Sức khỏe doanh nghiệp
Ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống không có tên trong HĐQT, Yeah1 chính thức đổi chủ
Duy Bắc - 16/06/2022 06:47
Chiều ngày 15/6, CTCP Tập đoàn Yeah1 (mã YEG – sàn HoSE) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022. Hội đồng quản trị mới không có ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống.

Ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống chính thức rút lui khỏi Yeah1

5 thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2022-2027 của Yeah 1 bao gồm: ông Đào Phúc Trí, bà Lê Phương Thảo, ông Lê Minh Nhật Tín, ông Nguyễn Hoàng Giang và ông Trần Hoài Nam.

5 thành viên HĐQT mới của Yeah1 nhiệm kỳ 2022-2027.

Trong các thành viên HĐQT mới có 3 người đang giữ các vị trí tại Yeah1,  là ông Đào Phúc Trí, Tổng giám đốc; bà Lê Phương Thảo, Phó tổng giám đốc và ông Lê Minh Nhật Tín, Phó tổng giám đốc phụ trách công nghệ.

2 thành viên HĐQT mới được bổ nhiệm lần đầu là ông Trần Hoài Nam, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn Thái Tuấn và ông Nguyễn Hoàng Giang, Chủ tịch HĐQT CTCP Chứng khoán DNSE

Tập đoàn Thái Tuấn được thành lập từ năm 1993, là một trong những thương hiệu dệt may hàng đầu cung cấp sản phẩm vải, áo dài Thái Tuấn.

Điểm đáng lưu ý, ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống, Chủ tịch HĐQT Yeah1 không có tên trong danh sách thành viên HĐQT mới.

Tại Đại hội, ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống đã thông tin về việc bán cổ phiếu gần đây. Theo ông Tống, đây không phải là quyết định tháo chạy, vì "nếu bán để tháo chạy thì đã tháo chạy từ lúc đầu, từ lúc giá cao". Việc bán cổ phiếu vừa qua để giúp Yeah 1 có cơ hội phát triển trong thời gian tới.

Trước thềm ĐHĐCĐ thường niên, ông Tống liên tục thoái vốn tại Yeah1 và ngày 1/6, ông Tống bán toàn bộ hơn 4 triệu cổ phiếu YEG, tương ứng 12,89% vốn điều lệ tại Yeah1 và chính thức không sở hữu cổ phần nào tại đơn vị này.

Về tình hình kinh lao dốc kể từ khi niêm yết, ông Tống chia sẻ, 3 năm vừa qua là thời điểm khó khăn không chỉ của Yeah1 mà của nhiều công ty khác. Bản thân là người xây dựng Yeah1 ngay từ buổi ban đầu, nên ông luôn canh cánh câu chuyện làm sao cho Công ty tồn tại và phát triển.

Sau khi Yeah1 lên sàn, câu chuyện không còn của các nhà sáng lập nữa mà ảnh hưởng đến nhiều cổ đông khác. Ban lãnh đạo luôn nỗ lực hết sức để đem lại hiệu quả cao nhất.

Tuy nhiên, sự ảnh hưởng của mùa dịch Covid-19 là cú đánh lớn vào chiến lược tận dụng sức mạnh cộng đồng để xây dựng nền tảng thương mại số. Yeah1 đã nỗ lực, nhưng báo cáo kết quả kinh doanh không như mong muốn. Năm 2021, Yeah1 buộc phải có lãi tránh hủy niêm yết. Do đó, ban điều hành đã đi đến quyết định là bán một số tài sản có tính thanh khoản cao để tồn tại.

Yeah1 muốn huy động 786,4 tỷ đồng từ phát hành riêng lẻ

Tại ĐHĐCĐ, Công ty thông qua kế hoạch phát hành riêng lẻ tối đa 78.642.000 cổ phiếu, giá 10.000 đồng/cổ phiếu để huy động 786,42 tỷ đồng. Cổ phiếu phát hành riêng lẻ bị hạn chế chuyển nhượng trong 3 năm. Nếu phát hành thành công, vốn điều lệ Công ty sẽ tăng từ 313 tỷ đồng lên 1.100 tỷ đồng.

