COVID-19 khiến nhu cầu dầu mỏ giảm mạnh. Ảnh: Reuters |
Theo tờ Al Jazeera, dịch COVID-19 khiến lượng tiêu thụ dầu hàng ngày chững lại, giảm chỉ bằng 1/3 so với đầu năm. Điều này còn diễn ra ở thời điểm xe điện ngày càng nở rộ và nhiều quốc gia ưu tiên năng lượng tái tạo, dẫn đến dự báo về nhu cầu dầu mỏ sẽ giảm trong thời gian dài.
Một số lãnh đạo tại OPEC bắt đầu băn khoăn rằng liệu nhu cầu dầu mỏ giảm trong năm nay có thể dẫn đến thay đổi mang tính dài hạn. Họ cũng cần tìm phương hướng xử lý nguồn cung khi thời đại của “vàng đen” dường như sắp đến chặng cuối.
Hãng thông tấn Reuters (Anh) dẫn nguồn thạo tin giấu tên cho biết nhiều thành viên OPEC quan ngại rằng việc tiêu thụ dầu mỏ khó có thể hồi phục hoàn toàn như trước đây.
Cách đây 12 năm, các quốc gia thành viên OPEC bội thu khi dầu mỏ đạt mức trên 145 USD/thùng. Nhưng khủng hoảng dịch bệnh năm nay khiến giá dầu ở dưới mức 16 USD/thùng.
Người đứng đầu bộ phận nghiên cứu của OPEC trong khoảng thời gian từ 2006-2013, ông Hasan Qabazard nhận định công việc của tổ chức này sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong tương lai bởi nhu cầu giảm.
Năm 2019, toàn thế giới tiêu thụ 99,7 triệu thùng dầu/ngày và OPEC dự đoán đến năm 2020 sẽ tăng lên 101 triệu thùng/ngày. Nhưng dịch COVID-19 ập đến, kéo theo tình trạng phong tỏa hạn chế đi lại ở nhiều quốc gia khiến mức tiêu thụ dầu của 2020 là 91 triệu thùng/ngày và dự báo năm 2021 mức tiêu thụ sẽ thấp hơn năm 2019.
Trên thực tế, OPEC vốn khiêm tốn với dự đoán về tiêu thụ dầu mỏ. Năm 2007, OPEC cho rằng đến năm 2030 nhu cầu dầu mỏ sẽ là 118 triệu thùng/ngày. Nhưng đến 2019, OPEC lại rút gọn dự đoán lượng tiêu thụ dầu mỏ năm 2030 sẽ chỉ còn 108,3 triệu thùng/ngày.
Hầu hết thành viên của OPEC đều phụ thuộc nhiều vào dầu mỏ. Mức trên 40 USD/thùng vẫn dưới mức các chính phủ cần để cân bằng ngân sách, trong đó bao gồm Saudi Arabia.
OPEC vốn đã “làm quen” với các khủng hoảng, từ xung đột Vùng Vịnh trong thập niên 80, 90 của thế kỷ trước và những năm 2000 cho tới ngành khai thác dầu đá phiến bùng nổ tại Mỹ khiến sản lượng dồi dào.
Gần đây, khi dịch COVID-19 khiến nhu cầu về dầu giảm, OPEC đã cùng Nga và một số đồng minh khác trong tháng 4 vừa qua thống nhất cắt giảm sản lượng 9,7 triệu thùng/ngày, kết thúc vào cuối tháng 7.
Bộ trưởng Dầu mỏ Algeria Chakib Khelil, từng 2 lần giữ chức Chủ tịch OPEC, đánh giá: “Xu hướng này sẽ gây áp lực đối với hợp tác giữa các thành viên OPEC cũng như giữa OPEC và Nga khi mỗi bên đều cố gắng duy trì thị phần”.
Một số thách thức ngắn hạn khác là những thành viên OPEC như Iran và Venezuela muốn tăng sản lượng bởi cả 2 nước đều chịu tác động từ lệnh trừng phạt của Mỹ. Bên cạnh đó, OPEC còn tìm cách ngăn dầu đá phiến của Mỹ chiếm thị phần.