Doanh nghiệp
Ông lớn đường sắt được lệnh vượt “vũ môn”
Bảo Như - 14/01/2024 15:06
Sau khi cắt được đà thua lỗ kéo dài suốt 3 năm, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) được yêu cầu tăng tốc nhanh hơn để có thể tham gia đầu tư, khai thác vận hành tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã thoát lỗ trong năm 2023 Ảnh: Đức Thanh, đồ họa: Thanh Huyền

Thoát lỗ kéo dài

Mặc dù còn phải đợi báo cáo tài chính có kiểm toán chốt số liệu chính thức, nhưng VNR - đơn vị duy nhất đang khai thác, kinh doanh 3.143 km đường sắt quốc gia, đã chắc chắn có được một năm kinh doanh thắng lợi ngoài dự kiến sau 3 năm liên tiếp thua lỗ lớn.

Đây cũng là lý do Thủ tướng Chính phủ trực tiếp tới tham dự Hội nghị Triển khai kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2024 của VNR diễn ra vào giữa tuần này.

“Thời gian vừa qua, tôi đã nhìn thấy sự thay đổi tích cực sau khi Tổng công ty có Ban lãnh đạo mới, gồm cả Chủ tịch HĐTV và Tổng giám đốc. Mặt khác, ngành đường sắt đã trải qua hơn 140 năm hình thành và phát triển, nhưng sự phát triển vẫn chưa xứng tầm với lịch sử và mong muốn của nhân dân”, Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ.

Cần phải nói thêm rằng, là một trong số các doanh nghiệp vận tải chịu tác động nặng nề nhất của Covid-19, VNR liên tục phải ghi nhận những khoản lỗ lớn trong suốt giai đoạn 2020 - 2022. Tuy nhiên, nhờ một loạt giải pháp phù hợp để khắc phục khó khăn, cải thiện dòng tiền và khôi phục sản xuất, kinh doanh như: đẩy mạnh khai thác các đoàn tàu hàng chuyên tuyến, tàu hàng nhanh, container và chạy thêm đoàn tàu liên vận quốc tế; tổ chức các đoàn tàu vận tải hành khách chất lượng cao, nên kết thúc năm tài chính 2023, VNR chính thức bước ra khỏi “vòng xoáy” thua lỗ.

Cụ thể, trong năm 2023, doanh thu hợp nhất của VNR là 8.503,8 tỷ đồng, đạt 101,7% kế hoạch năm; lợi nhuận sau thuế 94,8 tỷ đồng, đạt 115% kế hoạch. Thu nhập bình quân người lao động là 9,5 triệu đồng/người/tháng, đạt 105,2% so với cùng kỳ.

Bản thân Công ty mẹ - VNR (doanh nghiệp 100% vốn nhà nước) cũng có sự khởi sắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh khi cán mốc doanh thu 6.247 tỷ đồng, bằng 113,2% so với cùng kỳ và đạt 96% chỉ tiêu kế hoạch; lợi nhuận sau thuế đạt 4,5 tỷ đồng (năm 2022 lỗ 173 tỷ đồng), tương đương 150% chỉ tiêu kế hoạch.

Trước đó, tại Quyết định số 310/QĐ - UBQLV của Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp về việc giao chỉ tiêu đánh giá hiệu quả hoạt động, xếp loại doanh nghiệp năm 2023, Công ty mẹ - VNR phải đạt tổng doanh thu 6.505 tỷ đồng, trong đó doanh thu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công từ công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư năm 2023 là 3.850 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế là 3 tỷ đồng; tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE) >0,0% (lớn hơn 0%); không có nợ phải trả quá hạn; hệ số khả năng thanh toán nợ đến hạn >1.

Trên thực tế, kết quả sản xuất, kinh doanh của VNR có thể còn ghi nhận tốt hơn nếu hoạt động vận tải hàng hóa bằng đường sắt về đích đúng kế hoạch đề ra.

Theo lãnh đạo VNR, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, nhu cầu vận tải hàng hóa năm 2023 giảm nên doanh thu vận tải hàng hóa bằng đường sắt không đạt kế hoạch và sụt giảm so với cùng kỳ năm 2022.

“Trong năm 2023, vận tải hàng hóa cơ cấu luồng hàng vận chuyển thay đổi, hàng tồn kho của nhà bán lẻ ở mức cao, nhu cầu tiêu dùng suy yếu và việc cạnh tranh về giá cước với vận tải đường biển là những nguyên nhân chính làm giảm thị phần vận tải hàng hóa bằng đường sắt”, ông Hoàng Gia Khánh, Tổng giám đốc VNR cho biết.

