Trong bối cảnh giá dầu diễn biến thuận lợi, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) chủ trương đẩy sản lượng khai thác dầu bù đắp sản lượng khí thấp do huy động của thị trường kém. Do đó, sản lượng khai thác quy dầu tháng 4 vượt 7% kế hoạch. Lũy kế 4 tháng, sản lượng khai thác quy dầu vượt 1% kế hoạch.
Kết quả tài chính của Tập đoàn vượt cao so với kế hoạch. Lũy kế 4 tháng đầu năm 2021, doanh thu hợp nhất ước đạt 124.420 tỷ đồng, vượt 21% kế hoạch 4 tháng và bằng 35% kế hoạch năm, tăng 47% so với cùng kỳ.
Tổng số nộp ngân sách của toàn Tập đoàn 4/2021 ước đạt 27.500 tỷ đồng, vượt cao so với kế hoạch 4 tháng cũng như cùng kỳ. Đặc biệt, chỉ tiêu lợi nhuận của Tập đoàn vượt rất cao so với kế hoạch và tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế lũy kế 4 tháng ước đạt 15.420 tỷ đồng, gấp 2,5 lần kế hoạch 4 tháng và bằng 94% kế hoạch năm, gấp 2,46 lần so với cùng kỳ, vượt hơn nhiều so với mức tăng của giá dầu.
Tất cả các đơn vị trong Tập đoàn đều giữ được nhịp độ sản xuất kinh doanh ổn định, có 17/22 đơn vị có lợi nhuận, nhiều đơn vị đạt mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ. Công tác an ninh, an toàn dầu khí, an toàn môi trường, an toàn lao động, phòng chống cháy nổ trên các công trình dầu khí được giám sát chặt chẽ và thực hiện nghiêm túc.
Tổng giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng khẳng định, trong 4 tháng đầu năm, Tập đoàn đã đảm bảo an toàn, ổn định, thông suốt hoạt động sản xuất kinh doanh, đem lại kết quả rất đáng ghi nhận, đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Kết quả đó, bên cạnh 30% từ thuận lợi do giá dầu thì 70% đến từ nỗ lực của toàn Tập đoàn trong thời gian dài kiên trì, quyết liệt thực hiện các giải pháp khơi thông sản xuất, nâng cao hiệu quả quản trị.
Những kết quả này cũng là đáng mừng khi mà diễn biến tình hình thế giới trong 4 tháng đầu năm 2021 cho thấy, kinh tế toàn cầu đã có sự tăng trưởng trở lại nhưng phân hóa rõ nét. Đại dịch COVID-19 đã khiến nhiều quốc gia rơi vào cuộc suy thoái kinh tế tồi tệ nhất trong lịch sử. Tình trạng khẩn cấp về đại dịch COVID-19 mới đây có nguy cơ dập tắt hy vọng phục hồi kinh tế ở nhiều quốc gia.
Goldman Sachs dự báo các đầu tàu kinh tế toàn cầu sắp giảm tốc. Ủy ban Kỹ thuật OPEC (JTC) cũng cảnh cáo, diễn biến dịch bệnh tại Ấn Độ, Brazil và Nhật Bản xấu đi có thể tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế thế giới và thay đổi xu hướng phục hồi nhu cầu dầu thô.
Với thực tế dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên thế giới, cũng như bùng phát mạnh ở các quốc gia Đông Nam Á, đặc biệt là các nước có đường biên giới chung với nước ta như Campuchia, Thái Lan và Lào hay trong nước đã bắt đầu xuất hiện những ca lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng từ cuối tháng 4, tác động rất lớn đến mọi hoạt động, các đơn vị trong toàn Tập đoàn đang theo dõi rất chặt chẽ, chuẩn bị sẵn sàng và đảm bảo các giải pháp ứng phó theo các kịch bản khác nhau, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu đảm bảo an toàn, ổn định, không gây gián đoạn hoạt động sản xuất kinh doanh.
Để tiếp tục phát huy kết quả đạt được và trước những diễn biến mới của tình hình dịch bệnh COVID-19, Tổng giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng chỉ đạo các đơn vị, tập trung đánh giá các rủi ro, biến động của tình hình dịch bệnh để cập nhật, triển khai các giải pháp ứng phó, cũng như định hướng quản trị, điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh, rà soát các nhiệm vụ, chỉ tiêu trong quý II và nỗ lực thực hiện các phần việc còn tồn đọng của quý I; tiếp tục theo dõi, đánh giá các yếu tố vĩ mô, tình hình tỷ giá, lạm phát để đánh giá các nguồn lực tài chính của Tập đoàn cho hoạt động SXKD; tập trung đảm bảo sản xuất ổn định, an toàn, hiệu quả, sẵn sàng tận dụng các cơ hội thị trường; nghiêm túc thực hiện tiết giảm, tối ưu chi phí, phân tích biến động chi phí và biến động doanh thu để có giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động; tiếp tục tăng cường hiện thực hóa các chuỗi liên kết trong toàn Tập đoàn.