Theo đó, sáng 15/10, Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Thuận làm việc ngày thứ hai của phiên chính thức, tiến hành các thủ tục bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV, nhiệm kỳ 2020-2025. Theo kế quả được công bố chiều qua, 50 đồng chí trúng cử Ban chấp hành khoá mới, đủ số lượng theo cơ cấu.
Cuối giờ chiều cùng ngày, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Thuận khóa XIV họp phiên đầu tiên và bầu ra Ban Thường vụ Tỉnh uỷ gồm 14 đồng chí. Ông Dương Văn An, đắc cử Bí thư Tỉnh ủy, ông Nguyễn Hoài Anh đắc cử Phó bí thư Tỉnh uỷ Bình Thuận nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Đắc cử Bí thư Tỉnh uỷ nhiệm kỳ 2020 - 2025, ông Dương Văn An sẽ cùng Đảng bộ Bình Thuận phải giải quyết nhiều hạn chế nếu muốn đưa kinh tế tỉnh Nam Trung bộ giàu tiềm năng này phát triển khởi sắc. |
Ông Dương Văn An sinh năm 1971, quê quán huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Ông An có trình độ chuyên môn là tiến sỹ kinh tế, lý luận chính trị cử nhân. Trước khi đắc cử Bí thư Tỉnh uỷ, ông An được Ban Bí thư Trung ương Đảng luân chuyển, chỉ định tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và giữ chức vụ Phó bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận khóa XII vào tháng 3/2014 và tái cử Phó bí thư Tỉnh ủy khóa XIII.
Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Thuận diễn ra từ ngày 13 đến ngày 16/10. Theo báo cáo tại Đại hội, kinh tế tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2016 - 2020, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân 7,64%/năm vượt so với kế hoạch; trong đó, GRDP nhóm ngành công nghiệp - xây dựng tăng hơn 16,83%. Tỷ lệ huy động GRDP vào ngân sách bình quân hàng năm đạt 10,6%. Chi đầu tư phát triển hơn 35% tổng chi ngân sách địa phương. Thu hút vốn đầu tư toàn xã hội so với GRDP chiếm 39,3%. Bình quân hàng năm, giải quyết việc làm cho hơn 24.000 lao động, giảm tỷ lệ hộ nghèo 0,94%.
Thành quả nổi bật trong nhiệm kỳ qua đó chính là việc thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế. Theo đó kinh tế tăng trưởng khá, đặc biệt có sự bứt phá trong giai đoạn 2018, 2019.
Cơ cấu cây trồng được chuyển đổi đúng hướng; hệ số sử dụng đất lúa tiếp tục tăng, những vùng đất lúa kém hiệu quả được luân canh trồng các loại cây khác có hiệu quả hơn. Cây thanh long vẫn là cây trồng lợi thế có sự tăng trưởng nhanh về diện tích, gắn với sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn và hình thành vùng chuyên canh thanh long quy mô lớn. Tỉnh Bình Thuận hiện có khoảng 10.500 ha thanh long được cấp chứng nhận VietGAP, chiếm hơn 31% tổng diện tích thanh long toàn tỉnh.
Đặc biệt, lĩnh vực du lịch, một thế mạnh của tỉnh Bình Thuận được phát huy. Vừa qua, địa danh Mũi Né được công nhận là Khu du lịch Quốc gia và là điểm đến hấp dẫn du khách. Giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Bình Thuận đón hơn 27 triệu lượt du khách, tăng bình quân 5,64%/năm. Trong đó, du khách quốc tế là hơn 3 triệu lượt. Doanh thu du lịch đạt hơn 61 nghìn tỷ đồng, tăng bình quân hơn 12,5%/năm.
Nhiều giải pháp được Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Thuận hoạch định để thúc đẩy phát triển kinh tế. Đặc biệt là các lĩnh vực giàu tiềm năng như năng lượng tái tạo, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao. |
Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Thuận cũng chỉ rõ những hạn chế như kết quả đạt được chưa tương xứng với tiềm năng và yêu cầu. Một số mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ chưa đạt được mục tiêu đề ra. Đặc biệt, số mặt của tỉnh Bình Thuận phát triển còn chậm. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế chưa đạt yêu cầu, sức cạnh tranh còn yếu. Hệ thống kết cấu hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ. Công tác quản lý nhà nước về đất đai, khoáng sản, rừng có mặt chưa chặt chẽ, còn sai phạm. Công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực chưa chặt chẽ. Công tác lập quy hoạch một số ngành, lĩnh vực, địa phương còn chậm, thiếu đồng bộ…
Về kinh tế, trong thời gian tới, Đảng bộ tỉnh Bình Thuận tiếp tục phải giải bài toán tranh thủ thời cơ, đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo để phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh và khả năng kết nối liên vùng để phát triển toàn diện. Đơn cử như phát triển năng lượng tái tạo dựa trên tiềm năng về bức xạ mặt trời và năng lượng gió với phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo. Đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm du lịch để nâng cao đẳng cấp. Phát huy hạt nhân Khu du lịch quốc gia Mũi Né tạo ra sức hấp dẫn lớn đối với du khách trong nước và quốc tế. Nguồn lực để phát triển hệ thống thủy lợi, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hình thành những vùng chuyên canh lớn.