kỹ càng, không có luận cứ khoa học thuyết phục, GS-TSKH Nguyễn Mại đề nghị bỏ ngay phương án vẫn áp thuế TTĐB với nước ngọt có gas không cồn, nhưng lại không thu thuế ngay. “Chưa có, thì đưa vào làm gì để sinh ra tranh luận tốn thời gian, tạo ra chính sách vô bổ, khiến dân không hiểu”, GS-TSKH Nguyễn Mại nói.
Ý kiến chuyên gia Nhiều bất cập trong các phương án Bà Võ Lan Phương, Giám đốc điều hành Công ty Tư vấn Vriens & Partner Ban soạn thảo đưa ra việc nước ngọt có gas có hại cho sức khỏe vì bao gồm các thành phần gây hại như CO2, đường, chất bảo quản, cafein, HFCS, gây ra nhiều bệnh, như béo phì, sỏi thận, tiểu đường, nguy cơ ung thư… Trên thực tế, béo phì, tiểu đường hay ung thư là do nhiều nguyên nhân gây ra, như ít vận động, ăn uống, rối loạn chuyển hóa, hệ miễn dịch, thực phẩm, môi trường ô nhiễm. Vì vậy, cần phải có số liệu khảo sát kỹ hơn như số bệnh nhân do tiêu thụ nước ngọt có gas/tổng số bệnh nhân mắc các bệnh nêu trên để chứng minh mới thuyết phục và khoa học. Ở khía cạnh về lượng tiêu thụ nước ngọt có gas tại Việt Nam năm 2013 là 927 triệu lít, tương đương 10 lít/người/năm. So với ở Anh là 103 lít/người/năm, Nhật là 21,6 lít/người/năm, New Zealand là 84,2 lít/người/năm, Mỹ là 216 lít/người/năm hay Thụy Điển là 82,4 lít/người/năm, thì mức tiêu thụ ở Việt Nam còn thấp. Nếu lo ngại nước ngọt có gas dẫn đến sự béo phì, thì các loại nước ngọt nói chung đều có đường. Như vậy, để công bằng, cần đánh thuế theo hàm lượng đường trong nước uống hay đánh thuế với thành phần đường vượt quá giới hạn quy định trong nước ngọt để tránh gây nên những lạm dụng về độ ngọt. Điều này cũng giúp người tiêu dùng để ý hơn tới lượng đường trong sản phẩm, chọn sản phẩm ít đường hơn hay tạo động lực cho nhà sản xuất giảm thành phần đường Một dự thảo luật cần đánh giá tác động tiêu cực, tích cực ở tất cả các góc độ có liên quan, như tác động về kinh tế với doanh nghiệp và người dân, với ngân sách nhà nước, với hệ thống pháp luật, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Dự thảo mới tính tới việc nếu áp thuế 10%, thì ngân sách nhà nước sẽ tăng thêm khoảng 1.500 tỷ đồng, chứ không nhắc tới các hiệu ứng tiêu cực, như giảm sản xuất, giảm doanh thu, giảm việc làm hay chi phí y tế sẽ được giảm là ra sao nếu áp thuế. Phân biệt đối xử LS. Sesto Vechi, Đại diện Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) AmCham duy trì và nhấn mạnh lập trường tôn trọng các quyết định về chính sách thuế của Chính phủ Việt Nam và sẽ không phản đối trong trường hợp Dự thảo được thông qua. Tuy vậy để thực hiện điều này, cần làm rõ một số yếu tố mang tính phân biệt đối xử trong nội dung Dự thảo. Theo nghiên cứu của Công ty Nielsen (Mỹ), các thương hiệu Mỹ chiếm khoảng 88% thị phần nước giải khát có gas được bán tại Việt Nam, điều tương tự cũng diễn ra ở thị trường các nước khác trên toàn cầu. Bởi hầu như các nước giải khát có gas được bán ở Việt Nam mang thương hiệu Mỹ, nên sắc thuế này sẽ đánh vào nước giải khát có gas mang thương hiệu Mỹ và rõ ràng có sự phân biệt đối xử. Một khảo sát gần đây với người tiêu dùng Việt Nam chỉ ra rằng, hơn 70% người tiêu dùng sẽ chuyển từ nước giải khát có gas sang nước giải khát không có gas nếu thuế suất 10% bị áp lên nước giải khát có gas. Nước giải khát có gas và không có gas có thể thay thế nhau và được dùng để giải khát và thỏa mãn “cơn thèm ngọt”. Nếu nước ngọt có gas trở nên đắt đỏ do bị áp thêm thuế TTĐB, trong khi nước ngọt không có gas lại không bị áp thuế, thì người tiêu thụ sẽ chuyển sang dùng nước ngọt không có gas rẻ tiền hơn. Pháp lệnh 41/2002/PL-UBTVQH10 của Việt Nam khẳng định, đối xử quốc gia trong đầu tư là đối xử không kém thuận lợi hơn đối xử mà Việt Nam dành cho đầu tư và nhà đầu tư nước ngoài so với đầu tư và nhà đầu tư trong nước trong những điều kiện tương tự. AmCham mong muốn tất cả doanh nghiệp cùng ngành đều được đối xử một cách công bằng. Về tác động sức khỏe của nước ngọt có gas, qua tham chiếu từ những nghiên cứu uy tín, trong đó có nghiên cứu của Viện Chính sách và Chiến lược y tế (Bộ Y tế) đã kết luận rằng, không có bất cứ vấn đề sức khỏe nào liên quan đến việc tiêu thụ CO2 được ghi nhận. Xin chia sẻ thêm rằng, trên thế giới, đã có những sắc thuế TTĐB lên đường và một số loại đồ uống cụ thể, tuy nhiên, chưa có bất kỳ trường hợp nào đối tượng chịu thuế là CO2. Đồ uống năng lượng, điện giải, thể thao được xếp vào nhóm nước ngọt có gas Ông Nguyễn Hùng Long, Phó cục trưởng Cục Vệ sinh An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) Định nghĩa của Ủy ban Codex cho biết, nước ngọt có gas là loại CO2, bao gồm cả đồ uống “thể thao”, đồ uống “năng lượng”, hoặc đồ uống “điện giải”. Các thành phần trong nước ngọt có gas đã được tiến hành phân tích nguy cơ bởi Ủy ban Chuyên gia hỗn hợp FAO/WHO về phụ gia thực phẩm (JECFA). Kết quả cho thấy, việc sử dụng phụ gia đúng đối tượng và liều lượng theo tiêu chuẩn của Ủy ban Codex đảm bảo an toàn đối với sức khỏe người tiêu dùng. Bên cạnh đó, báo cáo từ Viện Chiến lược và Chính sách y tế (Bộ Y tế Việt Nam) kết luận rằng, không có bất kỳ vấn đề sức khỏe nào liên quan đến việc tiêu thụ CO2 được ghi nhận. Do vậy, hiện chưa đủ bằng chứng khoa học cụ thể kết luận về tác hại của nước ngọt có gas. Với thực trạng sử dụng nước ngọt ở Việt Nam hiện nay, chỉ nên đưa ra các khuyến cáo để giảm tiêu thụ đồ uống ngọt do không có lợi cho sức khỏe, hạn chế nguy cơ mắc bệnh và cần có những nghiên cứu có tính khoa học và tính cộng đồng để đưa ra những chính sách phù hợp. |
Thanh Hương