Với việc niêm yết cổ phiếu vào cuối năm 2020, OCB sẽ hoàn tất các bước đi chiến lược của mình gồm tái cấu trúc, bán vốn ngoại và niêm yết. |
Chốt room ngoại
Chia sẻ về thương vụ bán vốn cho Aozora Bank (AOZ - Nhật Bản), được công bố tháng 6/2020, Chủ tịch OCB, ông Trịnh Văn Tuấn cho biết, thương vụ này chỉ đặc biệt bởi thời điểm công bố đúng vào lúc đại dịch Covid-19 đang diễn ra, còn thực chất thì quá trình chuẩn bị đã diễn ra vào các năm trước.
Theo ông Tuấn, cuối năm 2017 đầu 2018 là cơ hội vàng để niêm yết, nhưng thời điểm ấy, đối tác chiến lược nước ngoài của OCB là BNP Paribas đã bán toàn bộ hơn 74 triệu cổ phiếu, tương đương 18,68% vốn điều lệ của Ngân hàng sau 10 năm đầu tư vào OCB.
Sau khi BNP Paribas rút khỏi, OCB tìm cổ đông chiến lược khác thay thế. Gương mặt mới là Aozora Bank với một bản cam kết đầu tư lâu dài tại OCB qua việc cử các chuyên gia tham gia hoạt động quản trị và điều hành, hỗ trợ phát triển kinh doanh, hỗ trợ các hoạt động bán lẻ, quản lý rủi ro, nâng cao công nghệ, ngân hàng số. Đồng thời, hai ngân hàng liên kết cung cấp dịch vụ tài chính cho các doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động tại thị trường Việt Nam.
Vì sao lại là Aozora? Ông Tuấn cho biết, qua quá trình tìm hiểu, nghiên cứu, OCB hiểu rằng, Aozora tuy không phải là ngân hàng lớn nhất Nhật Bản, nhưng là ngân hàng tốt, có quy mô 50 tỷ USD. Điều mà OCB quan tâm ở Aozora chính là chất lượng hoạt động, hiện là ngân hàng hoạt động hiệu quả nhất Nhật Bản, quan hệ quốc tế rộng, đủ điều kiện giúp OCB về các mặt.
Tập trung vào hiệu quả cũng là điểm mà OCB đang hướng tới. Tuy không phải tốt nhất trên thị trường, nhưng tỷ suất lợi nhuận của OCB vẫn đứng vị trí cao trong số các ngân hàng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2020, OCB đạt trên 2.500 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Tổng tài sản của OCB đạt 132.992 tỷ đồng, tăng 13% so với cuối năm ngoái và tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Vốn chủ sở hữu của OCB tiếp tục tăng mạnh khi đạt 15.913 tỷ đồng, tăng tới 52% so với cùng kỳ năm 2019.
Năm 2020, OCB dự kiến tổng tài sản đạt 150.000 tỷ đồng, tăng 27% so với năm 2019; lợi nhuận trước thuế hướng tới mục tiêu tăng 36%, lên mức 4.400 tỷ đồng.
Sau thương vụ bán vốn cho Aozora, cơ cấu cổ đông lớn hiện nay của OCB có sự thay đổi: cổ đông nước ngoài nắm tỷ lệ lớn 15% là Aozora; gia đình ông Trịnh Văn Tuấn sở hữu hơn 16,5% (ông Tuấn đang nắm khoảng 16 triệu cổ phiếu OCB; vợ ông là bà Cao Thị Quế Anh sở hữu 13 triệu cổ phiếu; 3 người con của ông còn nắm lượng cố phiếu nhiều hơn: bà Trịnh Mai Phương Paula với 20,5 triệu cổ phiếu, Trịnh Mai Linh với 17,6 triệu cổ phiếu, bà Trịnh Thị Mai Anh có 16 triệu cổ phiếu).
Ngoài ra, trong một báo cáo mới đây, OCB cho biết, Tổng công ty Bến Thành - TNHH MTV (Ben Thanh Group) đã không còn là cổ đông lớn của OCB khi tỷ lệ sở hữu giảm từ 5,51% xuống còn 4,96%. Đồng thời, Agribank cũng cho biết, sẽ tổ chức bán đấu giá hơn 468.000 cổ phần tại OCB do Ngân hàng sở hữu. Nếu bán đấu giá thành công, Agribank có thể thu về khoảng 8,5 tỷ đồng. Trước đó, Vietcombank thoái vốn tại OCB, thu về hàng trăm tỷ đồng.
