Ngân hàng - Bảo hiểm
Phá băng nợ xấu ngân hàng (Kỳ I)
Hà Tâm - 02/11/2018 08:16
Khi những ngân hàng “ung nhọt” được cách ly và xử lý dần dần, khối nợ xấu khổng lồ gần 800.000 tỷ đồng (tương đương hơn 30 tỷ USD) đã được dọn dẹp sau 6 năm tái cơ cấu. Thế nhưng, quá trình xử lý nợ xấu và tái cơ cấu ngân hàng đang chậm dần sau 2 năm bước vào giai đoạn II, với những thách thức còn ngổn ngang phía trước.

Kỳ I: Lo cỗ xe xử lý nợ xấu khựng lại

Một chuyên gia kinh tế ví von, xử lý nợ xấu hiện nay giống như một cỗ xe chạy băng băng, nhưng lên đến lưng chừng dốc thì đột nhiên khựng lại và có nguy cơ bị thụt lùi.

Sài Gòn One Tower (TP.HCM) là dự án bị thu giữ để xử lý nợ xấu. Ảnh: Đức Thanh

Hơn nửa triệu tỷ đồng nợ xấu vẫn nằm im

Không phải ngẫu nhiên mà tại phiên chất vấn kỳ họp Quốc hội lần này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không còn ngồi vị trí “ghế nóng”. Hàng trăm ngàn tỷ đồng nợ xấu được xử lý và dường như không còn là tâm điểm của cả nền kinh tế. Thế nhưng, chính sự yên ổn này lại gây ra nhiều lo lắng cho các chuyên gia ngân hàng.

Trong báo cáo gửi Quốc hội ngay đầu kỳ họp đang diễn ra, Thống đốc NHNN, ông Lê Minh Hưng cho biết, tính đến thời điểm cuối tháng 7/2018, nợ xấu toàn hệ thống chỉ còn 2,13%, giảm so với mức 2,46% vào năm 2016. Tính từ năm 2012 đến tháng 7/2018, toàn hệ thống ngân hàng đã xử lý được 794.200 tỷ đồng nợ xấu. Đặc biệt, trong vòng 1 năm qua, kể từ khi Nghị quyết 42/2017/QH14 có hiệu lực, toàn hệ thống đã xử lý được 141.300 tỷ đồng nợ xấu. 

Thế nhưng, những con số đẹp này không làm giới chuyên gia bớt lo lắng. Theo PGS-TS Đặng Ngọc Đức, Viện trưởng Viện Ngân hàng - Tài chính, điều đáng sợ nhất là xử lý nợ xấu giai đoạn II đang có dấu hiệu chững lại, với một lượng lớn nợ xấu (khoảng 210.000 tỷ đồng) vẫn án binh bất động tại kho của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), chưa kể nợ xấu đang có dấu hiệu dềnh lên tại các ngân hàng.

Nếu tính cả nợ nằm tại VAMC, nợ xấu nội bảng hiện hữu nằm trong các ngân hàng thương mại (khoảng 145.000 tỷ đồng) và nợ có nguy cơ biến thành nợ xấu, thì tổng quy mô nợ xấu và nợ sắp xấu của nền kinh tế thời điểm này là gần 500.000 tỷ đồng, chiếm 6,6 - 6,7% tổng dư nợ tín dụng của cả nước. Chưa hết, hiện chỉ có 6 ngân hàng sạch nợ tại VAMC. Một lượng lớn nợ xấu nằm trong kho VAMC đang đếm ngược thời gian để quay trở lại hàng chục ngân hàng khác, khi thời hạn 5 năm đã cận kề. Như vậy, nếu không nhanh chóng xử lý, nguy cơ khủng hoảng nợ xấu quay lại với các nhà băng không còn là sự cảnh báo.

Theo lộ trình xử lý nợ xấu, tái cơ cấu mà Chính phủ đặt ra (Quyết định 1058/QĐ-TTg về Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020), đến năm 2020, nợ xấu toàn hệ thống phải về dưới mức 3%. Mục tiêu này đang trở nên vô cùng thách thức, bởi thời gian qua, hàng loạt khoản nợ xấu ngàn tỷ đồng được VAMC và các ngân hàng thi nhau rao bán, song rất ít thương vụ thành công. Lý do là thị trường mua bán nợ vẫn chưa hình thành. 

