Ngân hàng - Bảo hiểm
“Ông lớn” ngân hàng đua tranh thị phần tài trợ thương mại
Trần Mạnh - 19/03/2017 07:50
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Vietcombank, VietinBank và Agribank là 4 ông lớn đang dẫn đầu thị trường tài trợ thương mại. Xét về thị phần, Vietcombank đang chiếm vị trí lớn nhất, song xét về tốc độ tăng trưởng, BIDV đang dẫn đầu.
TIN LIÊN QUAN

Tăng trưởng đột phá, BIDV vững vị thế thứ 3

Với kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước hàng năm khoảng 300 - 350 tỷ USD, tài trợ thương mại là lĩnh vực được rất nhiều ngân hàng nhắm tới. Hiện nay, đứng đầu phân khúc này là Vietcombank với doanh số tài trợ thương mại năm 2016 đạt 54 tỷ USD, VietinBank đứng thứ hai và BIDV đứng thứ ba. Tuy nhiên, các vị trí này đang có sự bám đuổi quyết liệt giữa các ông lớn.

Năm 2016, nếu tốc độ tăng trưởng tài trợ thương mại của Vietcombank, VietinBank, Agribank chỉ xoay quanh 10%, thì BIDV có sự tăng trưởng đột phá, với mức tăng cao nhất từ trước đến nay: 26,9%, tức cao hơn gấp 2,7 lần so với mức tăng trưởng của VCB và VietinBank. Với mức tăng trưởng này, BIDV tiếp tục duy trì vị thế thứ 3 về thị phần thanh toán xuất nhập khẩu. Đây cũng là con số ấn tượng của BIDV trong bối cảnh kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước chỉ tăng 6,5% (mục tiêu đặt ra là 10%) và tăng trưởng tín dụng của BIDV là 18%.  

Chính sách ưu việt của BIDV là nguyên nhân dẫn đến sự tăng trưởng đột phá trong lĩnh vực tài trợ thương mại thời gian qua.

Năm qua, mảng tài trợ thương mại của BIDV cũng được nhiều tổ chức quốc tế và đối tác đánh giá cao. Mới đây, Tạp chí Euromoney (Vương quốc Anh) bình chọn BIDV là “Ngân hàng nội địa cung cấp sản phẩm tài trợ xuất nhập khẩu tốt nhất Việt Nam năm 2017”. Việc vượt qua hàng loạt ông lớn để nắm giải thưởng cao nhất trong tài trợ thương mại của BIDV cho thấy, chất lượng dịch vụ của ngân hàng này được doanh nghiệp xuất nhập khẩu đánh giá cao.

Được biết, năm 2016, tổng lượng khách hàng phát sinh doanh số thanh toán xuất nhập khẩu là 9.137 doanh nghiệp, tăng 3.353 doanh nghiệp so với năm 2015. Trong đó, riêng nhóm khách hàng lớn (1.059 khách hàng) chiếm 56% doanh số thanh toán xuất nhập khẩu, tỷ lệ khách hàng sử dụng sản phẩm tài trợ thương mại đạt khá cao 42%. 

Trên đà thắng lợi, năm 2017, BIDV đặt mục tiêu tiếp tục duy trì vị thế đứng thứ ba trên thị trường, đồng thời gia tăng thị phần tiến tới gần mức thị phần của các ngân hàng đứng thứ nhất, thứ hai.

Chạy đua chăm sóc khách hàng

Hiện nay, khách hàng xuất nhập khẩu là đối tượng được nhiều ngân hàng tập trung chăm sóc. Việc gia tăng thị phần tài trợ thương mại của các ngân hàng phụ thuộc rất nhiều vào chính sách khách hàng của mỗi ngân hàng. Chính sách ưu việt của BIDV là nguyên nhân dẫn đến sự tăng trưởng đột phá trong lĩnh vực này thời gian qua.

Cụ thể, năm 2016, BIDV có hàng loạt chính sách ưu đãi với khách hàng xuất nhập khẩu, trọng tâm là Gói tín dụng ưu đãi với quy mô dư nợ bình quân 20.000 tỷ đồng cho nhóm doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Tính đến ngày 31/12/2016, có 147 khách hàng được áp dụng gói tín dụng này, với tổng dư nợ đạt 21.915 tỷ đồng, trong đó, khách hàng là doanh nghiệp lớn chiếm tỷ trọng chủ yếu, với dư nợ 17.429 tỷ đồng. 

Ngoài chính sách ưu đãi riêng áp dụng với khách hàng siêu VIP, BIDV cũng có chính sách ưu đãi riêng cho từng nhóm khách hàng, ở từng thị trường khác nhau, như Gói tín dụng khách hàng thanh toán song phương Việt Nga với quy mô giải ngân 3.000 tỷ đồng, chính sách ưu đãi doanh nghiệp xuất nhập khẩu với thị trường Myanmar với quy mô dư nợ 1.000 tỷ đồng, chính sách ưu đãi doanh nghiệp xuất nhập khẩu uy tín và gói tín dụng ưu đãi xuất nhập khẩu 4 tháng cuối năm 2016 với quy mô 100 triệu USD, gói ưu đãi tín dụng VND với doanh nghiệp FDI quy mô 5.000 tỷ đồng…

Bên cạnh đó, BIDV còn gia tăng thị phần nhờ thiết kế những sản phẩm “may đo” riêng theo đặc điểm của khách hàng. Có thể kể đến sản phẩm chiết khấu LC nội địa dành cho Công ty OPEC với hạn mức chiết khấu là 150 tỷ đồng, hay UPAS LC trả phí định kỳ cho Công ty Ô tô Trường Hải với hạn mức sử dụng vốn là 140 triệu USD…  

Trong năm 2017, Gói tín dụng ưu đãi dành cho khách hàng xuất nhập khẩu vẫn là chính sách khách hàng trọng tâm của BIDV. Ngân hàng cũng tiếp tục đưa ra nhiều sản phẩm tài trợ thương mại mới, khu biệt từng phân khúc khách hàng để chăm sóc tốt hơn, phát triển sản phẩm theo hướng “may đo” theo đặc thù từng khách hàng, đẩy mạnh công tác hỗ trợ khách hàng thâm nhập thị trường tiềm năng, triển khai đối với các thị trường BIDV có lợi thế gồm Nga, Myanmar, Đài Loan..., từ đó  tăng cường chiếm thị phần phục vụ các doanh nghiệp xuất nhập khẩu...  

Tất cả nhằm hướng tới mục tiêu năm 2017 của BIDV là thị phần đạt 10%, doanh số thanh toán xuất nhập khẩu đạt 40 tỷ USD, tương đương mức tăng 85% so với năm 2016.

Tin liên quan
Tin khác