Phải mất khá lâu, ông Ngô Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Xây dựng đường thủy Việt Nam – Công ty cổ phần (Vinawaco) mới tìm được lối lên bục phát biểu tại Hội nghị Tổng kết công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ Giao thông - Vận tải giai đoạn 2011 - 2015 được tổ chức giữa tuần này.
Kể từ khi trở thành cổ đông chiến lược nắm tới 64% vốn điều lệ Vinawaco – một trong 10 tổng công ty xây lắp giao thông (Cienco) cách đây khoảng 2 năm, ông Tuấn ít có dịp tới Hội trường lớn của Bộ Giao thông - Vận tải. Trước đó, ông Tuấn là Chủ tịch Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng và Phát triển hạ tầng - một đơn vị xây lắp trung bình, trụ sở ở quận Long Biên (Hà Nội), không có nhiều mối liên hệ với Bộ Giao thông - Vận tải.
Cienco1 thi công đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai. Ảnh: A.M |
Các đại biểu dự Hội nghị, trong đó có Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh, đã dành sự quan tâm đặc biệt đến những thông tin về tình hình sản xuất - kinh doanh của Vinawaco thời hậu cổ phần hóa, bởi cách đây chưa lâu, đây còn là một doanh nghiệp nhà nước “ngập trong” nợ nần và khiếu kiện.
Theo chia sẻ của ông Tuấn, trước khi cổ phần hóa, Vinawaco rất khó khăn về tài chính, với số lỗ lũy kế lên đến hơn 1.200 tỷ đồng. Việc làm ít, thiết bị hư hỏng gần hết; đất đai không có sổ đỏ; thu nhập của người lao động đã thấp lại bị nợ đến 7 - 8 tháng. Để quyết định mua Vinawaco không trở thành một sai lầm đắt giá, ông Tuấn phải bơm hàng trăm tỷ đồng để khôi phục thiết bị, lăn đến từng công trường để tháo gỡ khó khăn và kiên trì đeo bám các chủ đầu tư để thu hồi công nợ và tìm kiếm việc làm.
“Dù còn nhiều khó khăn, nhưng Tổng công ty đã từng bước củng cố, kiện toàn tổ chức, ổn định sản xuất; người lao động được trả lương đúng hạn, với thu nhập tăng 15% so với trước khi cổ phần hóa”, ông Tuấn chia sẻ.
Cần phải nói thêm rằng, ông Tuấn hiện đang sắm cả hai vai: Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc, đang có kế hoạch mua nốt 36% vốn nhà nước tại Vinawaco khi Bộ Giao thông - Vận tải tiến hành thoái toàn bộ vốn vào cuối năm nay.
Những thay đổi về nhân sự tại Vinawaco không phải là cá biệt. Tính đến thời điểm này, 6/10 Cienco đã thay đổi cả chủ tịch và tổng giám đốc. Danh sách lãnh đạo “thời nhà nước” tại Cienco rời vị trí để nhường ghế cho các ông chủ tư nhân ngày một dài ra, thậm chí với tần suất ngày một nhanh hơn.
Tại Cienco1, chỉ trong khoảng 2 năm, doanh nghiệp đang được đánh giá là “anh cả đỏ” trong ngành xây dựng có tới 3 gương mặt thay nhau làm Chủ tịch HĐQT. Đặc biệt, ông Quách Bá Vương, Tổng giám đốc là một kỹ sư sinh năm 1976, cách đây 3 tháng còn là giám đốc một đơn vị thành viên tại Cienco1.
“Không phải là những người cũ không tốt, mà đơn giản là sự thay đổi nhằm tìm ra những nhân sự mới phù hợp với triết lý, định hướng kinh doanh của chúng tôi”, một nhà đầu tư cho biết.
Được biết, ngay từ đầu, các Cienco giao thông đã được xác định là Nhà nước không cần giữ cổ phần chi phối, thậm chí có thể thoái hết vốn. Đó là lý do giải thích vì sao các doanh nghiệp này tạo được sức hấp dẫn lớn đối với các nhà đầu tư dù từng bị dự đoán là khó cổ phần hóa.
Theo lãnh đạo Bộ Giao thông - Vận tải, do các đối tác chiến lược đều có cùng ngành nghề hoạt động, nên việc thay đổi cơ cấu cổ đông sẽ không làm thay đổi chiến lược sản xuất, kinh doanh của đơn vị, không ảnh hưởng tới quyền lợi của cổ đông nhỏ lẻ và người lao động.
“Chỉ có cổ phần hóa một cách triệt để mới có thể làm thay đổi bản chất quản trị doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp chủ động hơn trong sản xuất - kinh doanh”, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Đinh La Thăng cho biết.
Nhận định này là có cơ sở, bởi những thống kê của Bộ Giao thông - Vận tải cho thấy, hoạt động sản xuất - kinh doanh và tình hình tài chính của 10 công ty mẹ - Cienco có sự cải thiện rất lớn kể từ sau khi cổ phần hóa. Cụ thể, tổng tài sản của 10 cienco là 21.802 tỷ đồng, tăng 127% so với trước cổ phần hóa; vốn chủ sở hữu từ 3.734 tỷ đồng lên 5.310 tỷ đồng, tăng 142%; doanh thu từ 16.817 tỷ đồng lên 22.227 tỷ đồng, tăng 132%.
“Điều rất đáng mừng là, lợi nhuận trước thuế của các doanh nghiệp tăng đột biến từ 67 tỷ đồng lên 630 tỷ đồng (gấp 9,5 lần) và thu nhập của người lao động tăng từ 5,94 triệu đồng/tháng lên 9,05 triệu đồng/tháng”, ông Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải ghi nhận.
Lãnh đạo Bộ Giao thông - Vận tải cũng bác bỏ lo ngại về việc “rã đám” khối xây dựng cơ bản, bởi việc 2 đại dự án hạ tầng về đích trước tiến độ là Quốc lộ 1, Quốc lộ 14 có công rất lớn của các Cienco do các ông chủ dân doanh nắm trên cả phương diện là nhà thầu và chủ đầu tư.
Ông Trường cũng cho biết, trong tháng 12/2015, Bộ Giao thông - Vận tải sẽ tiến hành thoái toàn bộ vốn nhà nước tại Cienco5, Cienco6, Tổng công ty Công nghiệp Ô tô Việt Nam; Tổng công ty Vận tải thủy; Tổng công ty Xây dựng Thăng Long.
“Việc thoái vốn sâu hoặc triệt để không chỉ dễ tìm kiếm các nhà đầu tư chiến lược, mà còn giúp doanh nghiệp cải thiện được tình hình tài chính và quản trị”, ông Trường đúc kết.