Thời sự
Phải hình sự hóa tội danh gây lãng phí
Mạnh Bôn - 26/06/2013 06:48
GS - TS Hồ Trọng Ngũ, Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho biết, một trong những vấn đề được nhiều cử tri quan tâm trong đợt đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri để báo cáo về kết quả của Kỳ họp Quốc hội thứ 5 là việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Ông có nghĩ, Kỳ họp Quốc hội thứ 5 vừa qua đã thực sự tiết kiệm?

Tiết kiệm hay không cần phải có thước đo để đánh giá đó chính là hiệu quả đạt được. Tại Kỳ họp thứ 5 vừa qua, Quốc hội đã bàn bạc, thảo luận và thông qua được nhiều quyết sách quan trọng liên quan đến những vấn đề trọng đại của đất nước. Trong đó, có nhiều vấn đề vô cùng quan trọng như miễn nhiệm, bầu 2 chức danh quan trọng là Bộ trưởng Bộ Tài chính và Tổng Kiểm toán Nhà nước; lấy phiếu tín nhiệm; thảo luận Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992…

GS - TS Hồ Trọng Ngũ, Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh
của Quốc hội (Ảnh Đức Thanh)

Với khối lượng công việc khổng lồ như vậy, bình thường, Quốc hội phải làm việc ít nhất 30 ngày trở lên, nhưng thực tế, Quốc hội chỉ làm việc tổng cộng 28 ngày trên cơ sở sắp xếp chương trình khoa học, hợp lý.

Mỗi ngày làm việc, thường có từ 470 đại biểu tham dự trở lên, Quốc hội tiết kiệm được ít nhất 2 ngày làm việc, tính ra đã tiết kiệm được biết bao nhiêu công sức, thời gian.

Tiết kiệm thời gian cho đại biểu Quốc hội chính là tiết kiệm thời gian cho xã hội.

Số tiền tiết kiệm được nhờ tối ưu hóa thời gian làm việc tại Kỳ họp Quốc hội thứ 5 khó lượng hóa hết được, nhưng chắc chắn là vô cùng lớn, bởi đa phần đại biểu Quốc hội đều giữ trọng trách quan trọng tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Trung ương và địa phương.

Mặc dù tiết kiệm được ít nhất 2 ngày làm việc, song hiệu quả đạt được vẫn rất cao, ông có nghĩ như thế không?

Tôi xin nói lại là, chương trình kỳ họp lần này được sắp xếp hết sức hợp lý, khoa học, nên hiệu quả đạt được khá cao. Đơn cử, việc rút ngắn thời gian thảo luận tại Hội trường về tình hình kinh tế - xã hội chỉ còn 1 ngày, thay vì 2 ngày như trước đây để dành thời gian tập trung cho việc thảo luận Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, giám sát tình hình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng nguồn vốn trái phiếu chính phủ đã giúp nâng cao hiệu quả làm việc của Kỳ họp thứ 5.

Tuy nhiên, tôi cho rằng, nếu Quốc hội dành thêm thời gian để thảo luận về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi thì tốt hơn, vì vẫn còn khoảng 50 đại biểu đã đăng ký thảo luận vào 2 nội dung này, nhưng không có cơ hội vì hết thời gian làm việc.

Hy vọng, các cuộc hội nghị, làm việc của Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền địa phương cũng phải được sắp xếp một cách khoa học, hợp lý, rút ngắn thời gian làm việc xuống tối thiểu, nhưng vẫn bảo đảm hiệu quả để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Trao đổi với Báo Đầu tư điện tử - baodautu.vn, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng, Chính phủ và các bộ, ngành rất quyết liệt trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đặc biệt là lãng phí trong hội họp?

Gần đây, Chính phủ và nhiều bộ, ngành đã tổ chức họp trực tuyến thay vì họp truyền thống đã tiết kiệm được rất nhiều thời gian, công sức và cả tiền bạc cho xã hội. Điều này rất đáng trân trọng và cần tiếp tục phát huy.

Tuy nhiên, tôi thấy rằng, vẫn còn không ít bộ, ngành, mỗi năm tổ chức khá nhiều hội nghị, không kể mời các cơ quan quan Trung ương, tại các hội nghị này, lãnh đạo 3 - 4 đầu mối của 63 tỉnh, thành phố “rồng rắn” về nơi hội họp thì mới thấy lãng phí về thời gian, nhân lực, tiền bạc và tài sản của Nhà nước không ít. Đáng nói hơn, có không ít cuộc hội nghị với sự tham gia của đủ mọi thành phần với mấy trăm đại biểu tham dự, nhưng chỉ làm việc có một buổi, hiệu quả rất thấp, nhưng lãng phí thì vô cùng lớn.

Tôi cho rằng, với sự phát triển của công nghệ thông tin như hiện nay, Chính phủ nên chỉ đạo, những cuộc họp, hội nghị nào thực sự cần thiết mới tổ chức theo hình thức truyền thống, còn lại bắt buộc phải thực hiện theo hình thức trực tuyến để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Cũng như nhiều đại biểu Quốc hội khác, xem ra ông khá bức xúc trước tình trạng lãng phí hiện nay. Quan điểm của ông về Dự thảo Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí sửa đổi sẽ được Quốc hội thông qua vào cuối năm nay?

Không sửa đổi, bổ sung Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, mà xây dựng Luật Phòng chống lãng phí tương tự Luật Phòng chống tham nhũng.

Sinh thời, Bác Hồ nhiều lần nhắc nhở các cấp, các ngành, các cơ quan đoàn thể, tổ chức, cá nhân là phải chống lãng phí, tham ô. Chúng ta đã có Luật Chống tham ô (tham nhũng), thì cần phải có Luật Chống lãng phí. Tham ô, tham nhũng đã được hình sự hóa, bị coi là tội phạm với các tội danh rất cụ thể được quy định trong Bộ luật Hình sự, vì vậy, tôi cho rằng, bên cạnh việc xây dựng Luật Phòng chống tham nhũng, cần phải sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự để quy định tội danh đối với cá nhân để xảy ra lãng phí.

Muốn chống được lãng phí thì phải quy định cụ thể từng tội danh gây ra lãng phí từ lãng phí thời gian, nhân lực đến tiền bạc, tài sản của Nhà nước và mỗi tội danh phải có mức hình thức xử phạt khác nhau chứ nếu vẫn xử lý theo kiểu kiểm điểm, khiển trách, cảnh cáo đến buộc thôi việc như hiện nay thì khó có thể đẩy lùi được lãng phí.

Tin liên quan
Tin khác