Chuyển đổi số - Kinh tế số
Ông Trương Gia Bình: Những biến đổi chưa từng thấy đi cùng cơ hội chưa từng có
Thanh Thuỷ - 03/12/2024 18:20
Ứng xử với tương lai như thế nào là câu hỏi mà giờ đây ai cũng phải nghĩ đến trong một thế giới đầy những biến đổi. Tuy nhiên, Chủ tịch Tập đoàn FPT Trương Gia Bình cho rằng, Việt Nam đang đứng trước cơ hội chưa từng có đến.
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT.

Chia sẻ tại sự kiện Vietnam Tech Impact Summit 2024, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT cho rằng, không phải ngẫu nhiên CEO Nvidia gọi Việt Nam là ngôi nhà thứ hai của mình. Các ông lớn công nghệ như IBM ở thời hoàng kim trước đây chưa từng chọn Việt Nam nhưng thời điểm này đã khác.

Ba điều đã được người đứng đầu Tập đoàn FPT tập trung nêu ra.

Thứ nhất, bối cảnh thế giới và vận hội của đất nước. Theo ông Bình, thế giới ngày nay đang bước vào giai đoạn lịch sử với nhiều biến đổi chưa từng thấy. Chưa bao giờ thế giới trở nên bất ổn, khó đoán đến thế, từ đó sẽ có một thế thế giới mới dần hiện lên 

“Trong bối cảnh đó, chúng ta phải ứng xử với tương lai như thế nào? Người lao động có thể đối mặt với tương lai như thế nào khi 75% công việc mà chúng ta đang làm có thể biến mất vì AI thay thế vào năm 2030. Làm thế nào để chúng ta có sức chống đỡ? Làm thế nào để doanh nghiệp có thể tiếp tục kinh doanh và sống sót qua các bão tố địa chính trị?”, các câu hỏi được ông Bình nêu ra.

Trong bối cảnh đó, ông Bình nhấn mạnh rất may mắn cho Việt Nam là đất nước ta có những cơ hội chưa từng có đến.

“Đó chính là vận hội. Vì điều đó mà Tổng Bí thư trong bài viết vào ngày 2/9 vừa qua có đặt tên cuộc cách mạng mang tên: Chuyển đổi số. Phát biểu của Tổng bí thư để đánh dấu kỷ nguyên vươn mình của đất nước. Việt Nam có cơ hội đứng ngang hàng các dân tộc tiên tiến thế giới vào 100 năm ngày độc lập của mình”, ông Bình nêu.

Thứ hai, nói về thế và lực của Việt Nam, theo ông Bình, Việt Nam đã phát triển quan hệ ngoại giao với các cường quốc lớn trên thế giới, kết nối với thị trường bằng những nghị định thương mại cởi mở. Việt Nam cũng có vị thế và đang tỏa sáng trên bản đồ công nghệ thế giới.

Dẫn lại lời nhà sáng lập Infosys Technologies từng nói về việc Ấn Độ và Việt Nam đã có doanh nghiệp xuất khẩu phần mềm doanh thu vượt 1 tỷ USD, ông Bình cho biết Ấn Độ cũng như Việt Nam có lực lượng nhân lực công nghệ mà nhiều nước mơ không có được. 

“Không phải phải ngẫu nhiên CEO Nvidia - Jensen Huang chọn Việt Nam là ngôi nhà thứ hai của mình vào thời điểm này. Tôi tin rằng vào kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo, nhiều công ty khác sẽ tiếp tục chọn Việt Nam là ngôi nhà của mình”, Chủ tịch “ông lớn” ngành công nghệ của Việt Nam tin tưởng.

Không nhiều nơi như Việt Nam, khi người ta nói bất kỳ công nghệ mới nào đều có lực lượng kỹ sư phần mềm có thể học và tham gia. Đối với AI, edutech, gaming và nhiều thứ nữa, người Việt Nam đều có thể học được, làm được.

Cùng đó, Chủ tịch Tập đoàn FPT cũng nhấn mạnh đến dữ liệu - điều theo ông là quan trọng nhất. Bởi mọi công nghệ đều phát triển quanh dữ liệu. Dữ liệu là nguồn tài nguyên quý giá của Việt Nam và toàn thế giới. Dữ liệu là nguyên liệu quan trọng nhất của thế giới mới. Khác với các vật chất, dữ liệu không tuân thủ bảo toàn khối lượng do đó có những đặc thu riêng.

Làm thế nào để có đủ dữ liệu, để dữ liệu sạch, quyền sở hữu dữ liệu ra sao là những câu hỏi cần phải suy nghĩ thấu đáo. Bởi dữ liệu có thể biến thành tiền. Dữ liệu là dầu mỏ của tương lai. Ai biết khai thác, chế biến, sử dụng, người đó có thể chiếm lĩnh đỉnh cao mới. Quốc gia nào nắm và quản lý dữ liệu tốt hơn dân tộc khác trên thế giới.

Tin liên quan
Tin khác