Đây là dạng năng lượng có phát thải thấp, đang có xu hướng sử dụng rộng rãi, đặc biệt khi nước ta đã tham gia vào Cam kết quốc tế giảm phát thải gây ô nhiễm sau COP21
Bên cạnh đó, nhu cầu và khả năng thương mại hóa mặt hàng LNG trên thế giới ngày một tăng và phổ biến hơn, tốc độ tăng bình quân năm khoảng 6%/năm, từ đó cho thấy nguồn cung sẽ dễ dàng tiếp cận và thực thi hơn so với giai đoạn trước.
Việt Nam đã nhận thức rõ tầm quan trọng của LNG trong bối cảnh phát triển năng lượng gắn liền với bảo vệ môi trường, cũng như dự báo trước được sự thiếu hụt nguồn khí tại Nam Bộ trong tương lai, nên đã đang gấp rút thực hiện hàng loạt dự án khí - điện LNG lớn.
Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, giai đoạn 2025-2030 cần xây mới các nhà máy điện chạy khí LNG với tổng công suất 15.000-19.000 MW.
Việc đưa vào sử dụng và phát triển LNG tại Việt Nam đã và đang còn nhiều cơ hội cho ngành năng lượng Việt Nam, song thực tế còn nhiều khó khăn.
Về hoạch định Quy hoạch, kế hoạch, các Quy hoạch điện VII, Điện VII mở rộng, Quy hoạch khí được phê duyệt cho tới thời điểm này chưa đảm bảo được mục tiêu đề ra. Tình trạng đăng ký đầu tư phải bổ sung, chắp vá quy hoạch vẫn còn, trong đó có các nhà máy điện sử dụng LNG (thống kê sơ bộ hiện đã có khoảng hơn 25 dự án đã và đang được xem xét bổ sung quy hoạch, công suất lến tới 50 GW);
Về giá, cơ chế giá và hình thức đầu tư, giá nhiên liệu LNG nhập khẩu là yếu tố bất cập, nhiều biến động trong thời gian 10 năm trở lại đây.
Về giá cả, trong những năm qua, giá LNG đã có sự dao động khá lớn. Giá khí LNG sẽ quyết định giá thành bán điện của các dự án nguồn điện.
Sự cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường sản xuất khí đốt trong năm 2019 lại khiến nguồn cung bị dư thừa trong khi nhu cầu sụt giảm nghiêm trọng do đại dịch Covid-19. Điều này khiến giá bán LNG thế giới hiện nay rơi xuống mức thấp kỷ lục dưới 2 USD/triệu BTU.
Theo World Bank dự báo, giá LNG sẽ thay đổi trong vài năm tới.
Tại Việt Nam, có ý kiến cho rằng cần có cơ chế giá phù hợp cho thị trường LNG Việt Nam trong sản xuất điện. Vậy cần nghiên cứu thành lập một hay một vài Trung tâm đầu mối chuyên nhập khẩu LNG cung cấp cho các nhà máy điện. Đầu mối này phải được quản lý và giám sát của nhà nước để đảm bảo tính công khai, minh bạch, chặt chẽ thị trường LNG trong nước. Tuy nhiên, việc này cũng có những khó khăn nhất định trong việc triển khai thực tế, đòi hỏi sự điều phối và hợp tác chặt chẽ giữa các nhà đầu tư, địa phương và các Bộ ngành liên quan.
Cũng do yếu tố giá này đã dẫn tới cần xác định hình thức đầu tư (đầu tư theo hình thức PPP/BOT hay IPP) vì mỗi hình thức đầu tư có khung pháp lý, cơ chế quản lý và vận hành khác nhau.
Về khung pháp lý, cơ chế quản lý vận hành cả chuỗi Khí - điện, do Việt Nam đang hoàn thiện khung pháp lý, cơ chế quản lý cho các dự án đầu tư điện LNG theo hình thức đầu tư thông thường (IPP) nên khó thu xếp tài chính cho dự án quy mô hàng tỷ USD.
Gần đây, tại văn bản số 479/TTg-CN ngày 23/4/2020 Thủ tướng đã cho bổ sung quy hoạch các dự án giai đoạn 1 của Trung tâm điện lực LNG tại Long Sơn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Cà Ná, tỉnh Ninh Thuận, tại văn bản này Thủ tướng có chỉ đạo giao UBND các tỉnh chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư cho các dự án trên đảm bảo công khai, minh bạch, đúng quy định của pháp luật và hiệu quả tốt nhất cho đất nước.
Tóm lại, nguồn cung LNG thế giới trước năm 2025 được đánh giá dồi dào có thể đáp ứng được khối lượng LNG cần cho thị trường Việt Nam cùng với các điều kiện thuận lợi do thị trường đang được xét dưới góc độ thị trường của người mua.