Bản thân lãnh đạo VNR cũng thừa nhận, hoạt động sản xuất, kinh doanh của VNR chưa thực sự đột phá, dù đã nỗ lực thay đổi tư duy, mô hình tổ chức để tiệm cận với cơ chế thị trường.

Do hạ tầng vá víu được đầu tư cách đây hơn 140 năm, khiến năng lực vận chuyển đường sắt còn hạn chế, bị giới hạn bởi cả năng lực thông qua của tuyến và năng lực của ga (hạn chế về diện tích bãi hàng, thiếu đường đón gửi, đường xếp dỡ trong ga. Năng lực của tuyến và ga không đồng bộ; mạng lưới đường sắt quốc gia chưa thống nhất về khổ đường, quy mô đường ga chưa đáp ứng tổ chức chạy tàu với chiều dài lớn và tải trọng cao, tốc độ khai thác hạn chế.

Những vấn đề này đã được nhận diện từ lâu, nhưng nằm ngoài tầm với trong việc xử lý của VNR, khiến “ông lớn” ngành đường sắt luôn hụt hơi với các phương thức vận tải khác để giành lại thị phần, gia tăng doanh thu.

Đây cũng là lý do khiến trong năm 2023, doanh thu hợp nhất của VNR chỉ đạt khoảng 96% kế hoạch được đại diện chủ sở hữu giao. Chỉ tiêu lợi nhuận tuy đảm bảo hoàn thành vượt kế hoạch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp giao, nhưng chủ yếu đến từ việc thực hiện các biện pháp thắt chặt quản trị doanh nghiệp.

Một hạn chế rất lớn khác của VNR là năng suất lao động của Tổng công ty rất thấp. Tính đến ngày 31/12/2023, VNR có 22.041 lao động hoạt động trong các lĩnh vực: quản lý, bảo trì, khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt; vận tải đường sắt; công nghiệp cơ khí đường sắt… nhưng chỉ làm ra 8.503 tỷ đồng doanh thu, bình quân mỗi lao động chỉ làm ra được 379 triệu đồng/năm.

“Bộ máy của VNR còn cồng kềnh, lao động đông, mức độ cơ giới hóa chưa cao, ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ thông tin còn thấp, tư duy chuyển biến còn chậm, dẫn đến hiệu quả công tác vận tải chưa cao”, ông Hoàng Gia Khánh thừa nhận.

Cởi trói cho đường sắt

Được biết, trong năm 2024, VNR phấn đấu duy trì đà tăng trưởng của các chỉ tiêu hợp nhất về doanh thu, lợi nhuận. Trong đó, Công ty mẹ - VNR đạt 5.883 tỷ đồng doanh thu, sản lượng vận tải tăng khoảng 7,3% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế đạt 5 tỷ đồng, tăng 11,1% so với cùng kỳ.

Lãnh đạo VNR cho biết, đây là mức tối thiểu mà Tổng công ty cần đạt được, nếu muốn hoàn thành chỉ tiêu kinh doanh của cả giai đoạn 2021 - 2025 vừa được Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp giao tại Quyết định số 782/QĐ - UBQLV, phê duyệt kế hoạch sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm, giai đoạn 2021 - 2025 của VNR.

Theo đó, bên cạnh việc cải thiện, nâng cao hiệu quả kinh doanh vận tải để từng bước thoát khỏi tình trạng thua lỗ và bù đắp dần khoản lỗ lũy kế của các năm trước, VNR được giao thực hiện xong phương án cơ cấu lại doanh nghiệp, đơn vị, đảm bảo các doanh nghiệp và đơn vị được cơ cấu lại đi vào hoạt động ổn định, phát triển có hiệu quả.

Đại diện chủ sở hữu giao VNR đạt tổng doanh thu 39.544 tỷ đồng, tổng lợi nhuận trước thuế -866,6 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2021-2022 là -1.193,7 tỷ đồng, giai đoạn 2023-2025 là 322,8 tỷ đồng.

Công ty mẹ - VNR đạt tổng doanh thu 26.190 tỷ đồng, tổng lợi nhuận trước thuế -1.237 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 2021-2022 là -1.250 tỷ đồng, giai đoạn 2023-2025 là 13 tỷ đồng.

Mục tiêu được đánh giá là khá khiêm tốn, nhưng vẫn là thử thách rất lớn đối với VNR sau một thời gian dài phải gánh chịu thua lỗ do Covid-19, trong khi đó, yêu cầu VNR phải có bước đột phá về doanh thu, lợi nhuận là rất lớn để có thể tích luỹ nguồn lực tham gia đầu tư, khai thác vận hành tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.

