Sức khỏe doanh nghiệp
Nước Thủ Dầu Một kéo dài thời gian chào bán 10 triệu cổ phiếu trên sàn HoSE
Duy Bắc - 04/10/2022 11:11
Công ty cổ phần Nước Thủ Dầu Một (Mã chứng khoán TDM - sàn HoSE) thay đổi thời gian đấu giá cổ phiếu trên HoSE.

Cụ thể, ngày 25/10, Nước Thủ Dầu Một dự kiến tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2022 tại tỉnh Bình Dương.

Công ty trình cổ đông kế hoạch chào bán cổ phiếu được thông qua tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022. Trong đó, Công ty dự kiến chào bán 10 triệu cổ phiếu thông qua đấu giá tại HoSE, thời gian dự kiến thực hiện từ quý IV/2022 đến quý I/2023 và sau khi được UBCKN cấp giấy chứng nhận chào bán cổ phiếu ra công chúng.

Giá chào bán không thấp hơn giá trị sổ sách tại thời điểm 30/6/2022 là 19.125 đồng/cổ phiếu và công ty dự kiến dùng số tiền huy động để đầu tư mua cổ phần của CTCP Cấp nước Cần Thơ với giá trị 143 tỷ đồng; đầu tư tuyến ống chuyển tải nước thô D1600 từ công trình thu Tân Ba về Nhà máy Nước Dĩ An với giá trị 140 tỷ đồng.

Được biết, tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2022, Công ty thông qua kế hoạch chào bán 10 triệu cổ phiếu ra công chúng cho nhà đầu tư thông qua hình thức đấu giá tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HOSE), thời gian dự kiến từ quý II/2022 và sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp giấy chứng nhận chào bán chứng khoán ra công chúng.

Công ty dự kiến ưu tiên sử dụng theo thứ tự và tùy thuộc vào số tiền huy động được. Trong đó, ưu tiên 1 là bù đắp vốn lưu động để thực hiện hoạt động đầu tư vào các công ty nước với tổng số tiền 297,7 tỷ đồng (143 tỷ đồng mua cổ phần CTCP Cấp thoát nước Cần Thơ, 70 tỷ đồng mua cổ phần CTCP Cấp nước Cần Thơ 2,48,55 tỷ đồng mua cổ phần CTCP cấp nước Gia Tân, và 36,2 tỷ đồng mua cổ phần CTCP Cấp nước Đồng Nai); ưu tiên hai là chuẩn bị đầu tư như thuê tư vấn nghiên cứu dự án, chuẩn bị mua sắm vật tư chiến lược trọng yếu của dự án nếu thời điểm giá thuận lợi và để tổ chức thi công song song đồng bộ cải tạo đường của TP. Thuận An…; và ưu tiên ba là bổ sung vốn lưu động để phục vụ các hoạt động kinh doanh, hoạt động tài chính.

Như vậy, so với tờ trình đã được thông qua, tờ trình mới thay đổi lớn nhất chủ yếu kéo dài thời gian thực hiện chào bán cổ phiếu từ quý II/2022 sang tới quý IV/2022-quý I/2023.

Lợi nhuận quý II giảm do hụt doanh thu tài chính

Xét về hoạt động kinh doanh, trong 6 tháng đầu năm 2022, Nước Thủ Dầu Một ghi nhận doanh thu đạt 230,17 tỷ đồng, tăng 11,7% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 92,07 tỷ đồng, giảm 44,9% so với cùng kỳ. Trong đó, biên lợi nhuận gộp tăng nhẹ từ 50,8% lên 51,4%.

Trong kỳ, lợi nhuận gộp tăng 13% so với cùng kỳ, tương ứng tăng thêm 13,57 tỷ đồng lên 118,23 tỷ đồng; doanh thu tài chính giảm 98,2%, tương ứng giảm 85,67 tỷ đồng về 1,57 tỷ đồng; chi phí tài chính tăng 11,8%, tương ứng tăng thêm 1,87 tỷ đồng lên 17,68 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.

Nguyên nhân doanh thu tài chính giảm chủ yếu do trong kỳ chỉ ghi nhận cổ tức, lợi nhuận được chia 0,4 tỷ đồng so với cùng kỳ hơn 87 tỷ đồng.

