Chiều 29/3, UBND TP. Đà Nẵng tổ chức họp báo thông tin về đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045.
Ông Hồ Kỳ Minh, Phó chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng chủ trì. Khách mời là ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (IPPG), đơn vị đại diện cho liên danh tài trợ ý tưởng quy hoạch Trung tâm tài chính khu vực tại TP. Đà Nẵng.
Nhiều câu hỏi về Trung tâm tài chính khu vực tại Đà Nẵng được đặt ra với Chủ tịch IPPG Johnathan Hạnh Nguyễn |
Nhiều câu hỏi đã được đặt ra, như tại sao tại TP.HCM, IPPG cũng đã từng đề xuất thành lập trung tâm tài chính quốc tế, mà Đà Nẵng IPPG cũng đề xuất xây dựng trung tâm tài chính khu vực, vậy trong một nước sẽ có hai trung tâm tài chính?
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn cho rằng, từ 6 năm trước, IPPG cũng đã đề xuất với TP.HCM xây dựng trung tâm tài chính, nhưng chưa có điều kiện triển khai. “Lãnh đạo Đà Nẵng rất nhạy bén, đã tiếp cận IPPG và ngay lập tức IPPG đáp từ bằng những ý tưởng và đồ án cụ thể” - ông Hạnh Nguyễn cho biết.
Từ đề xuất của Đà Nẵng
Ý tưởng táo bạo và mang tính đột phá đó ngay lập tức nhận được nhiều sự quan tâm. Nhưng trên thực tế, Đà Nẵng chưa có bất cứ ngân hàng nào đặt hội sở, liệu Đà Nẵng sẽ thành trung tâm tài chính khu vực có khả thi?
Ông Hồ Kỳ Minh, Phó chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho biết, việc xây dựng TP. Đà Nẵng thành trung tâm tài chính tầm khu vực mới chỉ là định hướng, là cơ sở pháp lý để Thành phố nghiên cứu, triển khai các giai đoạn tiếp theo.
Ông Minh cho rằng: Trong Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị, Đà Nẵng có đề ra định hướng phát triển trở thành trung tâm tài chính. Từ đó, Ban Thường vụ Thành ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ, UBND Thành phố xây dựng đề án 2020-2025, xác định nhiệm vụ quan trọng là xây dựng Đà Nẵng thành Trung tâm Tài chính và được Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương ủng hộ. Tập đoàn IPPG tiếp cận Đà Nẵng với một số dự án, trong đó có dự án Trung tâm Tài chính và trở thành một trong những nhà tài trợ cho đề án này.
Trên cơ sở đó, lãnh đạo TP. Đà Nẵng đã quyết định thành lập tổ công tác, mời các chuyên gia của Trung ương (Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Tư pháp…) cùng tham gia tư vấn. Từ những tham vấn này, Đà Nẵng đã mạnh dạn đề xuất Thủ tướng Chính phủ xây dựng Trung tâm Tài chính tầm khu vực tại Đà Nẵng.
Trung tâm Tài chính không nhất thiết phải có hội sở ngân hàng
Về việc, tại sao chưa có ngân hàng nào đặt hội sở tại Đà Nẵng, mà IPPG lại đặt vấn đề xây dựng Trung tâm Tài chính khu vực, ông Hồ Kỳ Minh cho rằng, đúng là chưa có ngân hàng nào chọn Đà Nẵng đặt hội sở, nhưng nếu đi theo tuần tự chờ các ngân hàng đến đặt hội sở rồi mới xây dựng Trung tâm Tài chính thì cả trăm năm nữa Đà Nẵng vẫn chưa làm được.
"Với những lợi thế, thuận lợi của Đà Nẵng, cùng cơ chế đặc thù mà Trung ương đã định hướng, cũng như Đà Nẵng đã xây dựng đề án để xin Trung ương tạo điều kiện thuận lợi, tôi nghĩ Đà Nẵng có thể bỏ qua, có thể vượt lên được. Sau khi Thủ tướng đã đồng ý cho Đà Nẵng xây dựng trung tâm tài chính, hiện đã có liên danh nhà tài trợ do IPPG và các bạn bè doanh nghiệp đầu tư ở Mỹ, và một công ty tư vấn quốc tế nổi tiếng ở Anh để tài trợ thì mong rằng Đà Nẵng sẽ trở thành trung tâm tài chính khu vực”, ông Minh chia sẻ.
Mô hình trung tâm tài chính tại Đà Nẵng do IPPC đề xuất |
Còn theo ông Johnathan Hạnh Nguyễn, nhiều người nhầm tưởng, Trung tâm tài chính phải có các hội sở, các tổ chức tài chính, các văn phòng của ngân hàng.
"Trung tâm tài chính là làm sao phải có “đại bàng chúa” nắm giữ các nguồn tiền hàng ngàn tỷ USD. Khi các “đại bàng chúa” đã vào làm “tổ” thì tự động các “bồ câu”, “đại bàng con”… bay về, nhưng không nhất thiết đặt trụ sở tại đây", ông Hạnh Nguyễn lý giải.
Chủ tịch IPPG cũng cho biết từ lâu đã ấp ủ ý tưởng về một trung tâm tài chính ở Việt Nam. Khi Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ thống nhất chủ trương cho phép nghiên cứu, lập đề án xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính quy mô khu vực, ông nhận thấy đây là cơ hội để biến ý tưởng thành hiện thực.
"Vượt cấp", làm ngay trung tâm tài chính khu vực
Trước băn khoăn tại sao chúng ta lại "vượt cấp", không làm trung tâm tài chính quốc gia trước mà muốn mở ngay trung tâm tài chính khu vực, ông Jonathan Hạnh Nguyễn cho rằng, hoàn toàn có thể làm được, nhưng có khả thi hay không còn phụ thuộc vào độ mở của chúng ta.
“Chúng ta định hướng là Trung tâm Tài chính khu vực, bởi theo định hướng của Trung ương, tới năm 2045, nước ta là nước phát triển, thì phải làm gì để vượt lên? Chẳng lẽ nói, ôi chúng ta còn nghèo lắm nên không thể xây dựng Trung tâm Tài chính khu vực? Không phải. Việt Nam hiện là quốc gia đang được nhà đầu tư quốc tế rất quan tâm. Vài năm tới, nếu Trung ương đồng ý các điều kiện mở cửa như thế nào, thì tùy theo mức độ đó, chúng ta sẽ có Trung tâm Tài chính khu vực, hay thậm chí toàn cầu”, ông Hạnh Nguyễn nói và nhắc lại rằng, hiện tất cả đang còn là đề án, và đề án này có khả thi hay không phụ thuộc vào chính chúng ta, chúng ta có đủ điều kiện, đủ hấp dẫn để “đại bang chúa” tìm đến, rót vốn hay không.
Theo ông Hạnh Nguyễn, khoảng cách giữa trung tâm tài chính quốc gia với trung tâm tài chính khu vực thì không quá lớn, nhưng để đạt được tầm trung tâm tài chính quốc tế thì khoảng cách là rất xa, song không phải không có cơ hội.
"Nếu dám "chơi" như New York, London, thì Việt Nam sẽ có Trung tâm Tài chính toàn cầu. Bởi Việt Nam có múi giờ nằm giữa châu Mỹ và châu Âu. Khi hai châu lục kia ngủ thì Việt Nam thức, nên Việt Nam có lợi thế về giao dịch dòng tiền. Tại sao chúng ta không làm?", ông Hạnh Nguyễn đặt câu hỏi.