Và lên sàn
Lý giải cho việc vì sao nhiều năm lỡ hẹn niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE), bỏ qua đăng ký giao dịch trên thị trường UPCoM, ông Tuấn cho biết, mục đích của Ngân hàng là chốt room ngoại trước khi đưa cổ phiếu lên sàn niêm yết. Vì thế, việc phát hành thành công 15% vốn điều lệ cho Aozora Bank (AOZ-Nhật Bản) là điều kiện đủ để OCB niêm yết cổ phiếu trên sàn HoSE.
Nói thêm về kế hoạch niêm yết của OCB, đây cũng là câu chuyện “lỡ dở” mà OCB đưa ra kế hoạch nhiều năm trước, nhưng sau đó “đóng lại”. Việc niêm yết trên sàn không chỉ là yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước với các ngân hàng thương mại, mà còn do nhu cầu tự thân của OCB.
Trong 3 mùa đại hội đồng cổ đông, OCB đều đưa ra kế hoạch này và được cổ đông thông qua. Như khẳng định của ông Tuấn, chủ trương của OCB là muốn niêm yết càng sớm càng tốt, nhằm nâng tính thanh khoản cho cổ phần, minh bạch hoạt động.
Tuy nhiên, Chủ tịch OCB cho hay, việc niêm yết còn phải phụ thuộc vào điều kiện thị trường. Nếu thị trường không thuận lợi, việc niêm yết sẽ khó đem lại lợi ích cho cổ đông khi giá cổ phiếu thấp. Vì vậy, HĐQT OCB muốn chọn thời điểm thị trường thuận lợi niêm yết để đảm bảo lợi ích cho cổ đông. Mặt khác, OCB muốn hoàn tất việc bán vốn cho cổ đông chiến lược nước ngoài trước khi niêm yết cổ phiếu.
Việc OCB niêm yết cổ phiếu vào cuối năm 2020 được cho là đáp ứng kỳ vọng của cổ đông, nhà đầu tư sau nhiều năm chờ đợi, nhất là khi cổ phiếu “vua” đang xu hướng tăng giá. Đồng thời, đây cũng là việc hoàn tất các bước đi chiến lược của nhà băng này gồm tái cấu trúc, bán vốn ngoại và niêm yết.
Trong tuần đầu của tháng 10/2020, OCB đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho tăng vốn điều lệ lên 11.000 tỷ đồng. Sau khi phát hành riêng lẻ cho Aozora, OCB dự định tiếp tục phát hành riêng lẻ hơn 31,6 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư trong và ngoài nước năm nay. Tổng giá trị cổ phiếu dự kiến chào bán theo mệnh giá hơn 316 tỷ đồng.
Năm 2010, OCB có 76 chi nhánh, phòng giao dịch, thì nay có 134 chi nhánh, phòng giao dịch và hơn 200 đơn vị kinh doanh trên toàn quốc. Giai đoạn 2009-2019, tổng tài sản của OCB tăng 10 lần, lợi nhuận sau thuế tăng 12,5 lần; vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu tăng lần lượt gần 4 và 5 lần. Nhưng không dừng lại ở đó, OCB vẫn đẩy mạnh việc tái cấu trúc. Ở giai đoạn 2011-2015, việc tái cấu trúc dẫn dắt OCB chống đỡ qua khủng hoảng kinh tế giai đoạn 2011.
Giai đoạn 2015-2020, OCB tăng tốc. Với Ngân hàng số OCB OMNI, OCB trở thành ngân hàng đầu tiên ra mắt ngân hàng hợp kênh tại Việt Nam năm 2018, cho phép khách hàng đồng nhất các kênh giao dịch (kênh offline, Internet và Mobile app…). OCB OMNI là platform ngân hàng số để giai đoạn 2020-2025, OCB sẽ đẩy mạnh chuyển đổi số (transformation).
Nhờ đón đầu xu hướng của thị trường và thị hiếu của khách hàng, OCB đã nắm bắt được cơ hội tăng trưởng trong hoạt động cho vay. Tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng gấp 3 lần về quy mô trong vòng 5 năm qua, nhờ sự tập trung mạnh mẽ ở mảng bán lẻ, khối SME… OCB ở top 3 ngân hàng về chỉ số ROE và top 2 về ROA, do đó lợi nhuận tăng trưởng cao và bền vững những năm gần đây.