Những khoản nợ ngàn tỷ đồng khó mua, khó bán

Còn nhớ, cách đây hơn một năm, VAMC thông báo thu giữ Sài Gòn One Tower (TP.HCM) để xử lý khoản nợ 7.000 tỷ đồng. “Phát súng” đầu tiên này đã thúc đẩy làn sóng thu hồi tài sản nợ diễn ra nhộn nhịp. Sau đó, hàng loạt khối tài sản nợ xấu hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng được VAMC và các nhà băng tấp nập rao bán. Tuy nhiên, hơn một năm trôi qua, Sài Gòn One Tower vẫn nằm im và hàng loạt khối nợ khổng lồ của các ngân hàng cũng trong tình cảnh tương tự.

Kinh nghiệm của phần lớn các quốc gia trên thế giới cho thấy, để xử lý triệt để nợ xấu, không còn cách nào khác là hình thành và thúc đẩy thị trường mua bán nợ tập trung. Đây cũng là giải pháp được nhiều ngân hàng thương mại nước ta ngóng chờ nhiều năm nay, song số nợ được mua theo giá thị trường còn rất nhỏ (VAMC mới mua vỏn vẹn 3.500 tỷ đồng nợ xấu theo giá thị trường). 

Đại diện Công ty Mua bán nợ (AMC) của Ngân hàng NCB cho rằng, nếu VAMC tiếp tục mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt thì sẽ tạo ra mối quan hệ tay ba giữa con nợ, ngân hàng và VAMC. Khi đó, cho dù bán nợ cho VAMC, nhưng thực chất, ngân hàng vẫn phải gánh trách nhiệm và xử lý tài sản. VAMC muốn bán các tài sản này phải đạt được thỏa thuận ba bên, trong khi mỗi bên đều tính đến lợi ích của mình, dẫn đến vướng mắc kéo dài trong quá trình bán tài sản. Chính vì vậy, chỉ có cách là VAMC đứng ra mua đứt các khoản nợ thì mới đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu. Để làm được điều này, VAMC phải phải có “tiền tươi, thóc thật”.

Cùng quan điểm này, lãnh đạo AMC của PVcomBank cũng mong muốn thị trường nợ sớm được hình thành và VAMC sớm công khai, minh bạch thông tin về các tài sản nợ xấu để nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận.

“Trước mắt, trong thời gian chờ đợi thị trường mua bán nợ chính thức, VAMC có thể thành lập thị trường mua bán nợ online để tăng cường trao đổi thông tin, cho phép các AMC được quyền truy cập thông tin về các khoản nợ xấu mà VAMC đã mua”, đại diện AMC của PVcomBank đề nghị. 

Theo lãnh đạo các ngân hàng thương mại, Chính phủ - trong trường hợp này là Bộ Tài chính và NHNN - phải đứng ra tạo lập thị trường mua bán nợ, đưa ra đầy đủ hành lang pháp lý cho thị trường này hoạt động. Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng dù đã mở đường cho thị trường nợ, nhưng quy định cụ thể lại phải trông chờ vào các bộ, ngành.

Nghị định 69/2016/NĐ-CP về điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ có hiệu lực từ ngày 1/72016 đã nêu rõ, Bộ Tài chính là cơ quan quản lý chịu trách nhiệm tạo nền tảng, quy chế cho việc thành lập thị trường mua bán nợ. NHNN có nhiệm vụ phối hợp để thực hiện. Tuy nhiên, trong khi VAMC và NHNN khá sốt sắng, thì dường như Bộ Tài chính vẫn khá thận trọng. Dự kiến, sang năm 2019, một nghị định về hoạt động kinh doanh dịch vụ mua bán nợ mới được bộ này trình Chính phủ. 

Thêm vào đó, các đơn vị định giá nợ, các nhà môi giới chuyên nghiệp... trên thị trường vẫn còn thiếu vắng. Khi lực lượng trung gian chưa có, thị trường chưa có khung pháp lý để hình thành, thì đương nhiên, nhà đầu tư (người mua) chưa thể xuất hiện. 

