ĐBSCL có diện tích 40.000km2, dân số 18 triệu người, là vùng sản xuất lương thực trọng điểm của cả nước, đóng góp 90% lượng gạo xuất khẩu, 70% sản lượng trái cây và thủy sản xuất khẩu. Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2015 đạt 7,8%, thu nhập bình quân đầu người đạt 40,27 triệu đồng, tổng đầu tư toàn xã hội trên 258.000 tỷ đồng.
Tại Hội nghị, đại diện Bộ Công thương đánh giá cao tiềm năng phát triển ngành của vùng và cho biết, với vị trí tiếp giáp và có đường biên giới 330km với Campuchia, ĐBSCL có lợi thế rất lớn trong phát triển kinh tế biên mậu. Để phát huy các lợi thế về vùng nguyên liệu nông, thủy sản, phát triển thương mại dịch vụ trong bối cảnh nước ta hội nhập sâu, rộng với kinh tế thế giới, các địa phương trong vùng cần xây dựng chiến lược phát triển công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao; xây dựng thương hiệu hàng nông sản; thúc đẩy xuất khẩu; xây dựng các kênh phân phối; tăng cường liên kết với các địa phương trong vùng và liên kết với TP. Hồ Chí Minh trong thu hút đầu tư, phát triển kinh tế.
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng ban chỉ đạo Tây Nam Bộ tại Hội nghị |
Tuy nhiên, các đại biểu nhận định, sự phát triển của ĐBSCL chưa tương xứng với tiềm năng của vùng. .GS.Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Đại học Nam Cần Thơ cho rằng, dù sống trên “vựa lúa”, nhưng thu nhập bình quân đầu người của người dân ĐBSCL chỉ khoảng 2.000USD, thấp nhất khu vực. Đồng quan điểm đó, ông Nguyễn Phương Lam, Phó giám đốc VCCI chi nhánh Cần Thơ cho biết, cả vùng chỉ có chưa đến 60.000 doanh nghiệp, thu hút đầu tư chưa đầy 20 tỷ USD là rất thấp so với tiềm năng, đáng lưu ý là có rất ít dự án đầu tư vào nông nghiệp - lĩnh vực được xem là thế mạnh của vùng.
Phát biểu tại hội nghị, UV Bộ Chính trị, Phó thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban chỉ đạo Tây Nam Bộ Vương Đình Huệ phân tích, các kỳ tổ chức MDEC đã nói nhiều về tiềm năng, lợi thế của vùng, nhưng chưa có nhiều nghiên cứu sâu sắc.
"Nông dân không muốn nghe chúng ta nói quá chung chung mà cần nêu cụ thể như: ngành chăn nuôi, sản xuất nguyên liệu đầu vào cho thức ăn chăn nuôi sẽ gặp những thách thức gì khi hội nhập, để giải quyết vấn đề đó thì chúng ta cần phải làm gì; ĐBSCL có thế mạnh ở các sản phẩm: lúa, cá tra, tôm, trái cây, khi hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới thì có đủ sức cạnh tranh hay chưa, trong khi hiện nay thị trường trong nước đang có nhiều sản phẩm cùng loại du nhập vào, việc bảo vệ thị phần thị trường nội địa có vững chắc hay chưa, không khéo chúng ta sẽ thua ngay sân nhà", Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nói.
Theo kịch bản biến đổi khí hậu (BĐKH), vùng ĐBSCL được đánh giá là dễ tổn thương nhất, 60-70% nguồn nước ngọt sử dụng có nguồn từ nước ngoài chảy vào, do đó bài toán quản lý nguồn nước, chống chọi với BĐKH trong phát triển phải được chú trọng. Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các bộ ngành hữu quan rà soát lại tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của vùng theo quan điểm và cách thức tiếp cận mới. Ttrên cơ sở đó, Chính phủ đề ra định hướng phát triển vùng trong trung hạn và dài hơi hơn. Dự kiến trong tháng 8 năm nay, BCĐ Tây Nam Bộ sẽ chủ trì tổ chức hội nghị về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và logistics của vùng. Đây cũng là một nôi dung quan trọng trong phát triển bền vững tại ĐBSCL, vì một ĐBSCL phát triển an toàn, trù phú và thịnh vượng.