“VNR không thể cam phận với tốc độ phát triển bình bình, thay đổi chỉ xoay quanh việc cải tạo, làm mới vài nhà ga, toa tàu đầu máy. Phải phát huy tinh thần tự lực, tự cường, đi lên từ bàn tay, khối óc của mình, biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể. VNR cần khai thác nguồn lực sẵn có từ đường sắt, đất đai, gần 300 nhà ga đường sắt, từ 22.000 con người và cảnh quan cung đường sắt đẹp nhất thế giới”, Thủ tướng chỉ đạo.

Công ty mẹ - VNR đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh vốn điều lệ giai đoạn năm 2017 - 2019 từ 2.286 tỷ đồng lên 3.250 tỷ đồng, nhưng vốn thực góp tại thời điểm ngày 31/12/2022 chỉ là 3.105 tỷ đồng, như vậy, Công ty mẹ chưa được bổ sung đủ vốn điều lệ theo phê duyệt.

Trong những năm vừa qua, do chịu ảnh hưởng của Covid-19 nên kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty mẹ bị lỗ, dẫn tới số lỗ lũy kế tại thời điểm ngày 31/12/2022 là 1.995 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu chỉ còn 1.147 tỷ đồng.

Theo lãnh đạo VNR, để mở thêm dư địa kinh doanh cho doanh nghiệp đường sắt, các cơ quan quản lý nhà nước cần sớm tháo gỡ những vướng mắc kéo dài liên quan đến cơ chế quản lý, sử dụng, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia; chính sách ưu đãi về sử dụng đất dành cho đường sắt; việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với những khu đất đường sắt chưa có hồ sơ pháp lý (trong đó cho cấp nguyên trạng những diện tích đất ngành đường sắt đang sử dụng làm bãi hàng, quảng trường ga, là những công trình không thể thiếu để phục vụ khai thác vận tải đường sắt, nhưng chưa có điều kiện đầu tư theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật) làm cơ sở cho công tác quản lý theo quy định của Luật Đất đai.

Được biết, Bộ Tài chính đang chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan để xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 46/2018/NĐ-CP quy định việc quản lý, sử dụng, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia. Theo đó, quy định giao toàn bộ tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia hiện có theo hình thức không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho VNR.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, với phương án giao tài sản không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp khiến các tài sản kết cấu được giao vẫn là tài sản công. Điều này khiến VNR phải lập và trình xin phép các cơ quan quản lý nhà nước chấp thuận mọi hoạt động liên quan đến tài sản và phải chờ cân đối kế hoạch vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, làm lỡ cơ hội kinh doanh, thiếu tính chủ động trong việc đầu tư, nâng cấp, cải tạo hạ tầng, đặc biệt là tại các khu ga.

“Mâu thuẫn ở chỗ, Nhà nước không có vốn, nhưng doanh nghiệp có tiền cũng không thể bỏ ra đầu tư. Đơn cử, ga Sông Lũy chỉ cần hơn 30 tỷ đồng để làm thêm đường sắt, mỗi năm tăng được 200 tỷ đồng doanh thu, nhưng do vướng cơ chế, nên không thể triển khai. Đây là nút thắt rất lớn”, một lãnh đạo VNR đánh giá.

Chính vì vậy, trong giai đoạn trước mắt, VNR đề nghị cấp có thẩm quyền giao Tổng công ty lập phương án theo phương thức tính thành vốn nhà nước tại doanh nghiệp và giao tăng vốn cho Tổng công ty các khu ga có lợi thế thương mại để khai thác, phát huy nguồn lực, giảm gánh nặng ngân sách nhà nước, tăng thu nhập cho người lao động.

Trước đó, VNR cũng từng kiến nghị cấp có thẩm quyền giao toàn bộ 297 ga, kho hàng, bãi hàng và tuyến đường sắt Đà Lạt - Trại Mát cho Tổng công ty theo hình thức đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Phần tài sản kết cấu đường sắt còn lại, gồm cầu, hầm, hệ thống đường ray, hệ thống thông tin tín hiệu... giao Tổng công ty quản lý, khai thác, nhưng không tính vào vốn của doanh nghiệp.

“Đây là cơ chế được nhiều nước trên thế giới áp dụng để giúp doanh nghiệp khai thác chủ động lên phương án, triển khai huy động vốn đầu tư, thay vì trông chờ, ỷ lại vào ngân sách nhà nước”, đại diện VNR phân tích.

Tin liên quan
Tin khác