Nút thắt cản trở liên kết vùng
Ông Nguyễn Công Luân, Phó trưởng phòng Quản lý xuất nhập khẩu (Sở Công thương TP.HCM) cho biết, việc phát triển hệ thống logistics của Thành phố đang đối mặt không ít rào cản khi chưa có khung khổ pháp lý hoàn chỉnh điều chỉnh riêng đối với hoạt động logistics từng ngành, từng lĩnh vực.
Trong khi đó, hệ thống đường giao thông chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của TP.HCM, như các tuyến đường vành đai kết nối Thành phố với các tỉnh Đông Nam bộ, Tây Nam bộ chưa được đầu tư đúng mức. Hệ thống đường vành đai 2, 3, 4 chưa hoàn chỉnh, thường tắc nghẽn các tuyến đường bộ đến các cảng Cát Lái, ICD Trường Thọ...
Không chỉ vậy, theo bà Phạm Thị Mỹ Lệ, Phó giám đốc marketing (Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn), với quy mô chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, các công ty logistics Việt Nam gặp khó khăn trong việc tiếp cận và thực hiện chuyển đổi số. Mức độ ứng dụng công nghệ thông tin của các doanh nghiệp cảng, các hãng tàu, cơ quan hải quan, cảng vụ, chính quyền... còn chưa đồng đều, một số hệ thống chưa sẵn sàng cho việc kết nối.
Hạ tầng logicstics trong tình trạng vừa thiếu, vừa yếu, khiến chi phí logictics rất cao. Do đó, chuỗi dịch vụ logistics về liên kết tiêu thụ và phân phối sản phẩm đang là một nút thắt, cản trở lợi thế phát triển nguyên liệu của tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, cũng như chưa đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp chế biến thực phẩm tại TP.HCM.
Nhiều vùng nguyên liệu đã được hình thành, nhưng hạ tầng yếu kém dẫn tới chi phí vận chuyển tới nơi chế biến, tiêu thụ lớn là TP.HCM tăng cao, gây khó cho cả nông dân và doanh nghiệp tại Thành phố.
Đó là chưa kể, kho lạnh của TP.HCM cũng thiếu. Còn Đồng bằng sông Cửu Long cũng chỉ sở hữu khoảng 30% số lượng kho lạnh của khu vực phía Nam. Từ thực tế đó, tỷ lệ tổn thất nông, thủy sản sau thu hoạch của vùng liên kết với TP.HCM nói riêng và Đồng bằng sông Cửu Long nói chung đang ở mức rất cao.
Tìm cách gỡ khó
Theo Đề án Phát triển ngành logistics TP.HCM đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, TP.HCM sẽ xây dựng 8 trung tâm logistics với tổng diện tích hơn 750 ha; yêu cầu cao về kết nối hạ tầng giao thông đồng bộ, vốn, năng lực, kinh nghiệm xây dựng, quản lý, vận hành của nhà đầu tư... Do đó, sẽ bổ sung 8 trung tâm logistics vào Đồ án Quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 để có cơ sở triển khai thực hiện trong thời gian tới.
Ông Luân cho hay, Trung tâm logistics Khu công nghệ cao (diện tích 6 ha) đang trong giai đoạn lựa chọn nhà đầu tư để triển khai xây dựng. Các trung tâm logistics còn lại đang ở giai đoạn rà soát quy hoạch, bao gồm Cát Lái - Phú Hữu (TP. Thủ Đức, 292 ha), Long Bình (TP. Thủ Đức, 54 ha), Linh Trung (TP. Thủ Đức, 74 ha), Củ Chi (huyện Củ Chi, 15 ha), Tân Kiên (huyện Bình Chánh, 60 ha), Hiệp Phước (huyện Nhà Bè, 100 ha), xã Tân Hiệp (huyện Hóc Môn, 150 ha).
Ngoài ra, các dự án có chức năng “tương tự trung tâm logistics” như kho lạnh ở Khu công nghiệp Vĩnh Lộc, kho thương mại điện tử ở Củ Chi… đang được các doanh nghiệp triển khai xây dựng.
Bà Lệ chia sẻ: “Để từng bước giải quyết, chúng tôi lựa chọn một số giải pháp như nâng cấp, đồng bộ hệ thống logistics; ứng dụng văn phòng điện tử eOffice; triển khai thành công hệ thống giám sát an ninh cảng biển trên nền tảng công nghệ; triển khai cảng điện tử ePort đối với hàng nguyên container; xây dựng giải pháp góp phần rút ngắn thời gian làm thủ tục…
Đặc biệt, Tân Cảng Sài Gòn đang xây dựng một ứng dụng lõi, có khả năng mở rộng, có thể linh động trong việc kết nối với các bên liên quan. Trong thời gian tới, doanh nghiệp sẽ tiếp tục kết nối với các doanh nghiệp cảng, logistics, cảng vụ để từng bước hình thành hệ sinh thái số (eSNP) trong lĩnh vực cảng biển và logistics.