Trong năm 2022, Nước Thủ Dầu Một đặt kế hoạch nước tiêu thụ hơn 71 triệu m3, tăng 12% so với cùng kỳ, tổng doanh thu 510 tỷ đồng, giảm 16% so với cùng kỳ, lợi nhuận trước thuế 246,7 tỷ đồng, giảm 27% so với cùng kỳ và cổ tức dự kiến 13%. Như vậy, kết thúc 6 tháng đầu năm với lợi nhuận trước thuế đạt 96,96 tỷ đồng, Công ty mới hoàn thành 39,3% kế hoạch lợi nhuận năm.

Nước Thủ Dầu Một lớn nhanh nhờ doanh nghiệp nhà nước Biwase

Công ty cổ phần Nước Thủ Dầu Một được thành lập năm 2013 với ngành nghề chính là kinh doanh nước sạch, vốn điều lệ 200 tỷ đồng.

4 cổ đông sáng lập của Công ty bao gồm Công ty TNHH một thành viên cấp nước – Môi trường Bình Dương (Hiện tại là Công ty cổ phần Nước - Môi trường Bình Dương - Biwase, mã BWE – sàn HOSE), Công ty TNHH Thương mại N.T.P, Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Kỹ thuật D&B và Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Quỳnh Phúc với cam kết nắm giữ tối thiểu 3 năm sau khi thành lập.

Được biết, khi thành lập Nước Thủ Dầu Một, ông Nguyễn Văn Thiền là Chủ tịch HĐQT Nước Thủ Dầu Một, đồng thời là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc của Biwase.

Tính tới 12/1/2016, cơ cấu cổ đông của Nước Thủ Dầu Một gồm 4 cổ đông lớn là Biwase sở hữu 26% vốn điều lệ, Công ty N.T.P sở hữu 15%; Công ty D&B sở hữu 15%; Công ty Quỳnh Phúc sở hữu 22% và còn lại 22% vốn điều lệ thuộc nhóm cổ đông khác.

Cuối năm 2014, sau hơn 1 năm thành lập, Nước Thủ Dầu Một đã hoàn tất xây dựng Nhà máy cấp nước Nam Thủ Dầu Một mở rộng công suất 45.000 m3/ngày đêm để nâng tổng công suất lên khoảng 100.000 m3/ngày đêm. Ngoài ra, Nước Thủ Dầu Một cũng đang triển khai thực hiện dự án đầu tư Nhà Máy Nước Bàu Bàng, huyện Bàu Bàng tỉnh Bình Dương với tổng mức đầu tư khoảng 350 tỷ đồng.

Hoạt động kinh doanh của Nước Thủ Dầu Một phải nói là rất thuận lợi với việc ký hợp đồng cung cấp nước sạch qua đồng hồ tổng cho khách hàng duy nhất là Biwase, nên đầu ra và giá bán ổn định, được cổ đông sáng lập là Biwase bao tiêu sản phẩm đầu ra của các nhà máy.

Thêm nữa, Nước Thủ Dầu Một là doanh nghiệp có mức biên lợi nhuận gộp duy trì ở mức cao hơn so với cổ đông sáng lập là Biwase. Trong giai đoạn mới thành lập, doanh thu Công ty liên tục tăng trưởng mạnh, năm 2014 chỉ 19,3 tỷ đồng thì tới năm 2018 đã là 286,2 tỷ đồng, gấp 14,8 lần thời điểm thành lập.

Bên cạnh tốc độ tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận gộp, biên lợi nhuận gộp của Nước Thủ Dầu Một cũng cao hơn nhiều so với Biwase.

Trước khi Biwase cổ phần hóa , đơn vị này sở hữu 26% vốn điều lệ tại Nước Thủ Dầu Một. Tuy nhiên, sau cổ phần hóa, Nước Thủ Dầu Một lại sở hữu 35% vốn điều lệ tại Biwase và trở thành cổ đông lớn thứ hai tại Biwase.

Có thể thấy, so với thời điểm Biwase hoàn tất cổ phần hóa đến ngày 30/6/2022, cơ cấu cổ đông của Biwase thay đổi khá lớn. Nước Thủ Dầu Một trở thành cổ đông lớn nhất sở hữu 37,42% vốn điều lệ; Becamex chỉ còn sở hữu 19,44% vốn điều lệ; Ecorbit Co., Ltd sở hữu 6,22% vốn điều lệ và còn lại 36,92% thuộc về nhóm cổ đông khác.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 3/10, cổ phiếu TDM tăng 100 đồng lên 38.650 đồng/cổ phiếu.

Tin liên quan
Tin khác