Dự án - quy hoạch
Phân lô bán nền băm nát quy hoạch TP.HCM
Gia Huy - 04/05/2016 08:26
Quy hoạch tại TP.HCM sẽ bị phá nát, khi nhiều diện tích đất nông nghiệp tại các quận, huyện đang bị người dân san lấp rồi “xẻ” bán.

Đua nhau “phân lô, tách thửa”

Theo thông tin từ giới “săn đất” nền tại TP.HCM, đang có một làn sóng “buôn” đất phân lô tại các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Thủ Đức… rất nhộn nhịp và dễ mua. Đặc biệt, những điểm nhiều dự án phân lô sẽ nằm cạnh những dự án lớn của Thành phố như khu công nghiệp, bến xe…

Tìm hiểu vấn đề này, phóng viên trong vai công nhân đi tìm mua đất xây nhà tại các “điểm nóng” phân lô bán nền này. Tại quận 9, khu vực đường Nguyễn Duy Trinh, Nguyễn Xiển… cạnh Khu công nghệ cao TP.HCM và khu vực Bến xe Miền Đông (mới), quận 9 thấy xuất hiện hàng loạt biển quảng cáo dán la liệt tại cột điện, tường bao… chào mời mua đất nền với giá chỉ 150 - 300 triệu đồng/1 nền.

Nhiều khu vực của TP.HCM bị xe nát để phân lô, bán nền.

Lấy số điện thoại trên một tờ giao vặt dán tại cột điện trên đường Nguyễn Xiển, quận 9, phóng viên được một thanh niên giới thiệu tên Đức người của Công ty Đ.V giới thiệu dự án đất nền mini nằm ngay trên mặt tiền đường Nguyễn Xiển.

Khu đất mà Đức giới thiệu đang được san lấp và được bao bọc bởi hàng tôn cũ, rộng 6.000 m2 được “xẻ” thành nhiều nền đủ mọi diện tích. Tuỳ vị trí, giá bán dao động từ 13-18 triệu đồng/m2. Cả khu đất chỉ có một con đường rộng 5 m, dài khoảng 100 m, chia khu đất thành 2 phần, ngoài ra không có bất kỳ diện tích đất trống nào dành cho vỉa hè, cây xanh.

“Đây là đất nông nghiệp, chúng tôi đang làm thủ tục chuyển đổi thành đất nhà ở, Công ty cam kết sẽ làm sổ đỏ cho khách hàng”, Đức tư vấn.

Đặc điểm chung của các khu đất phân lô tại đây là quy mô chỉ vài chục nền, với diện tích chỉ từ 54 - 70 m2, từ khu đất làm “dự án” kết nối với bên ngoài là những con đường hẻm chật hẹp, chông chênh. 

Giám đốc một công ty bất động sản tại đường Nguyễn Duy Trinh (quận 9) hăm hở cho biết, ông mới mua được một lô đất 9.000 m2 có giá 15 tỷ đồng, với chi phí san lấp và “chạy” thủ tục khoảng 10 tỷ, là có thể chia nhỏ 40 nền bán với giá thấp nhất là 13 triệu/m2.

Đi sâu vào các khu đất vẫn còn dấu vết trước đó là những ao thả rau muống, hàng chục xe tải chở đất san lấp ra vào nườm nượp, bụi bay mù trời. Tại mỗi lô đất thường có một chòi canh gác, với cửa sắt, mái tôn nhưng thường đóng cửa im lìm, trên tường để lại nhiều số điện thoại liên hệ bán đất.

Ông Nguyễn Văn Bé, người dân tại xã Nhị Bình, huyện Hóc Môn cho biết, gia đình ông có ruộng rau muống rộng 2.000 m2. Tuần trước, một công ty bất động sản tới mua lại để san lấp tách ra nhiều lô đất nền bán. “Trồng rau hoài không có lời, bán đất lấy cục tiền làm việc khác có lời hơn tội gì không bán hả chú”, ông Bé nói.

Tìm tới Công ty G.Đ hỏi mua đất, một người tên Thảo, giới thiệu là Phó giám đốc Công ty cho biết, muốn mua bao nhiêu nền, diện tích ra sao và khả năng tài chính của người mua có bao nhiêu để tư vấn và giới thiệu đất bán.

