Tài chính - Chứng khoán
Phân hóa trong kinh doanh của các doanh nghiệp bảo hiểm
Thanh Thủy - 07/08/2021 10:05
Trong khi doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ tăng doanh thu và mở rộng quy mô tài sản, thì nhóm bảo hiểm phi nhân thọ tăng trưởng hạn chế hơn và cạnh tranh gay gắt giành thị phần.
Các doanh nghiệp bảo hiểm niêm yết đều giữ được tăng trưởng lợi nhuận trong nửa đầu năm nay.

Bảo hiểm phi nhân thọ cạnh tranh gay gắt

Theo số liệu do Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 96.799 tỷ đồng, tăng 16,22% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, doanh thu bảo hiểm nhân thọ ước đạt 66.818 tỷ đồng, tăng 19,4% so với cùng kỳ; mảng phi nhân thọ tăng trưởng khiêm tốn hơn, chỉ 10,5%, nhưng vẫn cao hơn tốc độ tăng cùng kỳ năm trước. 

Bảo Việt “ông lớn” ngành phi nhân thọ đã có thời gian dài nắm ngôi vương thị phần) tiếp tục tăng trưởng âm trong cả hai quý đầu năm, khiến mảng này chỉ đóng góp hơn 4.910 tỷ đồng, giảm 4,97% so với cùng kỳ. Khoảng cách với “đối thủ” liền sau là PVI ngày càng thu hẹp, bởi doanh thu phí bảo hiểm gốc của PVI tăng 13% so với cùng kỳ, đạt 4.566 tỷ đồng trong nửa đầu năm.

Trước đó, năm 2020, cả Bảo Việt và PVI đều đánh mất lần lượt 1,4% và 0,2% thị phần. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm nhóm dưới ghi nhận sự bứt phá. Ghi nhận ở nửa đầu năm 2021, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm đạt được mức tăng trưởng doanh thu hai con số như Bảo hiểm Quân đội (+35%), Bảo hiểm Hàng không (+33%), Bảo hiểm BIDV (+18%), Bảo hiểm Bảo Long (+18%), PJICO (+13%).

Bảo hiểm Bảo Minh, Bảo hiểm Bưu điện từng giữ vị trí thứ 3 và thứ 4 trong năm 2020 cũng gặp khó trong bài toán tăng trưởng thị phần, với doanh thu phí nửa đầu năm chỉ tăng trưởng ở mức thấp hoặc đi ngang. Với khoảng cách không quá cách biệt, doanh thu phí bảo hiểm của PJICO đạt gần 1.850 tỷ đồng, chỉ còn thấp hơn 450 tỷ đồng so với doanh thu của Bảo hiểm Bưu điện.

Mảng bảo hiểm nhân thọ tăng 14,85%, trở thành động lực chính giúp Bảo Việt thu về hơn 19.536 tỷ đồng doanh thu trong nửa đầu năm 2021, vẫn đạt mức tăng trưởng 8,75% so với cùng kỳ. Theo phương án kinh doanh năm 2021 đã được duyệt tại cuộc họp cổ đông cuối tháng 6/2021, tập đoàn này đặt kế hoạch thận trọng với mục tiêu tăng trưởng hai lĩnh vực nhân thọ và phi nhân thọ lần lượt là 6% và 0,3%. Ảnh hưởng của dịch Covid-19 là một trong các nguyên nhân được nêu ra.

Tăng trưởng lợi nhuận khả quan nhờ đầu tư

Tính chung 12 doanh nghiệp bảo hiểm trên sàn (gồm 2 doanh nghiệp tái bảo hiểm là VNR và PVI Re), tổng doanh thu từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm trong nửa đầu năm 2021 tăng gần 8,5% so với cùng kỳ, nhưng lợi nhuận trước thuế tăng trưởng tới 22%.

Trừ Bảo hiểm Hàng không, Bảo hiểm Bưu điện và PVI Re, các doanh nghiệp bảo hiểm niêm yết đều giữ được tăng trưởng lợi nhuận trong nửa đầu năm nay.

Chẳng hạn, tại Bảo Việt, dù tổng doanh thu hợp nhất chỉ tăng 6,6%, lợi nhuận trước thuế vẫn tăng 38%, đạt mức trên 1.100 tỷ đồng. So với mục tiêu thận trọng đề ra, tập đoàn này đã hoàn thành gần 70% kế hoạch cả năm. Ông Nguyễn Xuân Hòa, Kế toán trưởng Tập đoàn Bảo Việt cho biết, lợi nhuận có thể tăng trưởng mạnh nhờ Tập đoàn kiểm soát rủi ro, tăng hiệu quả hoạt động bảo hiểm và xu hướng tích cực hơn của thị trường tài chính.

Lợi nhuận gộp từ mảng hoạt động bảo hiểm của Bảo Việt từ mức lỗ hơn 100 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2020 đã chuyển sang lãi 604 tỷ đồng kỳ này. Dù chỉ duy trì doanh thu đi ngang, Bảo hiểm Bảo Minh vẫn đạt mức tăng trưởng lãi gộp hơn 31% nhờ tiết giảm các khoản chi phí. PJICO cũng thu về khoản lãi gộp tăng 30% so với cùng kỳ. Cùng khoản tăng thêm đáng kể từ lợi nhuận hoạt động tài chính, lợi nhuận trước thuế của Bảo Minh và PJICO lần lượt tăng 37% và 50%.

Với Bảo hiểm BIDV, lợi nhuận gộp từ mảng bảo hiểm giảm nhẹ so với cùng kỳ, nhưng lãi từ đầu tư chứng khoán nửa đầu năm nay mang về hơn 51 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ chỉ trên 7 tỷ đồng. Mức chênh này đã giúp lợi nhuận trước thuế của Công ty tăng tới 16%, đạt 223 tỷ đồng.

Tăng tích lũy các khoản lợi nhuận là yếu tố chính hỗ trợ các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam gia tăng nguồn vốn tự có. Số lượng các đợt phát hành cổ phần được doanh nghiệp ngành này thực hiện các năm gần đây khá ít ỏi. Tiêu biểu là thương vụ bán vốn cho cổ đông Nhật Bản hồi cuối năm 2019 của Bảo Việt, Bảo hiểm Hàng không tăng vốn lên 1.000 tỷ đồng và Bảo hiểm Quân đội tăng vốn lên 1.300 tỷ đồng đầu năm 2019 và vừa phát hành thêm cổ phiếu để trả cổ tức, tỷ lệ 10%.

Thống kê nhóm 12 doanh nghiệp bảo hiểm đang giao dịch trên sàn, nguồn vốn chủ sở hữu của nhóm chỉ tăng 9,4% so với đầu năm 2021. Quy mô tài sản xấp xỉ 226.756 tỷ đồng, cũng chỉ nhích tăng chưa đến 3%.

Theo báo cáo nửa đầu năm của Cục Quản lý giám sát bảo hiểm, tổng tài sản của các doanh nghiệp bảo hiểm ước đạt 633.757 tỷ đồng, tăng 14,7% so với cuối năm 2020. Mức tăng này phần nhiều đến từ nhóm doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ nước ngoài.

Tin liên quan
Tin khác