Khẳng định việc xây dựng cơ chế bảo vệ cán bộ 6 dám: dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám nói, dám đột phá sáng tạo và dám đương đầu với khó khăn, thử thách là rất khó, song Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, ông Nguyễn Mạnh Cường cho rằng, hệ thống pháp luật cần được vận động theo hướng này.
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội. Ảnh: Chí Cường |
Thưa ông, cử tri cả nước đã thực hiện công việc rất hệ trọng là bầu ra những người đại diện cho dân ở cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Các vị đại biểu Quốc hội khóa mới sẽ thay mặt nhân dân tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, trong đó có việc bảo vệ cán bộ 6 dám như yêu cầu tại văn kiện Đại hội XIII của Đảng và liên tục được nhắc đến trong cả nghị quyết của Chính phủ cũng như trong phát biểu của người đứng đầu Chính phủ thời gian gần đây. Có ý kiến chuyên gia pháp luật cho rằng, đây là việc rất khó?
Tôi cũng cho rằng, đây là một vấn đề rất khó, đòi hỏi phải có cơ chế chính sách pháp luật năng động hơn, phù hợp với thực tiễn hơn, linh hoạt hơn. Trước mỗi vấn đề cần truy cứu trách nhiệm hình sự, phải xem xét rất kỹ động cơ của người thực hiện là trong sáng, vì cái chung hay vụ lợi, chỉ vì cá nhân.
Hiện nay, theo tôi được biết, nghị quyết hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự trong xét xử tội phạm tham nhũng và tội phạm khác về chức vụ (có hiệu lực từ ngày 15/2/2021) của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao cũng đã theo hướng như vậy.
Cụ thể, trong nguyên tắc xử lý đối với tội phạm tham nhũng, tội phạm khác về chức vụ có quy định xem xét áp dụng chính sách khoan hồng đặc biệt miễn hình phạt theo quy định tại Điều 59, Bộ luật Hình sự đối với trường hợp người phạm tội lần đầu là người giúp sức trong vụ án đồng phạm, nhưng có vai trò không đáng kể nếu thuộc trường hợp phạm tội không vì động cơ vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác, mà chỉ vì muốn đổi mới, dám đột phá vì sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Trường hợp cũng được miễn hình phạt là đồng phạm, nhưng là người có quan hệ lệ thuộc (như cấp dưới đối với cấp trên, người làm công hưởng lương, chấp hành nhiệm vụ theo chỉ đạo của cấp trên), không ý thức được đầy đủ hành vi phạm tội của mình, không vì động cơ vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác, không được hưởng lợi...
Các quy định như thế cũng là vận động theo hướng bảo vệ người vô tội, người dám nghĩ, dám làm rồi. Tất nhiên, với những người đổi mới, sáng tạo, nếu mang lại lợi ích cho cái chung thì tốt quá rồi, nhưng trong trường hợp có gây thiệt hại, pháp luật cần phải vận động theo, phải có hướng dẫn để bảo vệ họ, với toàn bộ hệ thống pháp luật, chứ không chỉ ở Bộ luật Hình sự.
Lần sửa đổi Bộ luật Hình sự gần đây nhất, tội danh "cố ý làm trái" đã được cụ thể hóa ở các điều luật mới, nhưng theo phân tích của một số chuyên gia luật, nguy cơ bị lạm dụng tội danh này vẫn còn. Và để bảo vệ người dám dấn thân, đột phá, cần quy định tội phạm trong pháp luật chuyên ngành. Ông nghĩ sao về ý kiến này?
Các nước đều có bộ luật hình sự mở, tội phạm và hình phạt đều có thể quy định trong các luật chuyên ngành, nhưng ở Việt Nam, chỉ có Bộ luật Hình sự mới được quy định về tội phạm. Thực ra, về bản chất chỉ là kỹ thuật lập pháp thôi, quy định cứng thì cũng có lý do là để đảm bảo tính đồng bộ, toàn diện cho pháp luật hình sự. Quy định ở luật chuyên ngành thì có thể đáp ứng nhanh hơn, kịp thời hơn; nếu thực tế cuộc sống đặt ra yêu cầu cần sửa đổi, thì chỉ cần sửa một luật đó thôi.