Khi được hỏi về tính pháp lý của các nền đất cũng như quy trình giao dịch chuyển nhượng, ông Thảo nói nhỏ: “Những khu đất này, Công ty bỏ tiền ra chuyển nhượng và tiến hành san lấp, làm hạ tầng đường sá và xúc tiến các thủ tục phân lô, tách thửa. Phía chủ đất hiện vẫn đứng tên trên từng sổ hồng. Khi sang nhượng, các bên sẽ làm “hợp đồng tay ba”, sau đó tới phòng công chứng để hoàn tất mọi thủ tục”.

Nguy cơ quy hoạch bị phá nát

Luật sư Trần Đức Phượng, Giám đốc Công ty Luật Hợp Việt cho rằng, TP.HCM để xảy ra tình trạng phân lô bán nền rầm rộ là do quản lý đô thị lỏng lẻo dẫn đến hậu quả là gây ra những “vết sẹo” đô thị.

Đặc biệt, việc UBND TP.HCM ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật có tính cởi mở, mới nhất là Quyết định 33/2014/QĐ-UBND về diện tích tối thiểu khi tách thửa. Mục đích của Thành phố với quyết định này là cho phép hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất lớn có nhu cầu tách thửa được cơ quan thẩm quyền xem xét giải quyết. Tuy nhiên, nhiều cá nhân, tổ chức đã lợi dụng kẽ hở núp bóng người dân phân lô, bán nền tràn lan.

“Sự phát triển phân lô tràn lan này sẽ dẫn tới cảnh người dân sẽ rất khổ sở vì thiếu điện nước, trường học, bệnh viện và các tiện ích tối thiểu khác”, luật sư Phượng cho biết.

Về vấn đề này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, tình trạng phân lô hộ lẻ tại TP.HCM đang diễn ra trên diện rộng mà chưa có chiều hướng dừng lại, đặc biệt có cả sổ đỏ và giấy phép xây dựng, nhưng công trình hạ tầng không kết nối được. Thậm chí, nhiều trường hợp “đầu nậu” hoặc doanh nghiệp núp bóng chủ đất để kinh doanh hưởng lợi, trốn thuế.

“Lý do để dẫn tới tình trạng này đó là tác động của việc thành phố chưa phát triển nhà ở xã hội, thiếu những dự án nhà ở xã hội giá rẻ cho người dân khi nhu cầu người dân cao, cầu vượt quá cung khiến người dân phải chấp nhận mua đất từ những thửa đất bị chia nhỏ, không sổ đỏ, giấy tờ viết tay và từ đây quy hoạch Thành phố bị phá vỡ”, ông Châu cho biết.

Thừa nhận TP.HCM đang nở rộ việc các quận, huyện vùng ven đua nhau xuất hiện tình trạng phân lô bán nền trên đất nông nghiệp, ông Võ Văn Hoan, Chánh văn phòng UBND TP.HCM cho bết, Quyết định 33 của Thành phố đang bị cố tình hiểu sai. Địa phương cho tách thửa để kinh doanh bất động sản là vi phạm pháp luật.

“Tinh thần của Quyết định 33 là không “đụng” đến đất nông nghiệp, nhưng các công ty địa ốc và chính quyền một số địa phương cố tình hiểu sai và làm sai sẽ bị UBND TP.HCM xử lý ngay trong thời gian tới”, ông Hoan khẳng định.

Xoay quanh vấn đề này, phóng viên tìm gặp ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM để tìm hiểu về việc để xảy ra tình trạng xây dựng không phép và phân lô làm dự án bừa bãi trên. Ông Tuấn cho biết, đã nhận được chỉ đạo của UBND TP.HCM tìm hiểu và báo cáo vấn đề này.

“Chúng tôi đã rà soát, thanh tra các dự án trên địa bàn và rút kinh nghiệm về việc để tình trạng xây dựng bừa bãi nêu trên, đồng thời tổng hợp toàn bộ số vụ việc phát hiện để báo cáo với UBND TP.HCM cũng như gửi cho Sở Tài nguyên và Môi trường để xử lý theo Quyết định 33”, ông Tuấn nói.

Hiện tại, hoạt động phân lô bán nền tràn lan vẫn nở rộ tại nhều quận, huyện trên địa bàn Thành phố và chưa có chiều hướng suy giảm.

Tin liên quan
Tin khác