Sở GD&ĐT Nghệ An chỉ đạo nóng
Sự việc bắt nguồn từ thông tin một số phụ huynh ở Trường THCS Tiến Thiết và Nghi Quang (huyện Nghi Lộc, Nghệ An) phản ánh, hơn một tuần qua, con của họ không được đi ôn thi từ lớp 9 lên lớp 10. Cụ thể, sau khi nhà trường tổ chức 2 đợt khảo sát thi môn Toán, Văn, Ngoại ngữ, những em nào đợt một tổng 3 môn 15 điểm; đợt 2 tổng 3 môn 12 điểm mới được ôn thi lên lớp 10. Những em dưới mức điểm trên được hướng dẫn ôn thi vào trường tư hoặc dạy nghề. Ngay sau đó, phụ huynh đã lên gặp lãnh đạo nhà trường yêu cầu cho con được thi lên lớp 10 hệ công lập nhưng bị từ chối.
Ngày 13/5, thông tin từ Sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An cho biết, cơ quan này đã gửi công văn đề nghị Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã, chỉ đạo phòng GD&ĐT thực hiện đúng chủ trương phân luồng, tạo cơ hội công bằng cho tất cả học sinh. Học sinh từ lớp 9 đủ điều kiện công nhận tốt nghiệp đều có quyền được tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10.
Phân luồng học sinh THCS, tư vấn hướng nghiệp cho học sinh là vấn đề được dư luận rất quan tâm thời gian qua. |
Trước đó Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án "Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025" tại Quyết định số 522/QĐ-TTg (ngày 14/5/2018).
Mục tiêu của đề án là tạo bước đột phá về chất lượng giáo dục hướng nghiệp trong giáo dục phổ thông, góp phần chuyển biến mạnh mẽ công tác phân luồng học sinh sau THCS và THPT vào học các trình độ giáo dục nghề nghiệp phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và địa phương đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực quốc gia, hội nhập khu vực và quốc tế
Trong đó, phấn đấu ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp… Phấn đấu ít nhất 45% học sinh tốt nghiệp THPT tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đào tạo trình độ cao đẳng.Các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu cũng được nêu rõ tại Quyết định này.
Địa phương triển khai đề án thế nào?
Không thể phủ nhận mục tiêu đúng đắn của Đề án "Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025". Tuy nhiên, các địa phương đã, đang làm đúng hướng hay chưa, cách làm chưa phù hợp hay còn những lý do khác (như “bệnh thành tích” khi các trường phải tính tỷ lệ học sinh thi đỗ lớp 10?) cũng là điều đáng bàn và thực tế đã có nhiều thông tin gây xôn xao trong dư luận thời gian qua.
Chuyên gia giáo dục Vũ Khắc Ngọc (Hệ thống giáo dục Học mãi) nhận định, tùy vào năng lực học tập các em, với một số em, nếu cố theo học các chương trình cao hơn như hiện nay thì rất nặng và năm nào cũng có những tranh luận vì nhiều công việc trong xã hội không nhất thiết phải học tập đến những chương trình cao đó.
Tất nhiên học hết lớp 9, hay học hết THPT không có nghĩa là các em phải dừng việc học mà các em chuyển hướng sang việc tiếp thu, được đào tạo nghề nghiệp, kĩ năng… Các em có thể kinh doanh hộ gia đình, ăn uống, thời trang hay sáng tạo nội dung trên các nền tảng mạng xã hội. Đó là những ngày nghề có yêu cầu riêng, cần những kiến thức và kỹ năng nhất định, các khóa đào tạo ngắn hạn, thay vì phải tốn kém tiền của, công sức để theo học các chương trình đào tạo quá sức.
Về thông tin học sinh bị "ép" không cho thi lên lớp 10, chuyên gia Vũ Khắc Ngọc nhìn nhận: Nhìn một cách độc lập, thầy là người hiểu rõ năng lực học tập của học sinh nhất, cũng như nắm bắt được chương trình giáo dục và hình dung ra được bức tranh học tập trong tương lai của học sinh, do đó, những tư vấn của thầy cô có giá trị ở việc nhìn nhận sát nhất về năng lực học sinh, phụ huynh có thể lắng nghe và khách quan đánh giá, tham khảo.
"Tuy nhiên, để xác định con đường đi cho các con thì còn phụ thuộc nhiều vào các yếu tố về phía gia đình, như từ tiềm lực tài chính, các mối quan hệ trong công việc, truyền thống trong công việc của gia đình mà các thầy cô không thể nắm được. Vì thế, tư vấn của các thầy cô chỉ mang tính tham khảo, còn quyết định ở phía học sinh và gia đình… Và quan trọng là phải lựa chọn vì học sinh, phù hợp mong muốn và khả năng của học sinh chứ không phải lựa chọn theo kỳ vọng của bố mẹ”.
Cùng bàn luận về chủ đề này, TS. Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng cơ điện Hà Nội cho biết: “Việc phân luồng được đưa về các trường THCS và lãnh đạo nhà trường lại dồn về giáo viên chủ nhiệm, từ đó dễ khiến hoạt động định hướng chưa được hợp lí, làm cho các phụ huynh có phản ứng. Nguyên nhân chính là phương pháp và cách thức giáo dục, đồng thời thiếu sự trải nghiệm cho người học”.
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), hiện là Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cũng đánh giá: Việc phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở và sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông có vai trò vô cùng quan trọng trong việc chuyển đổi cơ cấu nguồn nhân lực. Nếu nhìn thẳng vào thực tế chúng ta chưa phân luồng được học sinh sau THCS.
Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã nêu mục tiêu là: “...Bảo đảm cho học sinh có trình độ trung học cơ sở (hết lớp 9) có tri thức phổ thông nền tảng, đáp ứng yêu cầu phân luồng mạnh sau trung học cơ sở; trung học phổ thông phải tiếp cận nghề nghiệp và chuẩn bị cho giai đoạn học sau phổ thông có chất lượng…”. Điều đó cho thấy, khi được trang bị kiến thức THCS (hết lớp 9), học sinh đã đủ khả năng "đáp ứng yêu cầu phân luồng mạnh sau trung học cơ sở".
Tư vấn hướng nghiệp đúng cho học sinh là việc quan trọng nhằm phân bổ, chuyển đổi hợp lý cơ cấu nguồn nhân lực |
Vừa qua, Chỉ thị số 29-CT/TW ngày 5/1/2024 của Bộ Chính trị về công tác phổ cập giáo dục, giáo dục bắt buộc, xóa mù chữ cho người lớn và đẩy mạnh phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông cũng nhấn mạnh nhiệm vụ phân luồng học sinh sau trung học cơ sở. Đây là quan điểm chỉ đạo đúng đắn và rất quan trọng trong thời điểm hiện nay.
Câu hỏi đặt ra là, chưa bàn đến năng lực thực tế của học sinh, tại sao nhiều học sinh và gia đình vẫn chọn hướng học lên trung học phổ thông, mà chưa mặn mà học nghề? Khả năng tìm kiếm việc làm, mức thu nhập, khả năng học liên thông, tiến lên các trình độ cao hơn khi có điều kiện là những băn khoăn mà học sinh và gia đình vẫn chưa có lời giải thỏa đáng. Việc tuyên truyền, định hướng, hướng nghiệp được tổ chức nhiều, nhưng có lẽ hiệu quả vẫn còn là một câu hỏi để ngỏ.