Dự án - quy hoạch
Phát triển chuỗi đô thị ven biển: Gắn quá trình công nghiệp hóa với đô thị hóa
TS. Trần Du Lịch - 17/11/2020 17:22
Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung còn rất nhiều dư địa để phát triển với tốc độ nhanh, trong đó, gắn kết quá trình công nghiệp hóa với đô thị hóa là một trong những giải pháp động lực.
Các địa phương trong Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung đang tập trung nguồn lực hoàn thiện hạ tầng, giao thông kết nối để mở rộng không gian kinh tế, phát triển đô thị.

Từ lợi thế “mặt tiền” hướng ra đại dương…

Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung gồm 5 tỉnh/thành phố: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định, với diện tích tự nhiên 28.114 km2, bằng 8,5% diện tích cả nước.

Ở vị trí trung độ của đất nước, Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung nằm trên trục giao thông Bắc - Nam có các tuyến quốc lộ nối các cảng biển của Vùng đến Tây Nguyên, Lào, Đông Bắc Campuchia, Đông Bắc Thái Lan, Myanmar theo tuyến hành làng kinh tế Đông Tây (EWEC) và Tiểu vùng sông Mê-kông (GMS). Với điều kiện về tự nhiên, nguồn nhân lực và thế mạnh về kinh tế biển, sự phát triển của Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế - xã hội, mà còn có ý nghĩa rất quan trọng về an ninh - quốc phòng.

Toàn Vùng hiện có 4 sân bay (Phú Bài - Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Chu Lai - Quảng Nam và Phù Cát - Bình Định), trong đó có 3 sân bay quốc tế, đặc biệt, sân bay Đà Nẵng là một trong ba cảng hàng không quốc tế lớn của Việt Nam.

Với 600 km bờ biển, Vùng có hệ thống cảng biển khá dày đặc, trong đó có nhiều cảng biển quan trọng như cảng Chân Mây, Đà Nẵng, Tiên Sa, Liên Chiểu, Kỳ Hà, Quy Nhơn…, phục vụ phát triển kinh tế Vùng và hình thành nên con đường huyết mạch trên biển thông thương ra thế giới, như “mặt tiền” hướng ra đại dương.

Vùng hiện có 4 khu kinh tế ven biển, gồm Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô (Thừa Thiên Huế), Khu kinh tế mở Chu Lai (Quảng Nam), Khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi), Khu kinh tế Nhơn Hội (Bình Định); 1 khu công nghệ cao (Khu công nghệ cao Đà Nẵng) và 19 khu công nghiệp ngoài các khu kinh tế đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập và đang có dự án triển khai.

Đến khai thác 5 “trụ cột” tăng trưởng kinh tế

Từ thực tiễn phát triển trong thời gian qua và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung, có thể thấy rõ 5 trụ cột tăng trưởng kinh tế của Vùng.

5 trụ cột tăng trưởng này gồm: công nghiệp chế biến, chế tạo dựa vào lợi thế nguồn nguyên liệu tại chỗ và hạ tầng các khu kinh tế, khu công nghiệp; du lịch, với định hướng phát triển theo tính chất của một “cụm ngành” được công nghiệp hóa; dịch vụ cảng và logistics, bao gồm cảng biển và cảng hàng không; phát triển nông - lâm - ngư nghiệp dựa trên công nghệ cao và đang chuyển từ phát triển theo số lượng sang phát triển chất lượng, giá trị; và phát triển kinh tế đô thị gắn với quá trình đô thị hóa.

Do thiếu sự liên kết phát triển kinh tế vùng và sự bất cập của hạ tầng giao thông kết nối vùng, nên 20 năm qua, dù các tỉnh, thành phố trong Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung đã có nhiều nỗ lực, năng động trong thu hút đầu tư, nhất là đối với lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo; du lịch và bất động sản nghỉ dưỡng…, nhưng nhìn chung chưa khai thác có hiệu quả lợi thế về tiềm năng phát triển. Thêm vào đó, miền Trung lại thường xuyên phải đối phó với sự khắc nghiệt của thiên tai, nên tốc độ tăng trưởng kinh tế chung của Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung còn khá thấp so với 2 vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và phía Nam.

Nhìn về dài hạn, Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung còn rất nhiều dư địa để phát triển với tốc độ nhanh, rút ngắn sự chênh lệch và hoàn toàn có khả năng vượt lên so với mặt bằng chung của cả nước.

