Thời sự
Phát triển bền vững với mô hình liên kết trồng rừng gỗ lớn
Thùy Linh - 28/11/2019 13:15
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành Pháp lệnh trồng rừng (28/11/1959 - 28/11/2019), ông Cao Chí Công, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, ngành lâm nghiệp đã có những bước tiến dài trong xu thế hội nhập với ngành kinh tế rừng của thế giới.
Ông Cao Chí Công, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

Ngành lâm nghiệp Việt Nam đang hướng tới quy trình sản xuất theo chuỗi khép kín, nâng cao giá trị sản phẩm. Các doanh nghiệp trong ngành đã có bước chuyển như thế nào để hướng tới mục tiêu này, thưa ông?

Trong thời gian qua, các doanh nghiệp trong ngành đã chuyển biến nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng và hiệu quả của việc tổ chức sản xuất theo chuỗi khép kín từ trồng rừng, khai thác rừng, chế biến và thương mai lâm sản, nhằm mang lại hiệu quả cao hơn, từ đó nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất lâm nghiệp, đồng thời thực hiện việc truy suất, đảm bảo nguồn gốc gỗ, lâm sản hợp pháp.

Từ đó, các doanh nghiệp, chủ rừng đã chủ động được đầu ra, yên tâm sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học - công nghệ trong chọn, tạo giống cây trồng lâm nghiệp; áp dụng các biện pháp kỹ thuật lâm sinh trong trồng rừng gỗ lớn, trồng rừng thâm canh để nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng.

Đối với doanh nghiệp chế biến lâm sản, chủ động được nguồn nguyên liệu gỗ hợp pháp, tập trung nâng cao chất lượng và ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ trong sản xuất, chế biến, tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao, xuất khẩu sang những thị trường khó tính, đầy tiềm năng như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Cụ thể, các doanh nghiệp đã triển khai các giải pháp nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm gỗ như thế nào?

Trong thực tiễn đã xuất hiện nhiều mô hình liên kết trồng rừng gỗ lớn, có chứng chỉ quản lý rừng bền vững, chế biến sản phẩm gỗ xuất khẩu có giá trị gia tăng cao, hoạt động có hiệu quả như: mô hình liên kết giữa Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu gỗ Nam Định với các hộ trồng rừng tại Yên Bái, thu hút được 494 hộ tại huyện Yên Bình tham gia, trồng được khoảng 1.700 ha rừng; mô hình liên kết giữa Công ty Woodsland với các hộ trồng rừng tại Tuyên Quang, thu hút được 197 hộ dân tại huyện Yên Sơn tham gia, trồng được trên 840 ha rừng...

Các doanh nghiệp đã hỗ trợ người trồng rừng kinh phí thực hiện cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững, cho các hộ vay vốn từ năm thứ 4 trở đi để kéo dài chu kỳ kinh doanh, sản xuất gỗ lớn; mua gỗ nguyên liệu có chứng chỉ cao hơn từ 20-25% so với sản phẩm cùng loại không có chứng chỉ, cam kết bao tiêu toàn bộ gỗ có chứng chỉ theo giá thị trường. Người trồng rừng được hưởng lợi toàn bộ từ hoạt động trồng rừng và cam kết bán toàn bộ gỗ nguyên liệu cho doanh nghiệp.

Thời gian qua, Tổng cục Lâm nghiệp có giải pháp gì để khuyến khích, động viên doanh nghiệp ngành gỗ xây dựng quảng bá thương hiệu, góp phần tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước, thưa ông?

Tổng cục Lâm nghiệp đã tham mưu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hai hội nghị về chế biến gỗ, lâm sản xuất khẩu, do Thủ tướng Chính phủ chủ trì, nhằm động viên các doanh nghiệp ngành chế biến gỗ đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu, trong đó khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng quảng bá thương hiệu sản phẩm, góp phần làm tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.

Tổng cục Lâm nghiệp cũng tham mưu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Chính phủ ban hành Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 28/3/2019 về một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ phục vụ xuất khẩu. Trình Chính phủ ban hành Đề án Nâng cấp hội chợ VIFA - EXPO thành hội chợ cấp quốc tế, gắn với việc tôn vinh và bầu chọn các thương hiệu uy tín của ngành.

Ngoài ra, trong phạm vi nhiệm vụ được giao, Tổng cục Lâm nghiệp thường xuyên tổ chức các cuộc họp, trao đổi với các hiệp hội gỗ, lâm sản để nắm bắt và giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong việc xây dựng, quảng bá thương hiệu, cơ chế, chính sách về thuế xuất khẩu, rào cản thương mại để đề xuất các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu.

Ngành lâm nghiệp Việt Nam đang hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, hài hòa giữa các yếu tố kinh tế - xã hội - môi trường. Tổng cục Lâm nghiệp có chiến lược ra sao để giải quyết vấn đề này?

Thực hiện đưa ngành kinh tế lâm nghiệp từ chỗ dựa vào khai thác gỗ rừng tự nhiên sang phát triển rừng trồng, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, hài hòa giữa các yếu tố kinh tế - xã hội - môi trường, Tổng cục Lâm nghiệp luôn bám sát các mục tiêu của Chiến lược Phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2006 - 2020 để định hướng hành động.

Đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ tại Đề án Tái cơ cấu ngành lâm nghiệp; đặc biệt là nhiệm vụ sắp xếp, đổi mới và phát triển nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty lâm nghiệp, trong đó thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong việc dừng khai khác gỗ rừng tự nhiên, chuyển sang hướng tập trung phát triển trồng rừng gỗ lớn, gỗ chứng chỉ quản lý rừng bền vững, từng bước ổn định và phát huy hiệu quả hoạt động sản xuất của các công ty lâm nghiệp.

Tin liên quan
Tin khác