Được biết, danh sách cổ đông tham gia phát hành riêng lẻ gồm CTCP Encapital Holdings, CTCP Công nghệ Tài chính Encapital, CTCP Tập đoàn Thái Tuấn, CTCP Quản lý quỹ Hợp Lực.

Mục đích của việc tăng vốn nhằm mở rộng hoạt động đầu tư vào mảng truyền thông công nghệ (Digital - Tech Media), công nghệ (Tech) và công nghệ - tài chính (Fintech) và các lĩnh vực liên quan khác để hoàn thiện hệ sinh thái (hơn 469 tỷ đồng); Đầu tư hạ tầng công nghệ (198 tỷ đồng); Góp vốn vào Công ty TNHH Yeah1 Network Việt Nam để bổ sung vốn lưu động (hơn 23 tỷ đồng); Góp vốn vào CTCP Thương mại Gigal để bổ sung vốn lưu động (hơn 60 tỷ đồng); Trả nợ vay ngắn hạn, dài hạn, nợ nhà cung cấp, và vốn lưu động khác (hơn 36 tỷ đồng).

Về kế hoạch tài chính, Yeah1 đưa ra kế hoạch năm 2022 gồm doanh thu hợp nhất 588 tỷ đồng, giảm 46% so với thực hiện năm trước; lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ 24,7 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ.

Công ty cũng đưa ra các định hướng phát triển sẽ tập trung vào 5 nhiệm vụ chính gồm: Hoàn thành công tác tái cơ cấu Tập đoàn, củng cố bộ máy quản trị; Tiếp tục huy động vốn từ các nguồn đa dạng, nắm bắt cơ hội thị trường, đặc biệt là mảng Digital - Tech Media; Cải tiến mô hình kinh doanh bán lẻ hiệu quả hơn và bắt kịp xu hướng (Socical commerce, E-commerce enablers); Tận dụng thế mạnh về truyền thông và công nghệ, nắm bắt các cơ hội kinh doanh mới (Fin-tech); Hoàn thiện việc chuyển đổi số toàn diện hệ thống quản trị.

Trong quý I/2022, Yeah1 ghi nhận doanh thu đạt 67,5 tỷ đồng, giảm 76,6% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 0,84 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 52,52 tỷ đồng.

Trong kỳ, lợi nhuận gộp giảm 68,8% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 26,09 tỷ đồng về 11,85 tỷ đồng; chi phí tài chính giảm 15,8%, tương ứng giảm 0,87 tỷ đồng về 4,65 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp giảm 71,5%, tương ứng giảm 56,84 tỷ đồng về 22,66 tỷ đồng; lợi nhuận khác tăng thêm 18,24 tỷ đồng lên 16,06 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.

Xét về hoạt động kinh doanh cốt lõi (lợi nhuận gộp – chi phí tài chính – chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp), trong quý I/2022, lợi nhuận cốt lõi tiếp tục âm 15,46 tỷ đồng so với cùng kỳ âm 47,08 tỷ đồng.

Như vậy, trong kỳ lợi nhuận gộp tạo ra không đủ trả chi phí tài chính, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp. Công ty chỉ thoát lỗ nhờ việc ghi nhận lợi nhuận khác tăng đột biến.

Theo thuyết minh, trong quý I/2022, Công ty ghi nhận thu nhập khác tăng đột biến do ghi nhận thu nhập từ kiện tụng pháp lý 17 tỷ đồng so với cùng kỳ không ghi nhận.

Xét về dòng tiền, trong quý I/2022, dòng tiền kinh doanh chính âm 158,8 tỷ đồng so với cùng kỳ âm 0,9 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư dương 273,2 tỷ đồng và dòng tiền tài chính âm 111,9 tỷ đồng.

Được biết, kể từ khi niêm yết năm 2018 tới nay, chưa năm nào Công ty tạo ra dòng tiền dương mà liên tục âm kéo dài. Cụ thể, năm 2018 âm 287 tỷ đồng, năm 2019 âm 41 tỷ đồng, năm 2020 âm 428 tỷ đồng và năm 2021 tiếp tục âm 88 tỷ đồng.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 15/6, cổ phiếu YEG giảm 1.600 đồng về 22.900 đồng/cổ phiếu.

Tin liên quan
Tin khác