Khả năng cao Petrolimex đạt tiến độ kế hoạch lợi nhuận trong nửa đầu năm |
Bài toán tạo nguồn
Trái với xu hướng tăng “chưa thấy đỉnh” của giá xăng dầu, Petrolimex - đầu mối phân phối xăng dầu lớn nhất trên thị trường ghi nhận mức lợi nhuận đi xuống trong quý đầu năm. Dù doanh thu đạt 67.020 tỷ đồng, tăng 75% so với cùng kỳ, nhưng biên lợi nhuận của Tập đoàn sụt giảm còn 4,14%, từ mức 8,86% hồi quý I/2021. Cùng khoản chi phí tài chính vọt lên đáng kể, lợi nhuận sau thuế quý I chỉ đạt 442 tỷ đồng, bằng 60% cùng kỳ.
Diễn biến phức tạp của giá xăng dầu và sự cố của Liên hiệp Lọc hóa dầu Nghi Sơn nằm trong các nguyên nhân tác động đến biên lợi nhuận của Petrolimex quý I/2022. Cụ thể, Liên hiệp Lọc hóa dầu Nghi Sơn - nhà sản xuất lớn nhất chiếm 35% nguồn cung xăng dầu trong nước đã giảm mạnh công suất từ đầu năm nay do “trục trặc nội bộ”. Để đảm bảo nguồn hàng phục vụ nền kinh tế, việc nhập khẩu xăng dầu của các doanh nghiệp cần đảm bảo được hạn mức tối thiểu do Bộ Công thương giao.
Sự thiếu hụt lượng xăng dầu sản xuất trong nước buộc Petrolimex phải mua theo giá giao ngay khi thị trường có biến động bất thường, thay vì tạo nguồn theo giá hợp đồng đã sắp đặt trước. Theo chia sẻ mới đây của ông Đào Nam Hải, Tổng giám đốc Petrolimex, tỷ trọng nhập khẩu 6 tháng đầu năm ước khoảng 46%, trong khi mức này chỉ khoảng 30% ở những năm trước. Sự cố trong ngắn hạn sẽ ảnh hưởng ít, nhưng trong dài hạn sẽ tác động tới kế hoạch tạo nguồn của các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu.
Cập nhật đến cuối quý I/2022, lượng tồn kho xăng dầu của Petrolimex đã vọt lên 24.254 tỷ đồng, gấp 1,84 lần cuối năm trước và cũng là mức cao kỷ lục được ghi nhận. Vòng quay hàng tồn kho đã được cải thiện trong năm trước, từ mức 14,7 lần của năm 2020 lên 21,3 lần vào năm 2021.
Yếu tố này giúp doanh nghiệp mở rộng biên lợi nhuận gộp khi giá xăng tiếp tục tăng cao. Tuy nhiên, ở quý đầu năm 2022, việc nhập xăng dầu ở giá cao trong khi giá xăng dầu trên thị trường có nhịp điều chỉnh giảm đã khiến Petrolimex ghi giảm 539,5 tỷ đồng trực tiếp vào giá vốn hàng bán. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến biên lãi gộp sụt giảm.
Cách thức tạo nguồn trong bối cảnh tình hình nguồn cung xăng dầu trong và ngoài nước đều có sự bấp bênh cũng là điều ông Hồ Sỹ Hùng, Phó chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp - đại diện cổ đông Nhà nước tại Tập đoàn nhấn mạnh tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông năm 2022 tổ chức hồi tháng 6 vừa qua.
Tổng giám đốc Đào Nam Hải khẳng định, Petrolimex vẫn luôn dự phòng phương án linh hoạt để tối ưu hóa công tác tạo nguồn, kể cả trong trường hợp Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn tiếp tục xảy ra sự cố, chưa đảm bảo cung cấp ổn định.
Hứa hẹn bức tranh nửa đầu năm sáng hơn
Theo cập nhật của ông Trần Ngọc Năm, thành viên HĐQT Petrolimex, tình hình kinh doanh của Tập đoàn đã hồi phục đáng kể sau kết quả ảm đạm của quý I. Sản lượng xăng dầu xuất bán đạt 5,9 triệu m2, hoàn thành 48% kế hoạch. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất 5 tháng đầu năm đã hoàn thành 44% kế hoạch năm, dự kiến đạt 1.340 tỷ đồng. Lợi nhuận trong 2 tháng đầu quý II gấp đôi kết quả đạt được trong quý I/2022.
Nếu xu hướng tăng giá xăng dầu được duy trì, lượng tồn kho lớn với giá vốn thấp sẽ là lợi thế của “ông lớn” mảng phân phối xăng dầu. Dù vậy, giá dầu thế giới - yếu tố tác động trực tiếp đến giá xăng dầu trong nước vẫn là biến số khó lường thời gian tới.
Theo quy định tại Nghị định 95/2021/NĐ-CP của Chính phủ, thời gian điều chỉnh giá sẽ giảm xuống còn 10 ngày, thay vì 15 ngày như trước đây và số ngày tồn kho tối thiểu cũng giảm từ 30 ngày xuống còn 20 ngày. Trong báo cáo mới đây, chuyên gia phân tích từ Công ty cổ phần Chứng khoán An Bình đánh giá, chính sách về giá với thời gian điều chỉnh thu ngắn lại sẽ giúp giá bán lẻ tiến gần đến cơ chế thị trường và giúp đảm bảo lợi nhuận của công ty trước những biến động bất lợi của giá cả quốc tế.
“Với tình hình thực hiện 5 tháng, khả năng cao Petrolimex bám sát và đạt tiến độ kế hoạch về sản lượng và lợi nhuận trong nửa đầu năm. Tập đoàn đặt mục tiêu gia tăng tích luỹ để vượt tiến độ kế hoạch đề ra”, ông Năm chia sẻ thêm với các cổ đông.