Cũng có lý do nữa dẫn đến việc Việt Nam chưa quy định tội phạm trong luật chuyên ngành là vì ban soạn thảo các luật chuyên ngành chủ yếu là chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế, xã hội, mà không phải chuyên gia về pháp luật hình sự, nên cũng có thể có rủi ro khi quy định tội phạm trong luật chuyên ngành. Nhưng đây không phải vấn đề không khắc phục được. Việc này có thể khắc phục được, nếu ban soạn thảo các dự án luật đều được mở rộng ra, có sự tham gia của cả các chuyên gia pháp luật về hình sự trong các lĩnh vực liên quan. Còn nếu vẫn cách thức, thành phần như hiện nay (thường là bộ trưởng một bộ quản lý chuyên ngành làm trưởng ban soạn thảo dự án luật), thì cần phải tính toán thêm, cân nhắc thêm.
Theo đánh giá của ông, việc cụ thể hóa tội danh "cố ý làm trái" ở các điều luật mới có thực sự góp phần đáng kể chống oan sai, bảo vệ người vô tội hay không?
Sự thay đổi này có ý nghĩa rất lớn. Quy định tội “cố ý làm trái” như khi chưa sửa giống như một cái rọ, tất cả các loại vi phạm nào mà không rõ ràng đều có thể quy về cái rọ này, nên dễ bị lạm dụng. Sau khi sửa Bộ luật Hình sự, tội danh này đã tách ra thành các tội khác nhau, như vi phạm các quy định về cạnh tranh; vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản; vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, gây thất thoát, lãng phí; vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng...
Quy định về những hành vi rất cụ thể như vậy thì sẽ tạo được sự công khai, minh bạch, công bằng hơn, hạn chế được sự lạm dụng trong xét xử.
Nhưng sự vận động của cuộc sống hiện nay rất nhanh chóng, không loại trừ có những lĩnh vực luật chưa điều chỉnh, chưa bao quát hết. Vậy làm sao để bảo vệ được người dám đột phá, đi tiên phong trong những lĩnh vực mới?
Cái gốc để bảo vệ những cá nhân đó vẫn phải từ nền tảng pháp luật, thể chế phải rõ ràng, minh bạch và pháp luật phải được thượng tôn. Pháp luật phải theo kịp cuộc sống và phải mang tính linh hoạt. Muốn vậy, hệ thống pháp luật phải đổi mới đồng bộ, từ luật về tổ chức bộ máy, trong đó có phân cấp, phân quyền, cho tới luật về quản lý trong từng lĩnh vực và quy định xử lý liên quan đến hành vi vi phạm đều cần đổi mới theo định hướng bảo vệ cán bộ 6 dám đã nêu trong văn kiện của Đảng.
Sự đổi mới đồng bộ này có liên quan thế nào đến chất lượng 500 đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ mới được cử tri cả nước bầu ra vào ngày 23/5, thưa ông?
Chắc chắn là, để có được sự đổi mới như thế, thì những người bấm nút quyết định sự ra đời các đạo luật cũng phải dám nghĩ, dám làm, tiên phong đổi mới. Mặc dù đã có rất nhiều tiến bộ, nhưng hệ thống pháp luật hiện nay có thể chưa đủ rộng về tầm nhìn, thì tới đây phải làm sao rộng hơn, lường trước được những vấn đề có thể xảy ra trên thực tế ở mức cao nhất. Các đại biểu trong cơ quan lập pháp không nên bảo thủ, giáo điều cho rằng, hệ thống pháp luật ngày xưa là như thế... Quan điểm đó không phù hợp với giai đoạn đất nước đòi hỏi sự đổi mới, sáng tạo để phát triển như hiện nay.
Pháp luật phải theo kịp thực tiễn, đó là mong muốn, còn thực tế khi ban hành, sửa đổi, mỗi đạo luật phải nghiên cứu rất sâu và cân nhắc kỹ càng, đòi hỏi đại biểu trong cơ quan lập pháp phải có tư duy đổi mới, đột phá sáng tạo.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư trong một bài phỏng vấn trước đây, ông từng nói rằng, một đất nước muốn phát triển được kinh tế, thì hệ thống tư pháp phải cực kỳ vững chắc và phải hoạt động rất hiệu quả. Phải chăng, điều này lại càng đúng với việc bảo vệ những nhân tố mới, những cán bộ 6 dám?
Cơ quan tư pháp độc lập và chỉ tuân theo pháp luật là nguyên tắc pháp chế của nhà nước pháp quyền. Nguyên tắc này được tuân thủ đầy đủ thì sẽ bảo vệ được những người dám nghĩ, dám làm, vì lợi ích chung của đất nước.