OECD: Kinh tế toàn cầu năm nay sẽ tăng ở mức thấp nhất kể từ sau năm 2008. Ảnh: inventariandochina.com |
Theo OECD, vốn là động lực của kinh tế toàn cầu lâu nay, thương mại có thể tăng thấp hơn mức tăng trưởng của kinh tế thế giới trong năm nay.
Với tiến trình toàn cầu hóa - thường được biểu hiện qua cường độ hoạt động giao thương - có thể mất đà, OECD hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm nay xuống 2,9%, so với mức dự báo tăng 3% đưa ra hồi tháng Sáu và là mức thấp nhất kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009, và năm tới xuống 3,2%, so với con số ước tăng 3,3% đưa ra trước đó.
Theo nhà kinh tế trưởng Catherine Mann của OECD, nếu hoạt động thương mại có thể quay trở lại mức tăng như những năm 1990 và 2000, thì tăng trưởng kinh tế có thể hồi phục về mức trước khủng hoảng tài chính. Theo bà Catherine Mann, ở những nước sắp có bầu cử, cử tri dễ dàng nhận thấy những mặt hại từ sự gia tăng thương mại qua số việc làm bị mất, còn những lợi ích như giá hàng hóa giảm và có nhiều lựa chọn hơn thì khó được nhận thấy hơn.
OECD hạ dự báo nhịp độ tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất thế giới từ 1,8% xuống 1,4%. Mặc dù đây là mức thấp nhất kể từ năm 2009, OECD cho rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ nên tăng lãi suất tại cuộc họp trong hai ngày 20-21/9, điều mà bà Mann cho là sẽ giúp giá tài sản không tăng vượt mức tăng trưởng kinh tế, tiềm ẩn nguy cơ bong bóng. Trong năm tới, OECD nhận định tăng trưởng của kinh tế Mỹ sẽ đạt 2,1%, giảm so với mức dự báo tăng 2,2% đưa ra trước đó.
OECD hạ dự báo tăng trưởng của Khu vực sử dụng đồng euro trong năm nay từ 1,6% xuống 1,5% và năm tới từ 1,7% xuống 1,4%. Theo tổ chức này, tác động từ việc nước Anh ra khỏi Liên minh châu Âu đến kinh tế toàn cầu cho đến nay không lớn, nhất là với khu vực này nhưng sẽ rõ rệt hơn trong năm tới.
OECD cho rằng kinh tế Anh sẽ không chịu tác động mạnh như lo ngại ban đầu sau cuộc trưng cầu dân ý hồi tháng Sáu, với mức tăng trưởng năm nay được nâng từ 1,7% lên 1,8%. Tuy nhiên, triển vọng tăng trưởng năm tới bị hạ xuống chỉ còn 1%, do mối quan hệ thương mại chưa rõ ràng giữa nước này và Liên minh châu Âu.
OECD hạ dự báo tăng trưởng của Nhật Bản năm nay từ 0,7% xuống 0,6%, do đồng yen mạnh và thương mại ở châu Á yếu gây sức ép lên xuất khẩu của "xứ hoa anh đào", mặc dù chính phủ đã thực hiện các biện pháp kích thích và việc hoãn tăng thuế tiêu dùng sẽ khuyến khích nhu cầu.