Căn cứ năng lực, khả năng tài chính của mình, các ngân hàng tính toán thực hiện giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho doanh nghiệp. Ảnh: Đ.T |
Yêu cầu công khai lãi vay
Trong văn bản ban hành đầu tháng 6/2021, NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai các biện pháp tăng cường phòng, chống và tháo gỡ khó khăn do tác động của Covid-19. Trong đó, yêu cầu khẩn trương triển khai các biện pháp tiết giảm chi phí, giảm thêm lãi suất cho vay và thực hiện các biện pháp hỗ trợ khách hàng khác.
Mới đây, NHNN Chi nhánh TP.HCM cũng đã có công văn về việc triển khai các biện pháp tăng cường phòng, chống và tháo gỡ khó khăn do tác động của Covid-19. Theo đó, yêu cầu các tổ chức tín dụng trên địa bàn tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo quy định về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, cho vay mới theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN và Thông tư 03/2021/TT-NHNN.
Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng phải thực hiện cắt giảm tối đa các loại chi phí nhằm tạo nguồn lực tài chính để hỗ trợ khách hàng, người dân, doanh nghiệp. Các tổ chức tín dụng căn cứ năng lực, khả năng tài chính của đơn vị mình để tính toán thực hiện giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại thời hạn trả nợ và các biện pháp hỗ trợ khác.
Một điểm được đáng chú ý là, tổ chức tín dụng phải công bố công khai mức lãi suất hỗ trợ, các biện pháp, chính sách hỗ trợ để người dân, doanh nghiệp được biết.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc phụ trách NHNN Chi nhánh TP.HCM cho rằng, việc công khai lãi vay hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh tác động là cần thiết để giúp doanh nghiệp dễ dàng nắm bắt khi có nhu cầu vốn.
Đợt bùng phát Covid-19 lần thứ tư đang tiếp tục “quật ngã” nhiều doanh nghiệp. Không có dòng tiền trả nợ, nhiều doanh nghiệp và hộ kinh doanh rơi vào khó khăn, thậm chí đối diện nguy cơ có thể bị siết nợ thu hồi tài sản. Vì vậy, theo lãnh đạo một ngân hàng, trong bối cảnh hiện nay, ngân hàng phải tiết kiệm chi phí tối đa để “chia lửa” cùng khách hàng bị ảnh hưởng dịch, nên việc công khai lãi vay là cần thiết để giúp doanh nghiệp tính toán khả năng trả nợ, sử dụng vốn vay hợp lý.
Lãi vay hỗ trợ ra sao?
Bản thân doanh nghiệp cũng luôn muốn được phía ngân hàng công bố lãi vay để tính toán trước khi tiếp cận nguồn vốn, nhất là trong bối cảnh thị trường khó khăn. Đại diện một doanh nghiệp da giày tại Đồng Nai cho biết, trước khi tính toán vay, Công ty luôn tìm hiểu lãi suất ở các ngân hàng để có được mức ưu đãi tốt nhất. Vì thế, việc ngân hàng công bố lãi vay là cần thiết. Tuy nhiên, hiện còn nhiều nhà băng chưa công bố mức lãi suất hỗ trợ cụ thể cho các doanh nghiệp trong đại dịch Covid-19.
“Chia lửa” cùng doanh nghiệp, nhưng cũng là cứu chính bản thân mình, các nhà băng đã tung ra nhiều gói tín dụng hỗ trợ lãi vay kể từ khi làn sóng Covid-19 thứ 4 xảy ra. Chẳng hạn, Sacombank vừa đưa ra gói 10.000 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu và hỗ trợ các doanh nghiệp khắc phục khó khăn trong hoạt động sản xuất - kinh doanh. Mức lãi suất dao động từ 4%/năm đến 6,7%/năm, phụ thuộc vào ngành nghề kinh doanh, quy mô hoạt động, thời hạn vay và mức độ gắn kết giao dịch với Sacombank.
Ông Phan Đình Tuệ, Phó tổng giám đốc Sacombank cho biết, trong bối cảnh Covid-19, Ngân hàng phải tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho khách hàng, kể cả hy sinh lợi nhuận.
Trước đó, BIDV đã triển khai gói vay 50.000 tỷ đồng lãi suất từ 6,2%/năm. Còn VPBank giảm lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) từ 0,5 - 2%/năm từ nay đến hết ngày 30/9, giúp khối doanh nghiệp này giảm bớt áp lực tài chính để nhanh chóng phục hồi sản xuất, kinh doanh trong giai đoạn kinh tế khó có khăn chung.
Điều dễ nhận thấy là, khi đại dịch bùng phát, nhiều doanh nghiệp thuộc lĩnh vực sản xuất tiêu dùng, y tế, giáo dục, công nghệ và chế biến đã có những điều chỉnh, thay đổi sản xuất - kinh doanh, tạo ra những sản phẩm phù hợp nhu cầu trong tình hình mới. Có được những thay đổi đó, không thể không nhắc tới vai trò vô cùng quan trọng của ngành ngân hàng trong việc cung cấp vốn và dịch vụ tài chính.
Sớm nhận thức được ý nghĩa của việc cấp tín dụng đối với sự phát triển của DNNVV, theo ông Nguyễn Hoàng Minh, những năm qua, việc cung cấp tín dụng cho các DNNVV tại TP.HCM được lãnh đạo và ngành ngân hàng đặc biệt quan tâm, tạo điều kiện.
Đồng thời, các tổ chức tín dụng cũng phải chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, hiệp hội doanh nghiệp, khách hàng trên địa bàn để tìm hiểu nhu cầu vốn, đáp ứng kịp thời vốn cho tiêu thụ nông sản, nhu cầu vốn sản xuất - kinh doanh của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn; không để xảy ra chậm tiêu thụ nông sản, gián đoạn chuỗi sản xuất, cung ứng do không tiếp cận được vốn tín dụng ngân hàng.
Ngân hàng cũng chủ động rà soát, đánh giá tình hình khó khăn, thiệt hại do dịch Covid-19, trên cơ sở đó có các giải pháp cụ thể để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh...
Trước đó, NHNN cũng đã có Công văn 3947/NHNN-CSTT yêu cầu chủ tịch Hội đồng Quản trị, Hội đồng Thành viên, tổng giám đốc, giám đốc các tổ chức tín dụng; giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố khẩn trương triển khai các biện pháp tăng cường phòng, chống và tháo gỡ khó khăn do tác động của dịch Covid-19. Trong đó, yêu cầu các tổ chức tín dụng thực hiện cắt giảm tối đa các loại chi phí nhằm tạo nguồn lực tài chính hỗ trợ khách hàng, người dân, doanh nghiệp.