Ngay cả các chủ thể bán nợ trên thị trường hiện nay là VAMC, Công ty Mua bán nợ Việt Nam (DATC) và gần 30 AMC của các ngân hàng cũng còn rất yếu về năng lực vốn. Cụ thể, DATC có vốn điều lệ 6.000 tỷ đồng, nhưng chủ yếu chỉ xử lý nợ xấu của doanh nghiệp nhà nước. VAMC nắm trong tay hàng trăm ngàn tỷ đồng nợ xấu, nhưng vốn điều lệ chỉ có 2.000 tỷ đồng. Đây là lý do giải thích tại sao công ty này chưa thể mua lượng lớn nợ xấu theo giá thị trường. Trong khi đó, có số lượng lớn, nhưng AMC của các ngân hàng thương mại hầu như chỉ xử lý nợ xấu nội bộ cho ngân hàng mẹ. Chưa kể, đa phần AMC có vốn điều lệ chỉ vài chục tỷ đồng, nên muốn tham gia thị trường mua bán nợ cũng rất khó. 

Theo thông tin từ VAMC, bên cạnh thí điểm mua nợ theo giá thị trường, đơn vị này đang tích cực phân loại nợ, đã lựa chọn được 40 đơn vị để hỗ trợ VAMC xác định giá khoản nợ và đang tích cực phối hợp với các bộ, ngành, các công ty mua bán nợ, các công ty định giá để xây dựng khung pháp lý, cơ chế vận hành cho thị trường mua bán nợ ở Việt Nam. 

“Chúng tôi sẽ trực tiếp làm việc với các bộ, ngành liên quan để làm sao thị trường mua bán nợ hình thành thì phải có những luật chơi để đảm bảo các thành viên tham gia thị trường hoạt động an toàn, hiệu quả gắn với mục tiêu về xử lý nợ xấu của ngành”, Tổng giám đốc VAMC, ông Đoàn Văn Thắng cho biết.

Lãnh đạo VAMC cũng kỳ vọng, một trung tâm mua bán nợ theo giá thị trường sẽ sớm đi vào hoạt động.

(Còn tiếp) 

Ý KIẾN - NHẬN ĐỊNH

Cần khuyến khích doanh nghiệp tư nhân tham gia thị trường mua bán nợ.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia ngân hàng

Nhiều nước trên thế giới như Trung Quốc, Hàn Quốc đã rất thành công trong việc xây dựng và phát triển thị trường mua bán nợ nhờ kêu gọi được nhiều nhà đầu tư tư nhân. Tại Việt Nam, Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội cho phép mua bán nợ xấu theo giá thị trường. Chính phủ cũng đã yêu cầu Bộ Tài chính sớm thành lập thị trường mua bán nợ. Hoạt động mua bán nợ thời gian qua tuy đã có, nhưng còn rời rạc. Muốn thành lập thị trường mua bán nợ, cần kêu gọi, khuyến khích doanh nghiệp tư nhân tham gia nhiều hơn, đồng thời phát triển thị trường mua bán nợ thứ cấp.
Lý do khiến thị trường nợ ở nước ta chưa hình thành là chưa có khung pháp lý hoàn chỉnh, thiếu các đơn vị định giá, đánh giá mức độ tín nhiệm các khoản nợ, cũng như thiếu dữ liệu về các khoản nợ xấu.n

Đề nghị sớm ban hành các hướng dẫn cụ thể về mua bán nợ.

Ông Đoàn Văn Thắng, Tổng giám đốc VAMC

Đề nghị Bộ Tài chính sớm ban hành các hướng dẫn cụ thể về hoạt động mua bán nợ, đặc biệt là hướng dẫn hoạt động sàn giao dịch mua bán nợ, để tạo hành lang pháp lý vững chắc cho thị trường mua bán nợ của Việt Nam. Nhiều quy định quan trọng, tác động tới quá trình xử lý nợ xấu cũng cần sự hỗ trợ từ việc sửa đổi Luật Đất đai cho phù hợp hơn với tình hình thực tế. Ngoài ra, để tăng nguồn lực tài chính tham gia hiệu quả hơn trong quá trình xử lý nợ xấu, VAMC kiến nghị NHNN, các bộ, ngành liên quan xem xét cấp bổ sung đủ vốn điều lệ cho VAMC theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 1058/QĐ-TTg về Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020.

Tin liên quan
Tin khác