Tài chính - Chứng khoán
Ông Nguyễn Duy Hưng: Bảo vệ nhà đầu tư không phải là không cho mua trái phiếu doanh nghiệp
Thanh Thuỷ - 07/05/2022 18:31
Việc siết lại hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp để tránh thị trường bị lạm dụng theo người đứng đầu Chứng khoán SSI là chính đáng nhưng không nên nhìn nhận cực đoan trái phiếu doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Duy Hưng cho rằng không nên nhìn nhận cực đoan trái phiếu doanh nghiệp là sản phẩm nguy hiểm, rủi ro

Chia sẻ tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên CTCP Chứng khoán SSI tổ chức chiều ngày 7/5, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Duy Hưng cho biết các chương trình tư vấn trái phiếu doanh nghiệp do SSI triển khai đều trong khuôn khổ pháp luật, có thể kiểm soát tuyệt đối. Theo ông, các trái phiếu trên đều có tài sản đảm bảo, khả năng trả đầy đủ. Ngoài ra, lượng trái phiếu do SSI tư vấn phát hành là không lớn. Đối với các trái phiếu SSI tham gia phân phối hay kêu gọi đầu tư (call invest), lãnh đạo công ty chứng khoán này cho biết chưa thấy khách hàng muốn rút trước.

Đánh giá về việc siết lại hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp mà cơ quan quản lý đang thực hiện nay, ông Nguyễn Duy Hưng cho rằng đây là điều chính đáng. Bởi bất cứ việc gì bị lạm dụng đều là nguy cơ cho nền kinh tế và hệ thống tài chính ngân hàng. Chính sách thanh lọc, minh bạch thị trường sẽ phát huy tác dụng trong dài hạn.

Tuy vậy, dù đưa ra biện pháp kiểm soát để  kênh trái phiếu không bị lợi dụng là điều cần thiết, ông Nguyễn Duy Hưng nhấn mạnh không nên nhìn nhận cực đoan trái phiếu doanh nghiệp là sản phẩm nguy hiểm, rủi ro.

Không thể vì một vài trường hợp không tốt mà đánh giá về toàn bộ thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Sẽ không công bằng với trái phiếu doanh nghiệp hay các công ty bất động sản. Đây là thực tế theo ông Nguyễn Duy Hưng cần thẳng thắn nhìn nhận.

Trái phiếu doanh nghiệp là công cụ hữu hiệu để doanh nghiệp huy động vốn sản xuất kinh doanh. Đồng thời, nếu được kiểm soát tốt, đây sẽ là kênh đáp ứng nhu cầu rất lớn của nhà đầu tư. Theo ông Hưng, việc cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức trung gian cần làm là kiểm soát để người phát hành không thể làm bậy, lừa đảo hay gây rủi ro cho nhà đầu tư. Sự tham gia của các công ty định mức tín nhiệm cùng trách nhiệm của các công ty chứng khoán cần được quy định rõ ràng. Ngoài ra, cũng rất cần thiết sớm xây dựng môi trường mua bán thứ cấp, tạo thanh khoản cho người cần rút vốn.

“Đấy mới là mục tiêu cần hướng đến, chứ không phải chặn đứng, không cho làm. Không phải không cho mua là bảo vệ nhà đầu tư. Tư duy làm luật cần là bảo vệ lợi ích và cả quyền chủ động của nhà đầu tư trong việc đầu tư trái phiếu”, ông nhấn mạnh.

Theo người đứng đầu Chứng khoán SSI, tất cả các quy định giúp thị trường minh bạch, đứng ra bảo vệ quyền lợi của bên bị động là nhà đầu tư và không phải bằng biện pháp hành chính đều là tốt cho thị trường.

Hiện do chưa chính thức ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định 153, ông Hưng cho rằng chưa thể đánh giá ngay tác động của việc siết trái phiếu doanh nghiệp. SSI với vai trò một thành viên thị trường tích cực tham gia góp ý kiến dự thảo trên tinh thần xây dựng thị trường trái phiếu lành mạnh, là kênh huy động vốn tốt cho các doanh nghiệp.

Trái phiếu doanh nghiệp cũng trong danh mục tài sản tài chính được SSI đầu tư. Theo số liệu cập nhật đến cuối quý I/2022, giá trị đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp xấp xỉ 4.950 tỷ đồng, tăng 1.650 tỷ đồng trong ba tháng đầu năm. Con số trên tương đương gần 28,4% giá trị thị trường các tài sản tài chính do SSI nắm giữ, bên cạnh chứng chỉ tiền gửi, cổ phiếu, chứng chỉ quỹ…

Trả lời câu hỏi của cổ đông về số trái phiếu đang đầu tư trên, Chủ tịch SSI cũng khẳng định với tiêu chí đề ra trong hoạt động đầu tư, các trái phiếu này đều có tài sản đảm bảo và sẽ không bị mất vốn trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Tin liên quan
Tin khác