Gắn kết công nghiệp hóa với đô thị hóa

Một trong những vấn đề tồn tại trong quá trình công nghiệp hóa ở nước ta là thiếu gắn kết với quá trình đô thị hóa. Tuy nhiên, điều này đang dần được khắc phục.

Trong những năm gần đây, các địa phương có khu kinh tế ven biển như Quảng Nam, Bình Định đã điều chỉnh quy hoạch chức năng các khu kinh tế, gắn phát triển công nghiệp với dịch vụ và đô thị. Các tổ hợp công nghiệp - dịch vụ - đô thị đang được quy hoạch và triển khai thu hút đầu tư, mở ra triển vọng gắn kết mục tiêu công nghiệp hóa với đô thị hóa. Đây là cơ sở không những để chuyển người nông dân thành công nhân, mà quan trọng hơn là chuyển họ thành thị dân.

Kinh nghiệm ở các quốc gia trên thế giới cũng cho thấy, vấn đề thách thức nhất trong quá trình đô thị hóa không phải là chuyển từ đất nông nghiệp sang đất đô thị, mà chính là chuyển người nông dân thành thị dân (bao gồm các yếu tố nghề nghiệp, chỗ ở, gia đình, thói quen sinh hoạt…).

Quá trình đô thị hóa cũng là “con gà đẻ trứng vàng” cho ngân sách nhà nước; giải phóng lực lượng lao động trong nông nghiệp, tạo điều kiện để tập trung quy mô đất đai phục vụ sản xuất lớn trong nông nghiệp.

Với Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung, trừ TP. Đà nẵng, tỷ lệ dân số đô thị trong Vùng còn thấp hơn nhiều so với mức bình quân của cả nước (38%), nên quá trình công nghiệp hóa sẽ tạo điều kiện để phát triển nhanh đô thị. Từ trước tới nay, dân số đô thị thường phát triển tự phát dọc theo Quốc lộ 1A và một số tuyến quốc lộ nối với Tây Nguyên. Nhưng trong tương lai gần, quy hoạch và chủ trương xây dựng tuyến giao thông ven biển suốt chiều dài 600 km sẽ là tác nhân chính để hình thành các đô thị ven biển. Hiện nay, các đô thị ven biển cũng đang dần xuất hiện tại nhiều địa phương.

Quan điểm về phát triển các chuỗi đô thị ven biển cũng đã được xác định. Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng đã nhấn mạnh việc xây dựng chuỗi đô thị từ Lăng Cô (Thừa Thiên Huế) đến Nam Hội An (Quảng Nam). Hiện nay, nhiều địa phương trong Vùng đang tập trung nguồn lực để kết nối, mở rộng, xây mới trục giao thông ven biển song song Quốc lộ 1A, không chỉ mở rộng không gian kinh tế, phát triển đô thị, mà sẽ góp phần quan trọng đối với an ninh - quốc phòng.

Quá trình công nghiệp hóa gắn với đô thị hóa ở những địa bàn như Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung đã và đang tác động tích cực tới sự dịch chuyển thị trường bất động sản, tạo nên thị trường “mới nổi” phong phú và đa dạng (bao gồm các phân khúc bất động sản công nghiệp, dịch vụ; bất động sản nghĩ dưỡng, bất động sản nhà ở…).

Quá trình đô thị hóa cũng là “con gà đẻ trứng vàng” cho ngân sách nhà nước; giải phóng lực lượng lao động trong nông nghiệp, tạo điều kiện để tập trung quy mô đất đai phục vụ sản xuất lớn trong nông nghiệp.

Tuy nhiên, mục tiêu này chỉ có thể đạt được khi quá trình đô thị hóa tạo được niềm tin cho người dân về lợi ích phát triển và sự công tâm của bộ máy chính quyền. Chính quyền phải chứng minh cho người dân thấy được lợi ích khi chuyển đổi cơ cấu kinh tế; thay đổi nghề nghiệp ở các vùng dự án; tập trung cho công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho các hộ dân “ly nông”, tạo được cuộc sống ổn định thông qua việc làm ổn định. Đây chính là điểm mấu chốt của quá trình công nghiệp hóa gắn với đô thị hóa.

Tin liên quan
Tin khác