Trong khuôn khổ chương trình làm việc, Công đoàn NHCSXH đã trao tặng 1 tỷ đồng xây dựng điểm trường tiểu học thôn Phống, xã Bát Mọt, huyện Thường Xuân |
Dư nợ Tín dụng chính sách tại Thanh Hóa đứng thứ nhì toàn quốc
Tại buổi làm việc, Tổng giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng một lần nữa khẳng định tính ưu việt, sáng tạo của mô hình NHCSXH.
Từ thực tiễn và kết quả triển khai các chương trình tín dụng chính sách tại địa phương, tín dụng chính sách với nòng cốt là các hoạt động cho vay vốn tại NHCSXH là một giải pháp sáng tạo, có tính nhân văn sâu sắc, phù hợp với thực tiễn, là trụ cột quan trọng trong chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững, góp phần hạn chế tín dụng đen, tạo nguồn lực cho tỉnh thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Sau khi lắng nghe ý kiến của đại diện NHCSXH các huyện, thị xã, thành phố; tổ chức chính trị - xã hội nhận uỷ thác cấp tỉnh; đại diện chi nhánh NHCSXH tỉnh, phòng giao dịch NHCSXH cấp huyện, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đánh giá cao những kết quả đã đạt được trong hoạt động tín dụng chính sách tại Thanh Hóa.
Theo đó, tổng nguồn vốn tín dụng của chi nhánh NHCSXH tỉnh đến ngày 31/3/2022 đạt 11.182 tỷ đồng, tăng 350 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, nguồn ngân sách địa phương ủy thác sang chi nhánh đạt 406 tỷ đồng, tăng 54,6 tỷ đồng so với đầu năm (chiếm 3,6% tổng nguồn vốn). Tổng dư nợ các chương trình tín dụng của chi nhánh đứng thứ 2 toàn quốc về quy mô (đạt 11.135 tỷ đồng, tăng 3,1%), với khoảng 245.000 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đang còn dư nợ, chiếm 24,5% tổng số hộ dân trong tỉnh.
Hoạt động tín dụng chính sách xã hội tại tỉnh Thanh Hóa được triển khai thông qua 559 điểm giao dịch xã, với 6.660 tổ tiết kiệm và vay vốn.
Nâng cao năng lực hoạt động của NHCSXH
Để tiếp tục duy trì kết quả đã đạt được, phát huy hơn nữa hiệu quả của tín dụng chính sách, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh, cùng với việc bám sát các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đề nghị Ban đại diện HĐQT chi nhánh NHCSXH tỉnh tiếp tục tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện hiệu quả hơn nữa các chỉ thị, kết luận của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Thủ tướng Chính phủ về tín dụng chính sách.
Đồng thời, tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh tiếp tục dành sự quan tâm hỗ trợ về cơ sở vật chất, nhân lực, địa điểm, trang thiết bị, phương tiện làm việc nhằm tạo điều kiện thuận lợi, nâng cao năng lực hoạt động của NHCSXH tại địa phương. Ưu tiên, bố trí ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Thống đốc NHNN cũng đề nghị tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo các sở, ngành liên quan tổ chức điều tra, rà soát, bổ sung và xác nhận đối tượng thụ hưởng tín dụng chính sách, kịp thời làm cơ sở để chi nhánh NHCSXH tỉnh thực hiện cho vay; đặc biệt là rà soát nhu cầu vốn tín dụng chính sách thực hiện Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội và Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ.
Bên cạnh đó, chủ động nghiên cứu các văn bản hướng dẫn, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai kịp thời có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách ưu đãi trong Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội 2 năm giai đoạn 2022 - 2023 ngay sau khi có các văn bản hướng dẫn của Trung ương. Ngoài ra, tiếp tục triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách, kịp thời chuyển tải vốn tín dụng đáp ứng nhu cầu người nghèo và các đối tượng chính sách khác…