OpenAI đã hoàn tất thỏa thuận để nhận 6,6 tỷ USD tiền tài trợ mới từ các nhà đầu tư đã định giá công ty ở mức 157 tỷ USD. Đây là động thái mới nhất trong một loạt các động thái gây sốc và đôi khi gây chia rẽ đối với nhà phát triển ứng dụng ChatGPT.
Các nhà đầu tư hậu thuẫn OpenAI kỳ vọng ứng dụng chatbot ChatGPT sẽ được sử dụng rộng rãi hơn và mang về lợi nhuận khổng lồ. Ảnh: Pixabay |
Khoản tài trợ trên đưa OpenAI trở thành một trong những công ty khởi nghiệp được định giá cao nhất mọi thời đại. Nó cũng phản ánh rằng các nhà đầu tư hậu thuận OpenAI kỳ vọng ứng dụng chatbot ChatGPT sẽ được sử dụng rộng rãi hơn và mang về lợi nhuận khổng lồ.
Tuy nhiên, khoản tài trợ kỷ lục trên được công bố ngay sau khi Giám đốc công nghệ Mira Murati, người đã dẫn dắt phát triển các sản phẩm của OpenAI, bất ngờ từ chức. Đây là động thái mới nhất trong một loạt các giám đốc bộ phận rời khỏi OpenAI - công ty khởi nghiệp đang vật lộn với những căng thẳng nội bộ về vấn đề an toàn trong phát triển AI và sự lãnh đạo của Giám đốc điều hành Sam Altman.
Một số nhà đầu tư tại Phố Wall và Thung lũng Silicon cảnh báo rằng, khoản chi lớn cho các trung tâm dữ liệu và chip để cung cấp năng lượng cho các dự án AI sẽ khó thu hồi dưới dạng lợi nhuận.
"Nguồn tài trợ mới sẽ cho phép chúng tôi tăng gấp đôi vị thế dẫn đầu trong nghiên cứu AI tiên tiến, tăng khả năng tính toán và tiếp tục xây dựng các công cụ giúp mọi người giải quyết các vấn đề khó khăn", OpenAI nêu trong bài đăng trên blog vào ngày 2/10.
Giám đốc tài chính OpenAI, bà Sarah Friar, cho biết: "Mỗi tuần, hơn 250 triệu người chuyển sang ChatGPT bất kể mức độ thách thức - cho dù đó là giao tiếp với người nói ngôn ngữ khác hay giải quyết các vấn đề nghiên cứu khó khăn nhất. AI đã cá nhân hóa việc học, đẩy nhanh các đột phá về chăm sóc sức khỏe và thúc đẩy năng suất. Và đây chỉ là khởi đầu".
Các nhà đầu tư mới của OpenAI gồm có nhà sản xuất chip Nvidia; MGX -một công ty đầu tư công nghệ mới từ Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất; và SoftBank - đế chế đầu tư Nhật Bản với những khoản rót vốn khủng vào WeWork và Uber. Các nhà đầu tư hiện tại cũng tham gia bơm vốn mới cho OpenAI, bao gồm Microsoft, Khosla Ventures và các công ty đầu tư Tiger Global Management và Thrive Capital từ New York.
"Chúng tôi mong muốn tiếp tục hợp tác với OpenAI", bà Bonnie McCracken, Giám đốc truyền thông cấp cao của Microsoft, cho biết. Trong khi đó, Nvidia đã từ chối bình luận.
OpenAI được thành lập vào năm 2015 với tư cách là một tổ chức phi lợi nhuận chuyên phát minh ra AI siêu thông minh có lợi cho nhân loại. Sau đó, công ty này đã thành lập một bộ phận thương mại vào năm 2019 và tiếp nhận đầu tư từ Microsoft và các công ty khác với lý lẽ rằng đây là cách duy nhất để đảm bảo các nguồn lực cần thiết để thúc đẩy nhu cầu AI cực lớn cho chip bán dẫn và năng lượng cung cấp cho các trung tâm dữ liệu.
OpenAI đã huy động vốn qua nhiều vòng kể từ khi ra mắt ứng dụng ChatGPT vào cuối năm 2022, bao gồm hơn 10 tỷ USD từ đối tác chính của mình - Microsoft. Một số nhân viên và nhà đầu tư ban đầu đã có cơ hội rút tiền mặt bằng cách bán cổ phiếu OpenAI của họ trước khi công ty này niêm yết thông qua các vòng gọi vốn thứ cấp, đơn cử như vòng gọi vốn do Thrive Capital dẫn đầu vào đầu năm nay.
Vòng gọi vốn 6,6 tỷ USD lần này của OpenAI đánh dấu một giai đoạn phát triển mới cho công ty trí tuệ nhân tạo có trụ sở tại San Francisco, Mỹ. Cuộc đua thương mại để thống trị AI tạo sinh toàn cầu được khởi động sau khi OpenAI ra mắt ứng dụng ChatGPT. Theo quan điểm của những người chỉ trích và một số nhân viên đầu tiên của OpenAI, tranh luận về cách phát triển AI một cách an toàn, sự tập trung quyền lực vào công nghệ và vốn đầu tư từ các chế độ độc tài, ngày càng trở nên gay gắt.
OpenAI chỉ mới tạm thở phào sau khi huy động thành công hàng tỷ USD ở vòng gọi vốn mới, bởi họ vẫn phải đương đầu với một số thách thức đáng kể phía trước.
Tờ Washington Post dẫn lời những nguồn tin giấu tên cho biết OpenAI đang xem xét tái cấu trúc thành một công ty hoạt động vì lợi nhuận, để không bị kiểm soát bởi Hội đồng quản trị phi lợi nhuận hiện nay. Mặc dù thông báo của OpenAI về khoản tiền khủng vừa huy động được không đề cập đến bất kỳ thay đổi nào về cấu trúc, nhưng Giám đốc điều hành Sam Altman đã trao đổi với Hội đồng quản trị về việc tiếp nhận cổ phần tại một công ty được tái cấu trúc.
Việc chuyển đổi OpenAI thành một cấu trúc hoàn toàn vì lợi nhuận có thể là một quá trình phức tạp do ràng buộc với các quy định pháp luật liên quan đến quản lý các tổ chức từ thiện.
Các điều khoản của khoản tài trợ mới đi kèm với điều khoản rằng trong vòng hai năm nếu OpenAI không hoàn thành quá trình chuyển đổi thành công ty hoạt động vì lợi nhuận, các nhà đầu tư có thể chuyển đổi cổ phần của họ tại công ty này thành nợ với lãi suất 9%, một người thạo tin nói với Washington Post. Nguồn tin này cũng cho biết thêm rằng phía OpenAI tự tin có thể đáp ứng được thời hạn đó.
Nguồn vốn mới mà OpenAI vừa huy động được, bao gồm vốn đầu tư từ Nvidia và Microsoft và điều này có thể đẩy công ty trí tuệ nhân tạo vào tầm ngắm của Ủy ban Thương mại Liên bang - cơ quan quản lý chống độc quyền của Mỹ.
Năm nay, Ủy ban Thương mại Liên bang đã bắt đầu để mắt đến các khoản đầu tư của Microsoft, Amazon và các "gã khổng lồ" công nghệ khác vào OpenAI và đối thủ cạnh tranh của họ, Anthropic - nhà phát triển ứng dụng chatbot mang tên Claude.
Bộ Tư pháp Mỹ cũng đang xem xét kỹ lưỡng hoạt động kinh doanh của Nvidia, công ty dẫn đầu thị trường về bộ vi xử lý công suất cao dùng cho phát triển AI.