Thời sự
Phát triển du lịch từ văn hóa dệt thổ cẩm
Hải Hà - 02/08/2015 09:14
Những thành công của điểm du lịch bản Lác đã khởi đầu cho hàng loạt điểm du lịch mới, với mô hình lấy văn hóa đặc trưng của từng dân tộc làm đòn bẩy cho phát triển du lịch.

Cách Hà Nội khoảng 150 km, xuôi theo Quốc lộ 6, bản Lác (huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình) đã trở thành điểm đến quen thuộc của du khách trong và ngoài nước với đặc trưng truyền thống dệt thổ cẩm.

Một số chuyên gia đánh giá, bản Lác hiện chỉ giữ được khoảng 50% giá trị truyền thống. Mặc dù vậy, đây vẫn là mô hình đầu tư du lịch điển hình với quần thể du lịch gồm hơn 100 ngôi nhà sàn được xây cất theo quy hoạch, đầu hồi nhà có đánh số, tôn trọng truyền thống kiến trúc cổ.

Bản Lác thuộc huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình

 

Hiện, bản Lác có 25/112 hộ đăng ký làm du lịch homestay với các dịch vụ ngủ nhà sàn, ăn cơm lam, uống rượu cần, xem biểu diễn văn nghệ dân tộc Thái và đốt lửa trại giao lưu...

“Tuy có những điểm chưa thật hài lòng, song những thành công bước đầu của phát triển du lịch khiến chúng tôi cảm thấy công sức của mình bỏ ra và những ngày tháng ăn ngủ cùng đồng bào dân tộc, cầm tay chỉ việc từng hộ gia đình không phải vô ích”, chị Thủy, cán bộ Dự án Phát triển ngành nghề nông thôn do Tổ chức Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) hỗ trợ, nói.

Trước đó, Dự án Hỗ trợ phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống tại xã Pà Cò và xã Chiềng Châu (thuộc Dự án Phát triển ngành nghề nông thôn) đã được triển khai trong giai đoạn từ 2000 - 2011 trên địa bàn huyện Mai Châu.

Đối với Chiềng Châu, Dự án được triển khai từ năm 2009 - 2011 tại Hợp tác xã dệt thổ cẩm Chiềng Châu với tổng kinh phí hỗ trợ trên 800 triệu đồng. Đây là một trong số ít dự án thành công và tiếp tục được duy trì phát triển sau khi dự án  kết thúc.

Sản phẩm do Hợp tác xã Chiềng Châu sản xuất khá đa dạng, gồm các loại quà lưu niệm, khăn dệt, túi xách, giầy dép, búp bê, thú nhồi bông… Tất cả đều được làm thủ công hoàn toàn, lấy nguyên liệu tự nhiên làm nền tảng, vì vậy rất được khách hàng tín nhiệm, ngày càng có nhiều đơn đặt hàng. Những sản phẩm không chỉ bán tại bản Lác, mà còn xuất khẩu sang một số thị trường như Nhật, Pháp. Nếu như năm 2011, doanh thu của Hợp tác xã mới đạt trên 500 triệu đồng thì đến năm 2015, doanh thu ước đạt trên 2 tỷ đồng và còn có thể tăng nữa.

Trước lo ngại thương mại du lịch sẽ khiến sản phẩm của các vùng đồng bào dân tộc không còn giữ được đặc trưng ban đầu, ông Lê Bá Ngọc, Phó chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ trấn an, hiện 4 khu trưng bày và giới thiệu sản phẩm tại các địa phương khác nhau đã hoàn thành. Đây sẽ là nơi bán những sản phẩm của người dân tộc đúng nghĩa và cũng là địa chỉ tin cậy nhằm giới thiệu tới khách hàng trong và ngoài nước, các công ty du lịch, các nhà thiết kế những giá trị văn hóa của địa phương.

Để gìn giữ bản sắc nghề dệt thổ cẩm, 240 học viên từ các bản dân tộc đã được học về cách phối màu và phát triển sản phẩm do chuyên gia Việt Nam, Pháp và Thụy Điển hỗ trợ. 300 mẫu hoa văn đã được bảo tồn để phục vụ phát triển sản phẩm mới.

Ngoài các khóa đào tạo thì Cẩm nang về nhuộm tự nhiên cho các chất liệu chính của 3 dân tộc Thái, Mông và Mường cũng đã được xây dựng.

Tin liên quan
Tin khác