Trước xu hướng giảm giá xăng dầu, doanh nghiệp phải gia tăng trích lập dự phòng giảm giá đối với hàng tồn kho. |
Kết quả thua lỗ gây bất ngờ
Kết thúc quý II/2022, báo cáo tài chính hợp nhất của Petrolimex cho biết, doanh thu thuần hợp nhất đạt 84.367,4 tỷ đồng, tăng 80% so với cùng kỳ năm 2021, nhưng lợi nhuận sau thuế lỗ 140,8 tỷ đồng (trong khi quý II/2021 lãi 1.594 tỷ đồng). Kết quả này khiến lũy kế 6 tháng đầu năm, mặc dù doanh thu thuần đạt 151.387 tỷ đồng, tăng 78% so với cùng kỳ năm 2021, nhưng lợi nhuận sau thuế lại giảm tới 87%, chỉ còn 301,7 tỷ đồng.
Kết quả thua lỗ của Petrolimex gây bất ngờ cho khá nhiều nhà đầu tư, vì tại Đại hội đồng cổ đông thường niên tổ chức đầu tháng 6/2022, Ban lãnh đạo Công ty thông báo kết quả kinh doanh 5 tháng đầu năm khả quan với lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 1.340 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Bá Tùng, Kế toán trưởng Petrolimex lý giải, trong quý II/2022, giá dầu thế giới (WTI) tăng từ 99,4 USD/thùng vào đầu quý lên mức 122 USD/thùng (tăng 23%), sau đó lại giảm sâu, còn 105,8 USD/thùng vào thời điểm cuối tháng 6/2022. Do giá xăng dầu từ đầu tháng 7/2022 được điều chỉnh giảm với biên độ lớn, Công ty phải trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho tại ngày lập báo cáo tài chính, nên đã ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận. Việc Petrolimex phải nhập khẩu xăng dầu trong chu kỳ giá thế giới tăng cao để đảm bảo cung ứng xăng dầu cũng ảnh hưởng đến biên lợi nhuận gộp trong kỳ.
Tính đến 30/6/2022, giá trị hàng tồn kho của Petrolimex lên đến 23.478,8 tỷ đồng, giá trị trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho là 1.330,5 tỷ đồng, lần lượt tăng hơn 10.000 tỷ đồng và 1.106,8 tỷ đồng so với đầu năm. Hàng tồn kho cũng là khoản mục có giá trị lớn nhất trong cơ cấu tài sản của Petrolimex với tỷ lệ 27,3%.
Theo ông Đào Nam Hải, Tổng giám đốc Petrolimex, từ năm 2021 về trước, nhập khẩu xăng dầu chỉ chiếm khoảng 30% tổng nguồn đầu vào của Tập đoàn, song 6 tháng đầu năm 2022, với diễn biến phức tạp của thị trường xăng dầu, cộng với việc Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn vẫn đang gặp sự cố và chưa đảm bảo nguồn cung, nên Petrolimex phải tăng dự phòng, tạo nguồn để đảm bảo an ninh năng lượng, tỷ lệ nhập khẩu tăng lên 46%.
Việc tăng mạnh tồn kho cũng khiến giá trị nợ phải trả của Petrolimex tăng lên 53.671 tỷ đồng đến cuối tháng 6/2022, tăng 52,4% so với đầu năm. Trong đó, dư nợ vay chiếm 18.200 tỷ đồng, tăng 2.831 tỷ đồng so với đầu năm.
Thách thức mục tiêu lợi nhuận
Năm 2022 được kỳ vọng sẽ là năm thuận lợi cho các doanh nghiệp phân phối xăng dầu như Petrolimex trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ xăng dầu hồi phục mạnh sau khi hoạt động sản xuất - kinh doanh, giao thương trong nước và thế giới từng bước trở lại nhịp độ bình thường. Ngành hàng không hồi phục hoạt động giúp mảng nhiên liệu bay vượt qua thời kỳ gian khó. Số liệu của Petrolimex cũng phản ánh điều này khi sản lượng bán nội địa nửa đầu năm 2022 đạt hơn 5 tỷ m3, tấn; tăng 9% so với nửa đầu 2021.
Trong nửa cuối năm 2022, sản lượng tiêu thụ của Petrolimex dự báo tiếp tục tăng cao dựa trên mức nền thấp của cùng kỳ năm 2021, đặc biệt là quý III/2021, khi cả nước thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống Covid-19 khiến sản lượng tiêu thụ xăng dầu giảm mạnh.
Tuy vậy, sự biến động bất thường của giá xăng dầu thế giới, khoảng chênh lệch giữa giá dầu thô và dầu thành phẩm có biên độ lớn sau khi xung đột quân sự Nga - Ukraine xảy ra và nhiều nước công bố biện phát trừng phạt đối với lĩnh vực năng lượng của Nga đang là rủi ro khó lường với câu chuyện lợi nhuận của doanh nghiệp. Xu hướng giảm giá sản phẩm xăng dầu tiềm ẩn nguy cơ doanh nghiệp phải gia tăng trích lập dự phòng giảm giá đối với hàng tồn kho. Việc phải đẩy mạnh nhập khẩu và tích trữ xăng dầu để đảm bảo cung ứng cho thị trường trong bối cảnh Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn gặp khó khăn cũng ảnh hưởng đến dòng vốn lưu động của doanh nghiệp, gia tăng áp lực sử dụng nợ vay và chi phí lãi vay.
Trong thời gian qua, một trong những câu chuyện đáng chú ý của Petrolimex là kế hoạch thoái vốn tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Xăng dầu Petrolimex (PGBank).
Tính đến 30/6/2022, Petrolimex đang có 11 khoản đầu tư vào các công ty liên kết với giá trị 3.243,4 tỷ đồng, trong đó, lớn nhất là khoản đầu tư vào PGBank với 1.750,8 tỷ đồng, nắm giữ 40,57% vốn tại ngân hàng này.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022, lãnh đạo Petrolimex cho biết, kế hoạch thoái vốn tại PGBank được dự kiến thực hiện vào nửa đầu quý IV/2022 theo hình thức đấu giá công khai. Với tỷ lệ sở hữu lớn và định hướng thoái toàn bộ, triển vọng thoái vốn của Petrolimex tại PGBank được đánh giá là rất khả quan trong bối cảnh việc xin cấp phép thành lập ngân hàng mới gần như là điều bất khả thi. Đa phần các ngân hàng trên thị trường đều đã có nhóm cổ đông chi phối, khiến việc bán vốn của Petrolimex tại PGBank trở nên hấp dẫn hơn trong mắt nhà đầu tư quan tâm đến lĩnh vực này.
Kế hoạch thoái vốn nếu thành công sẽ có đóng góp đáng kể vào lợi nhuận và dòng tiền của Petrolimex trong năm nay.